Trước thực trạng rau sạch, rau không bảo đảm an toàn lẫn lộn, việc hình thành những mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhà kính chuẩn VietGAP, Global GAP đã góp phần giải quyết thực trạng trên.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Thuận An tham quan mô hình trồng rau an toàn nhà lưới kín của gia đình anh Từ Trung Hiếu
Chúng tôi tìm đến tham quan mô hình vườn rau thủy canh hồi lưu nhà lưới kín của anh Từ Trung Hiếu, khu phố Bình Phước B, phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An. Qua trao đổi, anh cho biết mô hình trồng rau an toàn là thành quả sau một chuyến đi học hỏi từ mô hình rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Tiến, khu phố Bình Đức, phường Bình Nhâm.
Là công nhân, sau khi tìm hiểu và tự tin về thị trường đầu ra, vợ chồng anh Hiếu đã nghỉ việc tại công ty, đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng mô hình vườn rau an toàn trên 1.000m2 tại mảnh đất của gia đình, dồn toàn tâm toàn lực để phát triển mô hình kinh doanh này. Mô hình nhà lưới kín của anh có chiều cao 8,5m rất thông thoáng, xung quanh được phủ kín bằng lưới nhằm chống côn trùng bay vào, dưới nền đất một phần lót bạt, một phần được đổ bê tông.
Anh Hiếu tâm sự: “Gia đình làm mô hình rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công việc đòi hỏi sự chịu khó, mỗi sáng sớm hoặc ban đêm phải rọi đèn để kiểm tra sâu. Nếu phát hiện có sâu đối với cây đã lớn phải cách ly ngay bằng cách nhổ cây để loại trừ sâu bệnh lây lan sang cây khác. Hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước của thủy cục, phân bón đạt chuẩn, gieo hạt trên xơ dừa đã qua xử lý”. Anh Hiếu cho biết thêm, trung bình một ngày anh thu hoạch 50kg rau ăn lá/nửa vườn, với giá bán lẻ 25 - 30.000 đồng/kg, giá sỉ 20.000 đồng/kg. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các quầy rau sạch và Siêu thị Co.opmart, Bách hóa xanh. Mong muốn của anh Hiếu lúc này là mở rộng thêm được đầu ra. Để có được loại rau chất lượng, an toàn chi phí đầu tư cho mô hình nhà lưới kín không phải nhỏ, đi kèm với chất lượng là giá thành sản phẩm cao hơn so với loại rau thông thường khác. Nếu người dân hiểu và thấy được giá trị từ rau an toàn mang lại thì giá cả tương ứng không phải là vấn đề.
Tiếp tục theo chân cán bộ nông nghiệp địa phương, chúng tôi tiếp cận với mô hình vườn rau an toàn nhà lưới hở của anh Lê Đức Công, khu phố Thạnh Lộc, phường An Thạnh, TP.Thuận An. Hiện tại tổng diện tích vườn rau an toàn của gia đình anh Công là 7.000m2, trong đó mảnh vườn 2.000m2 chuyên trồng rau ăn lá, vườn 5.000m2 trồng rau ăn quả như mướp, bầu, khổ qua, dưa leo...
Anh Công theo gia đình làm nông từ năm 18 tuổi, khu vườn này lúc trước chuyên trồng hẹ, thâm niên không dưới 10 năm và cho giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, sau một lần bị ngập làm đất màu thay đổi, cây hẹ từ đó không thể phát triển tốt được. Từ năm 2010, gia đình chuyển đổi hướng trồng luân phiên hoa màu, bình quân thu nhập 10 triệu đồng/tháng. Theo anh Công, mô hình nhà lưới hở có chi phí thấp hơn cho nên đầu ra dễ hơn do giá thành rẻ. Thị trường tiêu thụ chính của vườn rau gia đình anh là chợ An Sơn và chợ Thủ Dầu Một. So với những vườn rau trồng theo kiểu truyền thống, ưu điểm của nhà lưới hở là mùa mưa, nhờ có sự che chắn của giàn lưới rau sẽ không bị dập lá. Anh luôn tranh thủ tận dụng mùa mưa trồng những loại cây đang có nhu cầu thị trường để được giá. Do đặc thù mô hình nhà lưới hở, rau được trồng trên đất màu, nên không tránh khỏi yếu tố sâu bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất gia đình anh Công chọn thuốc sinh học có độ an toàn cao, có sự giám sát chỉ dẫn của cán bộ nông nghiệp về chủng loại, liều lượng thuốc, thời gian cách ly trước khi thu hoạch nên về mặt chất lượng vẫn bảo đảm.
Theo anh Đặng Tấn Lộc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP.Thuận An, các mô hình nhà lưới nông nghiệp ngày càng phổ biến, đa dạng trong thiết kế, không chỉ đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế mà còn giảm thiểu các vấn đề về việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Mô hình nhà lưới kín ưu điểm là tránh hoàn toàn được sâu bệnh cũng như giảm được tối đa thậm chí hoàn toàn thuốc trừ sâu. Còn mô hình nhà lưới hở sẽ tiết kiệm được chi phí đầu tư, giảm thiểu tác động của môi trường, thời tiết nhưng lại không có tác dụng ngăn côn trùng. Chính vì vậy, chủ mô hình phải tuân thủ rất chặt chẽ yếu tố về chọn loại thuốc cũng như cách sử dụng cho khoa học. Hiện nay, người dân luôn được tập huấn và đã biết sử dụng các loại thuốc sinh học độ an toàn cao, độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường. Chính vì vậy, cả 2 mô hình đều mang tính ưu việt khác nhau và đều có thể tạo ra các sản phẩm nông nghiệp năng suất, chất lượng cao.
TIẾN HẠNH