Hiệu quả mô hình nông nghiệp đô thị gắn với bảo vệ môi trường

Cập nhật: 16-05-2023 | 09:09:52

Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã thu hẹp điện tích đất nông nghiệp. Để thích ứng với tình hình phát triển đồng thời bảo đảm thu nhập cho nông dân, nông nghiệp đô thị được nhiều địa phương quan tâm phát triển, qua đó góp phần bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội tại địa phương.

 Nhiều nông dân chủ động thay đổi mô hình chăn nuôi để phù hợp với quy hoạch đô thị. Trong ảnh: Mô hình nuôi chim cút áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật của gia đình ông Lại Đức Hạnh

 Sở hữu trang trại trồng dưa lưới diện tích khoảng 16.000m2, Hợp tác xã (HTX) dưa lưới HTP Green là mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, điển hình tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng với 15 nhà lưới, trung bình mỗi nhà lưới hơn 1.000m2.

Chúng tôi đến thăm vườn dưa lưới của HTX HTP Green đúng lúc công nhân đang hăng say chăm sóc vườn, cắt tỉa lá làm lộ ra những trái dưa tròn, căng mọng đang chuẩn bị cho thu hoạch. Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc HTX cho biết trước đây các thành viên trong HTX trồng cây dược liệu. Sau đó do ảnh hưởng bởi dịch bệnh không xuất khẩu được, năm 2020 HTX quyết định chuyển hướng sang trồng dưa lưới. “Để phát triển mô hình trồng dưa lưới trước đó chúng tôi đã trồng thử nghiệm 2.000m2 ở huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước)và cho hiệu quả kinh tế khả quan. Ban đầu khi mới chuyển đổi mô hình chúng tôi phải đào tạo nhân lực, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất... Đến nay, trung bình mỗi nhà lưới đạt khoảng 3 - 3,5 tấn/1.000m2, sản xuất 3 giống dưa lưới chính là dưa lưới xanh, vàng Huỳnh Long và dưa mật trắng”, ông Huỳnh Thanh Phong cho biết thêm.

Cũng theo ông Phong, tại thời điểm đỉnh cao doanh thu đạt được từ khoảng 60 - 100 triệu đồng/vụ/1.000m2, tiêu thụ chủ yếu qua các thương lái thu mua nguyên vườn. Thời điểm hiện tại do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế khó khăn chung, giá vật tư nông nghiệp tăng cao nên giá cả không còn được như trước đây. Tuy nhiên, HTX vẫn nỗ lực vượt khó duy trì sản xuất, bảo đảm thu nhập cho 15 lao động thường xuyên và các thành viên. Thời gian tới, khi thị trường ổn định, HTX sẽ tiếp tục sản xuất trở lại cây dược liệu, vừa khôi phục lại sản phẩm ưu thế trước đây, vừa giúp các thành viên tăng thêm thu nhập, phù hợp mô hình nông nghiệp đô thị.

Là người gắn bó với nghề nông, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào trồng cây cao su và nuôi gà, ông Lại Đức Hạnh, khu phố Cây Sắn, thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng đã chuyển sang mô hình nuôi chim cút lấy trứng đến nay đã được 8 năm. Thời gian đầu khi triển khai mô hình chăn nuôi mới, gia đình ông Hạnh gặp không ít khó khăn, lứa đầu tiên bị thiệt hại nặng do chim bị bệnh tiêu chảy chết hàng loạt, thiệt hại mất 100 triệu đồng. Để bảo đảm an toàn về môi trường cũng như giảm tỷ lệ hao hụt khi nuôi, gia đình ông đã nghiên cứu tài liệu, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhờ đó tỷ lệ thành công tăng cao. Theo ông Hạnh, hiện tại lợi nhuận đạt khoảng 9 triệu đồng/tháng. “Tuy nhiên với phương châm lấy ngắn nuôi dài, mô hình nuôi chim cút góp phần tăng thu nhập cho kinh tế gia đình, còn cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực. Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay chính là nhờ trồng cây cao su mặc dù giá cao su bây giờ cũng không còn được như ngày trước”, ông Lại Đức Hạnh cho biết thêm.

Ông Châu Thanh Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Uyên, cho biết sau 9 năm huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động, thị trấn Lai Uyên đóng vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, đô thị của huyện. Bên cạnh kêu gọi huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ, trị trấn tiếp tục đẩy mạnh quản lý trong các lĩnh vực đô thị, tài nguyên môi trường, sử dụng đất đô thị hiệu quả, gắn kết các chính sách phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Những mô hình trồng dưa lưới như Hợp tác xã HTP Green, mô hình trồng nấm của anh Vũ Thế Hùng... là những mô hình nông nghiệp đô thị tiêu biểu trên địa bàn trị trấn hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều nông dân sản xuất chăn nuôi cũng có những chuyển đổi mô hình cho phù hợp với môi trường đô thị, bảo đảm thu nhập cho gia đình.

Không chỉ riêng thị trấn Lai Uyên, hiện nay các thị trấn, phường tại các huyện, thị, thành phố đã chú trọng phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu bảo đảm sự cân bằng sinh thái, tạo hiệu quả sản xuất. Bước chuyển đổi sang các mô hình sinh vật cảnh, trồng rau trong nhà kính, trồng hoa kiểng, trồng nấm bào ngư... góp phần nâng cao chất lượng môi trường.

 Ông Châu Thanh Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, cho biết sau 9 năm huyện Bàu Bàng đi vào hoạt động, thị trấn Lai Uyên đóng vai trò trung tâm hành chính, kinh tế, đô thị của huyện. Bên cạnh kêu gọi huy động tối đa các nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư vào hoạt động kinh doanh các loại hình dịch vụ, trị trấn tiếp tục đẩy mạnh quản lý trong các lĩnh vực đô thị, tài nguyên môi trường, sử dụng đất đô thị hiệu quả, gắn kết các chính sách phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=546
Quay lên trên