Kể từ ngày 1-7, TP.HCM (mới) chính thức đi vào hoạt động, vì vậy trang web tạm ngừng cập nhật thông tin để chờ hướng dẫn. Trong thời gian này mọi thông tin liên quan đến địa bàn Bình Dương (cũ) sẽ được cập nhật trên báo Sài Gòn Giải Phóng và các ấn phẩm, nền tảng liên quan. Trân trọng!

Hiệu quả thiết thực

Thứ sáu, ngày 17/06/2011
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Nghị định 119/1999/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm khuyến khích doanh nghiệp (DN) thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tạo ra công nghệ mới thuộc những lĩnh vực, ngành nghề được Nhà nước ưu tiên. Bình Dương cũng là một trong những tỉnh đi đầu trong công tác nghiên cứu khoa học - công nghệ (KHCN).

 Thực hiện đúng tinh thần Nghị định 119

Mục đích chung của chính sách này là khuyến khích các DN chú trọng đầu tư vào hoạt động KHCN nhằm đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách hỗ trợ sẽ góp phần thúc đẩy phát triển đầu tư của xã hội cho KHCN. Các đối tượng được hỗ trợ gồm các DN thuộc mọi thành phần kinh tế. Nhà nước hỗ trợ DN tối đa 30% tổng kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu tạo ra công nghệ mới thuộc những ngành nghề Nhà nước ưu tiên khuyến khích, do DN thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan khoa học thực hiện. Các DN căn cứ vào nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của đơn vị mình, nếu phù hợp với danh mục các lĩnh vực nghiên cứu KHCN mà Nhà nước khuyến khích, đều có thể đề nghị Nhà nước hỗ trợ kinh phí.

  Thuộc da là một trong những ngành được Nhà nước ưu tiên hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, ứng dụng KHCN

Tuy nhiên, những đề tài, giải pháp được xét chọn hỗ trợ phải hội đủ những yếu tố như tính mới, tính khoa học, hiệu quả ứng dụng trong thực tiễn... Đồng thời, đây là những đề tài ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học mà DN tham gia tuyển chọn theo quy chế chung hoặc các nhiệm vụ do Nhà nước đặt hàng hàng năm. Chính sách này nằm trong kế hoạch hàng năm của Bộ KHCN nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu KHCN trong cả nước.

Tính từ năm 2006-2010, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ tỉnh Bình Dương từng bước khởi sắc. Số lượng đề tài, dự án do các tổ chức, cá nhân đề xuất và thực hiện là 106 nhiệm vụ, tăng so với giai đoạn trước 3,75 lần. Hiệu quả của hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao, có sự gắn bó giữa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN với sản xuất và đời sống, nhu cầu xã hội, góp phần tạo ra sự chuyển biến về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Sở KHCN đã tổ chức đánh giá nghiệm thu 53 nhiệm vụ, trong đó, tỷ lệ ứng dụng đạt được là 86%.

Sở KHCN Bình Dương cũng đã tăng cường năng lực hoạt động cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN để từng bước chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115: cung cấp dịch vụ KHCN để tiến đến tự chủ kinh phí hoạt động vào cuối năm 2013. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trụ sở và trang bị cơ sở vật chất cho trung tâm với kinh phí 9,7 tỷ đồng, đầu tư 18 tỷ đồng cho Trung tâm Tin học và Ứng dụng công nghệ thông tin...

Nhiều chương trình ứng dụng hay

Năm 2005, để tạo đà cho công nghiệp phát triển, UBND tỉnh phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN đầu tư vào hoạt động KHCN tại Quyết định 5776/2005/QĐ-UBND ngày 16-11-2005. Có thể nói, quyết định này là hành lang pháp lý cụ thể hóa cho Nghị định 119 của Chính phủ. Đến nay, Bình Dương đã triển khai thực hiện được 11 nhiệm vụ nghiên cứu - ứng dụng KHCN. Trong đó, có 3 nhiệm vụ đã được nghiệm thu, 8 nhiệm vụ đang trong quá trình thực hiện. Tổng kinh phí đầu tư cho 11 nhiệm vụ này là 22,5 tỷ đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước là 5 tỷ đồng, chiếm 22,04%; tổng kinh phí DN đầu tư đối ứng là 17,5 tỷ đồng. Các đề tài, dự án của chương trình tập trung giải quyết các khó khăn, hạn chế về công nghệ, áp dụng công nghệ mới trong thực tiễn sản xuất của DN nên đều được ứng dụng ngay và mang lại hiệu quả kinh tế. Chương trình này được UBND tỉnh quyết định cho tiếp tục triển khai trong giai đoạn 2011-2015.

Ngoài ra, chương trình xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KHCN phục vụ phát triển KT-XH nông thôn tỉnh Bình Dương cũng đã đóng góp 17 đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng KHCN. Nội dung của các đề tài, dự án thuộc chương trình rất đa dạng, chủ yếu tập trung vào xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, góp phần đáp ứng yêu cầu của sản xuất và cải thiện đời sống ở nông thôn trong tỉnh. Các tiến bộ KHCN ứng dụng vào lĩnh vực này đều xuất phát từ nhu cầu thực tế tại địa phương, có khả năng nhân rộng và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Với một phần kinh phí được Nhà nước hỗ trợ, DN có điều kiện cải tiến, nâng cao hiệu quả dây chuyền thiết bị, qua đó, nâng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Những năm qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ DN đầu tư đổi mới công nghệ và nghiên cứu khoa học. Nghị định 119 là một trong số đó. Để tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, các DN cần nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của KHCN đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh. Qua đó, tìm hiểu các nội dung được Nhà nước khuyến khích, đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN, góp phần cùng Nhà nước nghiên cứu và đổi mới công nghệ phục vụ cho nhu cầu sản xuất.

Ngày 7-4-2011, UBND tỉnh ra quyết định phê duyệt Chương trình hỗ trợ DN phát triển giai đoạn 2011-2015. Các ngành sản xuất khuyến khích tham gia chương trình bao gồm: dệt may và công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may; da, giày và công nghiệp hỗ trợ ngành da, giày; cơ khí; điện - điện tử - viễn thông, công nghệ thông tin; chế biến nông, lâm sản, thực phẩm, chế biến thức ăn gia súc; công nghiệp hóa chất, dược phẩm (kể cả thuốc thú y), cao su (hóa chất cơ bản, hóa dược, hóa mỹ phẩm, các sản phẩm từ cao su thiên nhiên); chế biến giấy; ngành sản xuất nhiều năng lượng, nhiên liệu.

Đây là các ngành có mức độ ô nhiễm môi trường cao tại tỉnh Bình Dương hiện nay. Nhà nước sẽ hỗ trợ cho DN thông qua việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án tại DN... Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ sẽ không quá 30% tổng kinh phí chi cho việc thực hiện.

 

KHÁNH VINH