(BDO) Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi có dịp trở lại xã An Bình, huyện Phú Giáo, đến thăm trang trại gà của ông Đinh Ngọc Khương. Với bản tính dám nghĩ, dám làm, ông Đinh Ngọc Khương đã thành công với mô hình nuôi gà lạnh đẻ trứng, ấp trứng bán gà giống. Với mô hình này, trung bình mỗi tháng ông Khương thu về 800 triệu đồng.
Ông Đinh Ngọc Khương thành công với mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ cao
Ông Đinh Ngọc Khương, chủ cơ sở chăn nuôi gà giống trại lạnh theo quy trình công nghệ cao được nhiều người biết đến với doanh thu 90 tỷ đồng/năm. Ông Khương kể, trước đây ông cũng nuôi gà gia công cho công ty nước ngoài. Sau nhiều năm làm và rút kinh nghiệm cho bản thân, ông quyết định tự bỏ vốn làm chuồng trại, để tự mình làm chủ. Ban đầu ông chỉ đủ vốn làm 2 trang trại gà hở với 20.000 con. Khi đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm thực tiễn và dư ra một khoản vốn, từ năm 2014 đến 2017, ông Khương mạnh dạn đầu tư xây dựng tiếp phòng ấp trứng công suất cao với 600.000 gà con mỗi tháng. “Khi đã tự ấp nở con giống thành công, tôi không ngại trao đổi, giao dịch với người chăn nuôi gia cầm ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh để cung cấp gà giống. Sau đó, tôi thu mua lại gà thương phẩm của bà con để tiêu thụ”, ông Khương chia sẻ.
Những năm gần đây, ông Khương lại chuyển sang đầu tư chăn nuôi gà trại lạnh ứng dụng công nghệ cao. Theo ông Khương, chăn nuôi trại lạnh, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh, mà số lượng nhân công chăn nuôi cũng giảm khoảng 70%. Gà do chính mình nuôi và lấy trứng đưa vào ấp cũng bảo đảm chất lượng hơn. Đầu tư chăn nuôi trại lạnh không chỉ phù hợp với chủ trương của địa phương mà còn là sự lựa chọn cần thiết với nông dân. Bởi khi nuôi trại lạnh, được đầu tư khép kín, nông dân có thể giảm bớt những tác động từ môi trường, hạn chế dịch hại, yên tâm phát triển kinh tế gia đình.
Theo quan sát của chúng tôi, khuôn viên trại gà lạnh hiện nay của ông Khương được bố trí rất khoa học và bảo đảm an toàn chăn nuôi theo đúng quy trình mà ngành chức năng khuyến cáo. Cụ thể, trước khi bước vào khu vực trang trại, khách tham quan sẽ đi qua khu vực sát khuẩn ở lối vào để bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với gà trong trại. Trong trại có các khu vực, như: Khu vực nhà máy phát điện, khu căng tin, khu giải trí sinh hoạt và khu nhà ở của công nhân lao động. Sau khi bước qua khu vực hậu cần dành cho công nhân lao động là khu vực nhà máy ấp trứng, gồm: Phòng xông trứng, phòng bảo quản trứng, phòng ấp trứng, phòng soi trứng, phòng gà nở ra con và phòng ra gà. Tất cả những công đoạn này đều được thực hiện bằng máy móc hiện đại liên tục ngày đêm dưới sự giám sát của công nhân lao động.
Hiện trang trại của ông có diện tích khoảng 25.000m2, được đầu tư xây dựng đúng tiêu chuẩn an toàn sinh học; nuôi gà đẻ theo quy trình khép kín, với đàn gà khoảng 400.000 con gà thương phẩm và 40.000 gà đẻ, bình quân mỗi ngày, đàn gà đẻ cho 15.000 - 17.000 trứng. Những quả trứng to và đẹp sẽ được ông Khương chọn đưa vào máy ấp cho ra gà giống. Hiện, ông Khương đã đầu tư 12 máy ấp hiện đại đểsản xuất gàgiống. Thời gian cao điểm, trại gà lạnh của ông có đến 600.000 con gà thương phẩm, mỗi tháng xuất 20.000 con; trung bình xuất 900 tấn gà/tháng. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng ông Khương lãi ròng khoảng 800 triệu đồng.
Với sự sẻ chia trong mô hình nuôi gà công nghệ cao, ông Khương luôn đồng hành, hỗ trợ cùng với bà con nông dân vươn lên làm giàu từ nghề chăn nuôi gà gia công. Hiện trang trại gà đang hỗ trợ chăn nuôi gia công cho 18 nông hộ tại địa phương. Cùng với đó, trang trại của ông Khương còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 công nhân lao động với mức thu nhập từ 8 - 12 triệu đồng/người/tháng. Với sự nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ, ông Đinh Ngọc Khương đã trở thành một tấm gương nông dân tiêu biểu được Hội Nông dân tỉnh vinh danh giai đoạn 2019-2021 và là một trong số 63 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.
THOẠI PHƯƠNG - LÝ HUY