Trong những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã phát triển mô hình trồng nấm rơm mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Trong đó phải kể đến hiệu quả của việc tận thu phôi nấm bào ngư để trồng nấm rơm, vừa tiết kiệm chi phí lại góp phần bảo vệ môi trường.
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trồng nấm rơm, anh Huỳnh Minh Trí, khu phố 1, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết: “Là thành viên của Hợp tác xã nông nghiệp Mười Thúy chuyên trồng nấm bào ngư xám, tôi và một thành viên trong hợp tác xã đã tận dụng mùn cưa làm phôi nấm sau khi thu hoạch xong nấm bào ngư để trồng nấm rơm. Mô hình này khá hiệu quả và không khó làm” .
Tận dụng 200m2 đất sẵn có của gia đình, anh Trí đã tiến hành trồng 18.000 phôi nấm bào ngư, mỗi đợt cho thu hoạch khoảng 1 tấn nấm, giá sỉ 40.000 - 45.000 đồng/ kg. Nếu làm tốt có thể thu hoạch được 6 -7 đợt. Sau khi đã tận dụng hết vòng đời của cây nấm bào ngư, anh Trí xả phôi ra để lấy mùn cưa, mua meo nấm rơm về tiếp tục trồng tại mảnh đất vườn phía sau nhà. Nấm rơm trồng nhanh cho thu hoạch, mỗi ngày anh hái khoảng 4 - 5kg, giá bán khoảng 80.000 đồng/kg. Như vậy ngoài doanh thu từ nấm bào ngư, anh Trí lại có thêm nguồn thu từ trồng nấm rơm mỗi đợt ít nhất 6 - 7 triệu đồng.
Anh Huỳnh Minh Trí, thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đang thu hoạch nấm rơm tại đất vườn của gia đình
Theo anh Trí, để trồng nấm rơm cần chi phí mua rơm rạ trong khi những năm gần đây nguồn nguyên liệu này đã trở nên khan hiếm. Khoản chi phí mua mùn cưa thải từ nấm bào ngư chỉ bằng 1/3 so với chi phí mua rơm rạ. Hơn nữa phương pháp này có thể cho thu hoạch nhanh, năng suất đạt cao hơn so với cách làm truyền thống. “Trồng nấm rơm theo cách truyền thống phải mất khoảng 10 - 15 ngày để xử lý cho rơm rạ hoai mục. Còn mùn cưa qua sử dụng trồng nấm bào ngư đã bảo đảm hoai mục. Tôi chỉ cần đi một lớp đất, bổ sung thêm dinh dưỡng là có thể trồng nấm rơm ngay”, anh Trí cho biết thêm.
Với việc tận dụng mùn cưa thải để trồng nấm rơm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều. Nếu cùng diện tích đất trồng, người dân trồng nấm bằng rơm sẽ cho năng suất tương tự, nhưng trừ đi chi phí đầu tư ban đầu (mua rơm, nhân công) lợi nhuận thu được thấp hơn. Đối với nhiều hộ đơn thuần trồng nấm bào ngư, sau khi xả phôi họ có thể bán cho các hộ có nhu cầu làm nấm rơm. Điển hình như hộ gia đình ông Nguyễn Thanh Nhàn, khu phố Bình Minh, phường Dĩ An, TP.Dĩ An. Ông Nhàn tận dụng không gian đất của gia đình để xây dựng trang trại nấm bào ngư xám, với 10.000 - 15.000 phôi nấm mỗi đợt. Các phôi được xả ra, gia đình tận dụng để bán cho những người trồng nấm rơm giá từ 400 - 500 đồng/phôi.
Theo ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bắc Tân Uyên, thị trấn Tân Bình có diện tích cây cao su chiếm số lượng khá lớn, nhà máy cưa gỗ nhiều là lợi thế để phát triển nghề trồng nấm bào ngư từ mùn cưa. Tại vùng có nhiều vườn cao su, người dân có thể vào rừng để cấy nấm rơm vì nấm rơm trồng ngoài trời sẽ cho năng suất cao hơn so với trồng trong nhà, quan trọng giữ nhiệt độ hợp lý và mùa nắng trồng nấm rơm thường ngon hơn. Phôi xả từ nấm bào ngư tận dụng để làm nấm rơm. Sau khi trồng nấm rơm xong, chất thải còn lại tiếp tục được tận dụng làm phân bón hữu cơ để bán cho nông dân trồng cây ăn trái.
TIẾN HẠNH