Tháo gỡ khó khăn
Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Hiệp Long kể, nếu không có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và các sở ngành với Hiệp hội Gỗ mới đây, ông cũng không biết chính sách giúp công nhân nhà trọ sử dụng điện sinh hoạt giá rẻ thông qua việc gắn đồng hồ điện tại các khu nhà trọ, phòng ở của công nhân mà Bình Dương đã làm. Theo ông Thanh: “Tại Công ty Gỗ Hiệp Long, dù khu nhà ở công nhân được công ty xây dựng khá lâu bên cạnh nhà máy sản xuất với hàng trăm công nhân, tuy nhiên trước đây do điện nối từ nhà máy sang nên xài điện sinh hoạt nhưng phải trả tiền điện sản xuất nên chi phí rất cao. Sau khi biết được thông tin, công ty đã xúc tiến triển khai thủ tục để khu nhà công nhân được dùng điện giá sinh hoạt, giảm được chi phí rất nhiều, nhất là trong thời điểm khó khăn mà các DN đang thắt lưng buộc bụng. Qua gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh và các ban ngành, quả thật đã giúp DN nắm bắt được nhiều vấn đề hữu ích”.
Sự trọng thị của các ngành chức năng góp phần tạo môi trường đầu tư hấp dẫn
DN. Trong ảnh: Sản xuất phụ tùng xe hơi của một DN FDI tại Bình Dương
Cũng giống như ông Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan cho rằng, cơ quan Nhà nước không chỉ quản lý mà còn là nơi chia sẻ với DN những vấn đề nóng bỏng. Cụ thể theo bà Loan, ngày 26-12-2008, Bộ Tài chính ban hành danh mục sửa đổi biểu thuế xuất khẩu và sửa đổi biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Quyết định số 123/2008/QĐ-BTC. Theo đó, thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong biểu thuế xuất khẩu là 10%. Trước vấn đề này, cả trăm DN Bình Dương gặp khó khăn nên gửi văn bản kiến nghị đến Cục Hải quan tỉnh. Sau khi xem xét, nhận thấy vấn đề kiến nghị của DN là có lý, Cục Hải quan Bình Dương đã kiến nghị lên cấp trên. Sau đó Bộ Tài chính có Thông tư số 81/2009/TT-BTC ban hành ngày 29-4-2009 điều chỉnh thuế xuất khẩu đối với mặt hàng gỗ thuộc nhóm 44.07 trong biểu thuế xuất khẩu cho mặt hàng gỗ ghép thanh loại có chiều dày từ 30mm trở xuống, chiều rộng từ 100mm trở xuống giảm còn 0%. Nhờ vậy, đã nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho DN, giúp cho các DN gỗ tiếp tục hoạt động ổn định và hiệu quả.
Không chỉ có DN trên địa bàn Bình Dương nhận xét, mới đây nhất vào cuối tháng 6-2011, qua nghiên cứu cải cách quy trình và thủ tục hành chính về đầu tư, đất đai và xây dựng do Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại nhiều địa phương, Phó Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho rằng: Kết quả nghiên cứu tại Bình Dương cho thấy, sau khi DN đi vào hoạt động, lãnh đạo tỉnh, các sở trực tiếp thường đến hỏi thăm xem DN có khó khăn gì không để kịp thời hỗ trợ cho DN. Ông Tuấn kể: “Trong một cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh, một giám đốc công ty nói đang gặp vướng mắc trong tuân thủ quy định về PCCC. Điều khiến DN ngạc nhiên là 2 ngày sau cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh, đã có cơ quan chức năng đến giúp công ty hoàn chỉnh hệ thông cứu hỏa theo đúng quy định, nên Bình Dương đang ngày càng tạo ra sức hấp dẫn lớn đối với nhà đầu tư”. Nói lên điều này, ông Tuấn đánh giá cao cách giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình “một cửa” đích thực mà Bình Dương thực hiện cũng như sự quan tâm của tỉnh đối với DN.
Tiếp tục cải cách, gia tăng hiệu quả
Có thể nói, việc cải cách TTHC tại Bình Dương không phải bằng “khẩu hiệu suông” mà bằng giải pháp thực tế đã được tất cả các sở ngành triển khai. Cụ thể, tại Sở Kế hoạch - Đầu tư, liên quan tới lĩnh vực đăng ký kinh doanh, trong thời gian qua nhờ nỗ lực cải cách TTHC nên việc giảm chi phí thời gian thực hiện các quy định TTHC được làm rất tốt. Nhờ hoàn thiện hệ thống máy móc để trao đổi, hướng dẫn những vấn đề liên quan tới đầu tư, cấp phép trực tuyến qua mạng cùng các giải pháp khác đã rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ còn 2 - 3 ngày. Cùng với việc nhanh gọn, tất cả TTHC liên quan tới công việc đều thực hiện công khai minh bạch, được niêm yết tất cả thủ tục như lệ phí, cấp biên lai, phiếu hẹn... Ngoài ra, để DN, đối tượng kinh doanh hiểu rõ, Sở Kế hoạch - Đầu tư còn phối hợp với các phương tiện thông tin tuyên truyền rộng rãi về chính sách, chủ trương... với quan điểm “Còn rõ còn thuận lợi”.
Ở Cục Hải quan tỉnh, cải cách hành chính tiếp tục theo hướng hiện đại hóa. Ý thức được thời gian đối với DN là vô giá, nên cục đã hiện đại hóa cơ sở vật chất, cải cách hành chính, rút ngắn quy trình làm việc. Qua đó, giúp DN giảm tối đa chi phí và thời gian trong việc thông quan hàng hóa. Với tinh thần làm việc theo phương châm “Làm hết việc, không làm hết giờ”, Cục Hải quan Bình Dương được cộng đồng DN đánh giá cao. Đối với Sở Tài nguyên - Môi trường, thời gian qua tiếp tục đẩy mạnh theo hướng “một cửa liên thông”, đưa cải cách đi sâu và gắn liền với thực tiễn cuộc sống; triển khai hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO một cách có hiệu quả và mở ra nhiều kênh thông tin để người dân, DN dễ dàng đối thoại, gặp gỡ nhằm trao đổi thông tin về những vấn đề còn chưa rõ... Qua đó vừa mang lại hiệu quả quản lý vừa giải quyết nhanh chóng, công khai minh bạch những vấn đề mà DN cần...
Với những cách làm trên trong công tác cải cách TTHC đã góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thuận lợi và hấp dẫn. Đây cũng là điều lý giải vì sao trong thời gian qua, Bình Dương luôn là địa phương được DN trong và ngoài nước chọn lựa đầu tư nhiều. Ngay những tháng đầu năm 2011, tuy tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn chồng chất đã tác động đến tình hình thu hút đầu tư chung; thế nhưng Bình Dương đã thu hút thêm 1.008 DN mới trong nước với tổng vốn đăng ký và bổ sung lên đến 15.599 tỷ đồng. Bên cạnh đó tỉnh cũng thu hút thêm 47 dự án đầu tư nước ngoài mới với vốn đăng ký 246 triệu USD và 73 dự án hoạt động đã ổn định bổ sung thêm 227,4 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây là con số khả quan trong thu hút đầu tư và cũng là kết quả tốt đẹp từ thực tiễn điều hành của chính quyền, sự thực thi nhiệm vụ của các sở ngành trong cải cách TTHC góp phần đưa thu hút đầu tư của tỉnh đạt hiệu quả cao.
TRỌNG MINH