Tốt nghiệp đại học Kinh tế - Kỹ thuật Bình Dương, mang trong mình niềm đam mê kinh doanh, anh Huỳnh Thế Danh, ấp Mỹ Đức, xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính, ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) mang lại hiệu quả
Trại dưa lưới 1.000m2 ứng dụng công nghệ cao của gia đình anh Danh cho thu nhập 50 - 60 triệu đồng/vụ
Anh Danh là người đầu tiên thực hiện mô hình trồng dưa lưới theo hướng công nghệ cao tại xã Bình Mỹ. Sau những chuyến đi tham quan, học hỏi mô hình trồng dưa lưới, năm 2019, anh Danh đã quyết định bắt tay cải tạo 1.000m2 đất trồng cây cao su năng suất, giá trị thấp để đầu tư xây dựng mô hình trồng dưa lưới ruột vàng UDCNC.
Thật đáng mừng, sau khi cải tạo và đưa vào trồng thử nghiệm đã cho ra kết quả thuận lợi. Tính đến nay anh Danh đã gặt hái được 8 vụ, mỗi một vụ đạt khoảng 3,5 - 4 tấn dưa. Theo anh Danh, dưa lưới ruột vàng giống TL3 từ khi trồng đến lúc thu hoạch khoảng 65 - 75 ngày. Giống dưa này rất khó trồng nhưng cho giá trị cao và hiện nay đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Một năm gia đình trồng được 3 vụ, trừ các chi phí, mỗi một vụ cho lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng. Cây dưa lưới chiếm diện tích không lớn nhưng cho thu nhập cao hơn rất nhiều so với trồng cây cao su. Dưa lưới là loại cây ngắn ngày nên gia đình có nguồn thu lấy ngắn nuôi dài, đời sống được cải thiện, nâng cao.
Mô hình trồng dưa lưới UDCNC của gia đình anh Danh bước đầu thành công do sử dụng hệ thống nhà kín có mái che, chống côn trùng bằng lưới chuyên dùng, giúp ứng phó với thời tiết thất thường. Nhờ đó, giảm được chi phí do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống nước tưới tự động theo phương thức tưới nhỏ giọt giúp điều khiển lưu lượng nước tưới cho từng gốc cây, cung cấp lượng phân bón phù hợp và tiết kiệm được nguồn nước tưới.
Anh Danh cho biết thêm, mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình trồng dưa lưới UDCNC khá lớn nhưng thời hạn sử dụng lâu và sản xuất được quanh năm. Để trồng dưa theo công nghệ này, gia đình anh dùng giá thể, tức là hỗn hợp xơ dừa trộn với phân bò trùn quế để thay thế đất. Cây được cung cấp dinh dưỡng bằng dung dịch thủy canh với thành phần chính là phân hữu cơ vi sinh pha với nước theo tỷ lệ phù hợp thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt.
Thành công của anh Danh không chỉ thể hiện việc dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từng bước cải thiện cuộc sống gia đình mà còn tạo việc làm cho người lao động tại địa phương. Anh Danh phấn khởi khoe, năm 2020 sản phẩm dưa lưới ruột vàng của gia đình vinh dự được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện.
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao cho năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiều nông dân cần sự quan tâm của các cấp, các ngành, địa phương về kỹ thuật và vốn sản xuất.
TIẾN HẠNH