Xuất phát từ niềm đam mê với nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Thảo đã mạnh dạn thuê đất tại ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng để thực hiện mô hình trồng rau theo kỹ thuật thủy canh khép kín trong nhà lưới. Với 1.000m2 trồng hơn 10 loại rau, bình quân mỗi tháng cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng.
Ứng dụng khoa học công nghệ
Tốt nghiệp trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh, sau đó công tác tại Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam, chị Thảo có điều kiện tham quan các mô hình trồng trọt, từ đó ấp ủ ước mơ xây dựng cho mình một mô hình rau sạch an toàn. Sau 15 năm tích cóp đủ kinh nghiệm và có nguồn vốn chị bắt đầu triển khai mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới.
Năm 2022, chị Thảo đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới khép kín. Khuôn viên vườn rau thủy canh được chia làm 2 khu vực, đó là vườn ươm và vườn trồng. Khu vực vườn trồng được dựng 33 bàn, mỗi bàn có 24 ống dài 6m để trồng rau. Rau được trồng trong giá thể xơ dừa không sử dụng nguồn đất mặt và được cung cấp nguồn dinh dưỡng chất lượng nhập khẩu từ châu Âu. Cùng với hệ thống nhà màng, hệ thống quạt làm mát tự động giúp cây sinh trưởng tốt, môi trường bên trong vườn luôn thông thoáng. Ngoài ra, để phòng trừ sâu bệnh, côn trùng làm hại rau, chị Thảo còn trang bị hệ thống đèn và miếng dán bẫy, hoàn toàn không sử dụng thuốc trừ sâu.
Vườn trồng sử dụng phương pháp thủy canh hồi lưu thân thiện với môi trường cho ra sản phẩm rau sạch, an toàn
Chị Thảo cho biết: “Rau trồng theo phương thức thủy canh trong nhà màng công nghệ cao được kiểm soát toàn bộ các yếu tố về dinh dưỡng một cách nghiêm ngặt, hạn chế tối đa sâu bệnh hại, từ đó không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Rau thủy canh không sử dụng đất, phân chuồng và thuốc tăng trưởng nên đạt tiêu chuẩn chất lượng cao” .
Kỳ vọng đầu ra sản phẩm
Hiện nay, thị trường tiêu thụ của mô hình này chủ yếu là các cửa hàng rau sạch trong tỉnh và một số trường học. Rau từ lúc xuống giống đến thu hoạch trung bình từ 30-40 ngày tùy theo giống. Trung bình mỗi ngày chị Thảo xuất bán 100kg. Chị Thảo tâm sự: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là tìm được thị trường đầu ra ổn định. Định hướng của tôi là tiếp cận được thêm các trường học, đưa được thực phẩm sạch đến bữa ăn của các em học sinh. Với mô hình nhỏ, sản lượng ít nên các kênh siêu thị tôi chưa đủ sản lượng để đáp ứng. Trong thời gian tới, nếu đầu ra ổn định, tôi sẽ mở rộng nhà lưới để đáp ứng nhu cầu thị trường”.
Sản phẩm được đóng gói cẩn thận trước khi cung cấp ra thị trường
Với mong muốn đáp ứng nguồn rau sạch an toàn cho người tiêu dùng, chị Thảo không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2024, chị được huyện công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao với 6 sản phẩm gồm cải nhúng, cải thìa, cải bẹ xanh, xà lách, cải bó xôi và cải ngọt. “Mình làm thuần nông nên việc quảng bá, tiếp thị sản phẩm còn hạn chế. Khi tham gia Chương trình OCOP được hướng dẫn cách tiếp cận với thị trường, khuyến khích nâng cấp sản phẩm lên 4 sao để nâng cao giá trị, phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng”, chị Thảo cho biết thêm.
Ông Bành Quốc Trung, Chủ tịch UBND xã Lai Hưng, cho biết địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, chủ lực là cây cao su, ngoài ra còn phát triển cây ăn trái và hoa màu. Những năm gần đây, để nâng cao năng suất cây trồng, xã bắt đầu khuyến khích người dân thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao. Mô hình trồng rau thủy canh của chị Thảo là một điển hình cần nhân rộng. Để hỗ trợ nông dân, địa phương phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, khuyến khích xây dựng sản phẩm OCOP, mở rộng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.
TIẾN HẠNH