Trong quá trình thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị ở khu vực phía Nam của tỉnh bước đầu đã có kết quả tốt. Mặc dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp nhưng với sự định hướng và hỗ trợ của ngành chức năng và địa phương, nông dân đã mạnh dạn xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả trên diện tích đất nhỏ.
Anh Nguyễn Hữu Cường đang chăm sóc lươn không bùn của gia đình. Ảnh: Q.NHIÊN
Phát triển cây trồng, vật nuôi phù hợp
Những năm gần đây, nông nghiệp đô thị ở Bình Dương tiếp tục phát triển với tổng diện tích các loại cây trồng khoảng 113 ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế ở những vùng có diện tích nông nghiệp nhỏ, nông dân các địa phương trong tỉnh đã linh động chọn các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng tiểu vùng, đồng thời ứng dụng kỹ thuật để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả trên một đơn vị diện tích.
Đối với những gia đình nông dân đầu tư vào mô hình trồng rau trong nhà lưới, tuy sử dụng diện tích đất nhỏ nhưng nhờ trồng nhiều đợt trong năm, lại hạn chế tối đa việc cây trồng bị nhiễm sâu bệnh nên năng suất bình quân khoảng 2 - 2,5 tấn/1.000m2/vụ, tăng gấp đôi so với phương pháp trồng truyền thống. Lợi nhuận bình quân đạt gần 30 triệu đồng/1.000m2/năm. Còn các gia đình thực hiện mô hình trồng hoa, sau một thời gian triển khai cũng đều đạt kết quả khả quan. Cụ thể, mô hình trồng lan Mokara (650 cây/100m2) đạt lợi nhuận bình quân trên 25 triệu đồng/mô hình; mô hình trồng hoa lay ơn đạt lợi nhuận khoảng 17 triệu đồng/1.000m2/3 tháng….
Mặc dù chỉ mới bắt tay vào nghề trồng hoa lan khoảng gần 2 năm nay nhưng chị Phạm Thị Hồng Yến ở xã An Sơn, TX.Thuận An đã có thu nhập ổn định từ mô hình này. Chỉ với diện tích đất khoảng 500m2, chị đầu tư trồng 2.400 gốc lan Mokara. Chị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn đầu tư bài bản hệ thống trồng và chăm sóc hoa lan. Vườn lan cho thu hoạch năng suất cao, đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình. Chị Yến cho biết, sau khóa tập huấn tại xã và được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển vườn lan tại nhà. Vườn lan không chỉ đem lại nguồn thu nhập cho gia đình mà còn tạo không gian xanh, phù hợp với việc phát triển nông nghiệp đô thị ở địa phương.
Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian gần đây, anh Nguyễn Hữu Cường ở xã An Sơn, TX.Thuận An đã mạnh dạn đầu tư mô hình nuôi lươn không bùn. Trung bình 100kg lươn giống sau 6 tháng nuôi cho sản lượng 350kg lươn thịt, giá bán bình quân 135.000 đồng/kg. Với diện tích hồ nuôi quanh nhà, mỗi năm anh xuất bán hai đợt trên 10 tấn lươn. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh có lãi hơn 200 triệu đồng. Ngoài nuôi lươn, anh Cường còn nuôi hơn 250 con lele; vừa bán thịt, bán trứng, bán con giống, gia đình anh có thêm nguồn thu đáng kể.
Anh Cường còn tận dụng diện tích kênh mương cạnh nhà đầu tư lưới nuôi hơn 10.000 con ếch. Với nguồn nước tự nhiên từ sông Sài Gòn cộng với việc tích cực chăm sóc, áp dụng khoa học kỹ thuật chăn nuôi, chỉ sau 3 tháng ếch đã cho thu hoạch. Đợt thu hoạch vừa rồi anh thu hơn 1,4 tấn ếch, với giá bán 45.000 đồng/kg. Anh Cường cho hay, với mô hình phát triển nông nghiệp đô thị hiệu quả của gia đình, nhiều nông dân ở các tỉnh khác đã tìm đến anh mua giống, học tập kinh nghiệm nuôi ếch, nuôi lươn. Đây là hướng đi phù hợp và việc chăn nuôi theo hướng mới này cũng dễ làm, dễ phát triển và hiệu quả kinh tế mang lại ổn định.
Năm 2015, tỉnh phấn đấu đạt mức tăng 4% giá trị sản xuất nông nghiệp so với năm 2014. Mặc dù tỷ trọng ngành nông nghiệp chỉ chiếm 3% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh nhưng với sự quyết tâm của ngành nông nghiệp và người nông dân chọn mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, hiệu quả sẽ góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng bền vững.
QUỲNH NHIÊN