Xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng:

Hiệu quả từ mô hình Tổ An ninh tự quản ở ấp Ông Thanh

Cập nhật: 09-06-2015 | 09:00:15

Sau gần 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, Tổ An ninh tự quản (ANTQ) ấp Ông Thanh, xã Cây Trường, huyện Bàu Bàng đã phát huy được vai trò trong việc cùng công an (CA) địa phương giữ vững an ninh trật tự (ANTT) trên địa bàn. Ngoài ra, tập thể này còn làm tốt công tác hòa giải và tích cực vận động người dân trong ấp xã hội hóa mô hình “Ánh sáng an ninh” tại địa phương.

 Ngoài việc làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, tập thể Tổ ANTQ ấp Ông Thanh đã vận động người dân mua bóng điện thắp sáng về đêm, góp phần bảo vệ ANTT tại địa phương Ảnh: T.QUANG

“Cầu nối” của chính quyền

Ấp Ông Thanh hiện có 477 hộ dân/1.881 nhân khẩu, định cư trên 12 tổ. Đặc thù của địa phương là ấp thuần nông; 99% nông dân canh tác thu hoạch mủ cao su. Trước năm 2012, cứ đến mùa thu hoạch mủ cao su, nhiều người đến đây lao động, vì thế địa phương luôn tiềm ẩn về tình hình mất ANTT và xuất hiện nạn trộm cắp mủ cao su. Năm 2012, CA xã tham mưu cho UBND xã Cây Trường thành lập Tổ ANTQ tại ấp Ông Thanh với 16 thành viên, hoạt động trên 12 tổ ở ấp. Ngoài việc hỗ trợ lực lượng CA xã Cây Trường giữ ANTT tại địa phương, Tổ ANTQ ấp Ông Thanh còn tham gia vào việc tuyên truyền pháp luật, vận động người dân tham gia tố giác tội phạm, theo dõi những đối tượng phi pháp.

Ông Lê Văn Trí, Tổ trưởng Tổ ANTQ ấp Ông Thanh, cho biết: “Chúng tôi hoạt động trên tinh thần tự nguyện, với tinh thần trách nhiệm phục vụ dân là chính, luôn tuân thủ sự chỉ đạo của Ban điều hành ấp và CA địa phương. Nếu phát hiện đối tượng nghi vấn, các thành viên trong tổ phải thông báo cho nhau để tiện theo dõi. Gần 3 năm nay, chúng tôi đã bắt được nhiều đối tượng trộm cắp tài sản giao cho CA xử lý. Xác định việc giữ gìn ANTT phải gắn liền với công tác tuyên truyền pháp luật đến với người dân trong ấp nên mỗi thành viên trong Tổ ANTQ phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật ở khu dân cư, vận động những thanh niên ưu tú vào tổ chức để tham gia hoạt động”. Ông Lê Văn Trí còn cho biết thêm, để công tác tuyên truyền pháp luật đạt hiệu quả cao, các thành viên trong tổ phải gương mẫu, tích cực tham gia mọi hoạt động của địa phương, gần gũi với nhân dân, nhất là những thanh, thiếu niên chậm tiến.

Làm tốt công tác hòa giải

Xác định công tác hòa giải các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn là việc làm cần thiết nhằm thắt chặt tình làng nghĩa xóm, gần 3 năm nay, Tổ ANTQ ấp Ông Thanh đã tổ chức hòa giải thành công gần 30 vụ việc, chiếm 70% số vụ việc xảy ra trên địa bàn ấp. Ông Lê Văn Trí cho biết: “Nếu trên địa bàn ấp xảy ra vụ việc người dân gửi đơn, Tổ ANTQ triển khai công tác nắm tình hình, thành viên phụ trách địa bàn ở tổ đó phải tìm hiểu nguyên nhân xảy ra vụ việc để làm hồ sơ và củng cố hồ sơ, sau đó mời các bên liên quan lên văn phòng ấp làm công tác hòa giải”.

Ông Nguyễn Văn Đầy, Trưởng CA xã Cây Trường, cho biết với tinh thần trách nhiệm và cách làm việc có tính khoa học của tập thể Tổ ANTQ ấp Ông Thanh đã giúp chính quyền địa phương giải quyết được nhiều vụ việc xảy ra trên địa bàn. Theo ông Đầy, nhằm giúp địa phương giải quyết những vụ việc xảy ra trên địa bàn xã, thời gian qua, trong những buổi họp giao ban, CA xã thường biểu dương tinh thần của tập thể Tổ ANTQ ấp Ông Thanh và từ đó mô hình này đã được các ấp khác trên địa bàn xã áp dụng theo.

Vừa qua, tập thể Tổ ANTQ ấp Ông Thanh đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Với cách làm bài bản, đưa lực lượng của Tổ ANTQ “đi trinh sát” địa bàn xảy ra vụ việc để xác minh thông tin liên quan, chứng cứ đã giúp Tổ ANTQ và Ban điều hành ấp thực hiện công tác hòa giải thành công, khiến người gửi đơn và bị đơn thuận lòng, đồng ý việc hòa giải. Một số vụ việc điển hình như: Nhận thấy giá mủ cao su tăng cao, đầu năm 2012, bà Lường D. (52 tuổi, ngụ tổ 8, ấp Ông Thanh) góp vốn cùng con gái là Lê Thị T. kinh doanh mủ. Trong khi việc kinh doanh còn đang gặp khó khăn, có dấu hiệu thua lỗ, cuối năm 2014, bà D. đề nghị con gái “thối” đủ “cổ phần” đã đầu tư trước đó để bà dùng vào việc kinh doanh khác. Bị con gái từ chối, bà D. làm đơn gửi lên CA xã Cây Trường nhờ giải quyết. Xét thấy vụ việc có thể tiến hành hòa giải, lãnh đạo CA xã Cây Trường đã chuyển đơn về Tổ ANTQ ấp Ông Thanh để hòa giải. Nhận được hồ sơ trên, bằng “biện pháp nghiệp vụ” hòa giải, Tổ ANTQ đã dùng tình và lý để phân giải cho những người liên quan sáng tỏ sự vụ. Sau khi nghe các thành viên trong tổ hòa giải phân tích, bà D. đã thuận lòng và tiếp tục hỗ trợ cho con mình kinh doanh.

Hoặc một trường hợp khác là ông Thân Ngọc H. xử lý nước thải từ khu chăn nuôi heo ra bên ngoài đã gây ảnh hưởng đến môi trường sống ở khu dân cư, gây bức xúc trong nhân dân. Trước sự việc này, đầu năm 2014, hộ ông Nguyễn Văn C. đã có lời qua tiếng lại với ông H. làm ảnh hưởng đến tình làng, nghĩa xóm. Ông C. gửi đơn phản ánh lên Tổ ANTQ ấp Ông Thanh nhờ can thiệp. Nhận được đơn, ngay lập tức lãnh đạo Ban điều hành Tổ ANTQ chỉ đạo cho thành viên phụ trách địa bàn đến hiện trường để thu thập những thông tin, xác minh chứng cứ, tiến hành mời những người liên quan đến để làm việc. “Bằng những chứng cứ thuyết phục, tại buổi hòa giải ngày hôm đó, ông Thân Ngọc H. đã thừa nhận việc môi trường bị ô nhiễm do nước thải từ khu vực chăn nuôi heo của gia đình mình chảy ra bên ngoài. Tuy nhiên, tại buổi làm việc, chúng tôi muốn hai bên phải thật sự đoàn kết, giúp đỡ nhau trong lúc làm ăn. Đáng mừng là, sau khi nghe phân giải, ông H. và ông C. đã bắt tay nhau bỏ qua những khúc mắc trước đó khiến chúng tôi vui mừng”, ông Lê Văn Trí kể lại.

 

 

 THANH QUANG

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=598
Quay lên trên