Hiệu quả từ mô hình trồng lá vang

Cập nhật: 05-05-2011 | 00:00:00

Lá vang (còn gọi lá giang) là một loại rau thường nấu canh chua, là món ăn dân dã ở thôn quê và ngày nay đã trở thành nguồn thu nhập của không ít nông dân. Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ loại rau này, nông dân ấp Vĩnh An, xã Tân Vĩnh Hiệp (Tân Uyên) đã đưa vào trồng đại trà, đạt hiệu quả cao...

Nhắc đến mô hình trồng lá vang, bà con nông dân xã Tân Vĩnh Hiệp vẫn còn nhớ mãi câu chuyện cách đây 6 năm của ông Ba Sắm ở ấp Vĩnh An. Do thích ăn món canh chua lá vang nên ông đã đem hạt cây mọc hoang dã ở bờ rào, ruộng lúa về trồng trên mảnh đất nhỏ phía trước nhà. Chỉ thời gian ngắn, cây phát triển xanh tươi, lá mọc sum suê phủ kín cả mảnh vườn, ăn không hết, ông Sắm mang ra chợ bán, thương lái ở khắp nơi đến đặt hàng. Mọi người trong ấp thi đua sang nhà ông học tập kinh nghiệm. Cũng từ đó, phong trào trồng lá vang rộ lên ở khắp làng và thu hút nông dân một số xã lân cận đến tham quan mô hình.

 

Chú Nguyễn Văn Vạn tưới nước chăm sóc lá vang

Xã Tân Vĩnh Hiệp hiện có khoảng 6 ha đất trồng lá vang trong tổng số 50 ha đất trồng hoa màu, đó là chưa kể đến một số gia đình trồng tại vườn nhà phục vụ cho nhu cầu tự cung, tự cấp. Một số hộ nông dân cho biết, với số vốn ban đầu bỏ ra từ 20 - 30 triệu đồng, mỗi năm lá vang có thể cho thu hoạch từ 5 - 6 vụ, trung bình 1 ha cho thu hoạch từ 20 - 25 triệu đồng/năm. Đặc biệt, lá vang thu nhập quanh năm. Vào mùa khô, giá trị kinh tế của lá vang cao hơn nhiều bởi nhu cầu tiêu dùng tăng.

Việc đầu tư trồng lá vang nặng ở khâu đổ trụ bê tông, mua cột tre, giăng lưới, căng bạt làm giàn cho cây leo. Sau đợt vào phân đầu tiên, cách 3 - 4 tháng bỏ phân một lần. Mỗi ngày chỉ tốn 1 công chăm sóc, dùng vòi nước nhỏ xịt nhẹ tạo độ mát cho cây phát triển. Đặc biệt, trong quá trình trồng bà con không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên có thể coi đây là loại rau sạch.

Đến gia đình chú Nguyễn Văn Vạn ở tổ 4, ấp Vĩnh An, chúng tôi mới hiểu rõ giá trị kinh tế từ loại cây trồng này. Vườn lá vang rộng 1.000m2 với những tán lá mọc sum suê. Chú Vạn phấn khởi nói: “Tận dụng miếng đất bỏ hoang sau nhà, tôi đã đầu tư khoảng 20 triệu đồng để trồng cây lá vang. Mỗi năm thu hoạch 4 vụ nên hơn một năm sau, tôi đã lấy lại được số vốn ban đầu. Kết hợp với các mô hình trồng rau khác, kinh tế gia đình tôi giờ đã khấm khá và còn có của để dành”.

Mô hình trồng rau lá vang được nhân rộng ở Tân Vĩnh Hiệp. Thế nhưng, không phải lúc nào thị trường loại cây rau này cũng ổn định. Cũng có lúc, bà con nông dân phải tìm nguồn tiêu thụ. Cô Nguyễn Thị Năm ở tổ 2 cho hay: “Vụ này nhà tôi trồng lá vang huề vốn, mấy bữa rộ mùa thu hoạch, tôi phải chạy khắp nơi tìm thương lái về bán với giá rẻ nhưng họ đều từ chối vì đã có mối lâu năm, hơn nữa mùa này rau lá vang lại ít nhu cầu”. Đó là chưa kể đến những yếu tố như thiếu kinh nghiệm chăm sóc.

Nhận định về mô hình trồng rau lá vang, ông Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Vĩnh Hiệp cho biết: “Đây là mô hình rau sạch mới có hiệu quả kinh tế cao trong tương lai. Để ổn định đầu ra lãnh đạo địa phương và Hội Nông dân của xã sẽ tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho mô hình, bảo đảm khi xuống giống gieo trồng, nông dân chỉ cần chú trọng chăm sóc, bón phân là đạt yêu cầu, để cho năng suất sản lượng cao”.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=299
Quay lên trên