Ngành nông nghiệp tỉnh nhà đang hướng tới thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhiều nông dân huyện Bắc Tân Uyên cũng nhanh chóng thay đổi tư duy, chủ động áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất mới, phù hợp yêu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng, mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.
Thay đổi tư duy làm ăn
Ông Nguyễn Huỳnh Thanh (trang trại Tám Thanh), xã Tân Định những năm trước từng gặp nhiều khó khăn do cây cao su cho năng suất thấp, giá mủ lại giảm sâu. Nhờ chuyển đổi cây trồng kịp thời, phù hợp nên đến nay ông Thanh đã có 15 ha đất trồng bưởi, cam sành, quýt, sầu riêng, cùng 5 ha cao su. Ông Thanh đã được tuyên dương “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2024.
Ông Thanh chia sẻ ông có quãng thời gian nhiều năm chật vật với cây cao su vì giá mủ xuống thấp. Không bằng lòng với thu nhập từ dòng “nhựa trắng”, năm 2015 ông tiên phong chuyển đổi diện tích 5 ha trồng cao su sang trồng cây ăn trái có múi (cam, bưởi), loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Ông luôn hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Từ khi thay đổi cơ cấu cây trồng, ông chú trọng sử dụng phương pháp công nghệ vi sinh để cải tạo đất trồng, đồng thời bảo vệ môi trường.
Thời gian đầu, ông Thanh thu mua các phế phụ phẩm từ chăn nuôi như cá, phân gà... thực hiện ủ với chế phẩm vi sinh EM làm tăng độ phì nhiêu cho đất. Khi cây cho trái, ông tận dụng những quả không đạt chuẩn tiếp tục kết hợp với chế phẩm vi sinh để làm phân bón, thực hiện tưới nước vào mùa khô, thoát nước vào mùa mưa, tiến hành tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung nhằm nâng cao tỷ lệ đậu quả, cải thiện kích thước quả. Ông cũng sử dụng hệ thống tưới phun tự động. Từ kết quả tích cực ban đầu, năm 2021 đến nay ông Thanh tiếp tục mở rộng diện tích cây có múi thêm 6 ha (cam, bưởi, sầu riêng), chú trọng sử dụng các phương pháp hữu cơ để hướng đến thực hiện nông nghiệp hữu cơ.
Nâng tầm sản phẩm
Hàng năm, ông Thanh đều tham gia các hoạt động tham quan, hội thảo chuyên đề, chương trình tập huấn trong và ngoài huyện nhằm tăng cường cơ hội học hỏi kinh nghiệm trong sản xuất.
Chỉ trong thời gian ngắn, nhờ chuyển sang hướng nông nghiệp sạch, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên hiệu quả sản xuất kinh tế của ông ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Huỳnh Thanh: “Tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mô hình để thúc đẩy người nông dân cùng chí hướng làm giàu chính đáng, nông thôn ngày càng văn minh hiện đại, được đồng hành cùng nhau vươn ra thị trường trong và ngoài nước”. |
Mỗi năm, ông Thanh thu hoạch được khoảng 540 tấn trái cây, doanh thu trung bình 4,160 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,2 tỷ đồng. Ngoài nâng cao thu nhập cho gia đình, ông Thanh còn tạo việc làm ổn định cho 20 lao động với thu nhập trung bình từ 7,5-10 triệu đồng/người/tháng. Không dừng lại với vườn cây ăn trái có múi, ông Thanh đã đầu tư sản xuất rượu bưởi từ nguồn bưởi gia đình để da dạng hình thức kinh doanh, qua đó tiết kiệm nguồn nguyên liệu và nâng cao giá trị quả bưởi. Việc sản xuất rượu bưởi cũng giúp sàng lọc mẫu mã quả bưởi, vừa mang lại lợi nhuận về kinh tế vừa nâng cao chất lượng, mẫu mã quả bưởi, tạo thêm lợi thế cạnh tranh về giá trên thị trường. Ông Thanh còn mở rộng quy mô sản xuất, thu mua bưởi loại II, III để lấy tép bưởi làm rượu, từ đó kết nối chuỗi liên kết. Các phế phẩm từ vỏ và cùi bưởi cũng được tận dụng, phối hợp với các hợp tác xã, hộ kinh doanh để sản xuất tinh dầu, dầu gội, làm mứt, chè… Từ đó góp phần hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương trong tương lai.
Việc ông Thanh xây dựng mô hình trang trại theo hướng mới đã thu hút nhiều nông dân trong tỉnh đến học hỏi kinh nghiệm và có nhiều phản hồi tích cực, khi được ông hỗ trợ kỹ thuật, chăm sóc cây có múi. Thông qua hoạt động này giúp ông Thanh mở rộng quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của địa phương đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Cùng với đó, hoạt động này góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, như hiến đất nông nghiệp làm đường giao thông nông thôn; giúp đỡ nông dân về nguồn vốn để xây dựng kinh tế gia đình...
THANH HỒNG