Hơn 11 năm nay nhiều thành viên của tổ liên kết nuôi cá thương phẩm ở khu phố Tân Ba, phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên đã duy trì, phát triển nghề nuôi cá truyền thống. Từ môi trường sông nước chuyển lên cạn, nhiều hộ nông dân ngoài nuôi cá thương phẩm còn mở rộng nuôi ếch, lươn để nâng cao thu nhập, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đào ao nuôi cá thương phẩm giúp tận dụng được nguồn quỹ đất trống, thu nhập ổn định. Trong ảnh: Ông Thuận tại ao cá của gia đình
Đến thăm mô hình của ông Nguyễn Thành Thuận, tổ trưởng tổ liên kết nuôi cá thương phẩm đúng lúc ông đang cho cá ăn, hàng ngàn con cá ngoi lên kín mặt nước tranh nhau đớp mồi. Là một trong những người tâm huyết và có thâm niên trong nghề, trên mảnh đất rộng nằm sâu phía trong khu phố Tân Ba, ông Thuận đào 2 ao thả cá, còn ếch, lươn được nuôi trong bể lót bạt.
Ông Thuận tâm sự trước đây gia đình ông nuôi cá bè trên sông, chuyển sang mô hình nuôi cá trong ao bước đầu cũng gặp khó. Muốn đạt hiệu quả kinh tế trước tiên phải lựa chọn được giống tốt, chú ý đến sự thay đổi của môi trường nước để kịp thời xử lý, tạo oxy, nguồn nước phải mạnh và đầy đủ... Hiện nay, tổ liên kết có 7 thành viên nuôi cá thương phẩm trên diện tích khoảng 3 ha, chủ yếu là nuôi cá tra, trê, lóc. Ngoài ra có một số hộ nuôi ếch và lươn cũng cho thu nhập ổn định. Cá lóc trung bình mỗi một đợt thu hoạch khoảng 60 tấn/ha, giá từ 34.000 - 42.000 đồng/ kg, ếch và lươn số lượng ít, chủ yếu bán lẻ với giá từ 150.000 - 190.000 đồng/kg tùy thời điểm.
“Nuôi lươn và ếch trong bể lót bạt cũng cần chú ý đến sự thay đổi của môi trường. Trong 7 thành viên của tổ liên kết có hộ đã nuôi và thu hoạch được 3 vụ từ lươn. Gia đình tôi thử nghiệm nuôi ếch trước được 3 năm và nhân rộng ra vài hộ thành viên. Sau đó, thông qua Hội Nông dân phổ biến về giống, các hộ nông dân có nhu cầu sẽ mua giống tại tổ liên kết để phát triển. Nếu số lượng sản phẩm nhiều, tổ liên kết sẽ hỗ trợ giới thiệu khách hàng đến thu mua cho thành viên”, ông Thuận cho biết thêm.
Cũng theo ông Thuận, trước đây nhiều hộ đã làm giàu từ nghề nuôi cá, nhất là cá lóc. Tuy nhiên, từ khi ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 giá thành không như trước do thức ăn chăn nuôi tăng đột biến, trong khi đó cá lóc hoàn toàn nuôi bằng cám công nghiệp. Giá cá lóc bán trên 40.000 đồng/kg mới có lãi. Trước đây có thời điểm giá cá lóc đạt tới 45.000 đồng/ kg, nhờ đó thu nhập của người nông dân rất khá, lợi nhuận cao. Với khoảng 2.000m2 ao, lợi nhuận thu về từ cá lóc đạt 300 - 400 triệu đồng/vụ. Đối với cá tra, cá trê giá cả và thu nhập ổn định hơn do nguồn thức ăn chủ yếu là phụ phẩm, phế phẩm mua từ các lò giết mổ giá rẻ, người nuôi có lãi.
“Với thị trường tiêu thụ cá lóc lớn, nhiều người đã thoát nghèo nhờ nuôi thành công. Tuy nhiên, hiện nay với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, lợi nhuận từ cá lóc đang bị ảnh hưởng. Nuôi cá tra và cá trê chỉ ổn định chứ khó làm giàu. Do đó, người nông dân đều mong mỏi giá thành từ thức ăn công nghiệp giảm bớt. Thành viên trong tổ kiên kết cũng có kế hoạch sản xuất, thu hoạch hợp lý theo từng vụ để tránh cung vượt cầu khiến giá bán hạ thấp. Các thành viên cũng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm ổn định”, ông Nguyễn Thành Thuận cho biết thêm.
TIẾN HẠNH