Hiệu quả tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ động vật hoang dã

Cập nhật: 13-09-2024 | 10:08:43

Từ đầu năm đến nay, nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) đã được người dân phát hiện, tự nguyện giao nộp cho cơ quan chức năng để cứu hộ, chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên phù hợp. Đây kết quả của ngành kiểm lâm, cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ ĐVHD.


Qua công tác tuyên truyền, người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho cơ quan chức năng cứu hộ, chăm sóc

Tự nguyện giao nộp

Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐVHD, thời gian qua, ngành chức năng tỉnh thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ ĐVHD bằng nhiều hình thức. Đến nay công tác tuyên truyền, vận động đã mang lại nhiều kết quả khả quan, người dân ngày càng nhận thức đúng đắn về bảo tồn sinh học và tự nguyện giao nộp ĐVHD khi phát hiện ngoài tự nhiên. Đáng chú ý, trong những tháng đầu năm 2024, ngành chức năng đã tiếp nhận nhiều ĐVHD quý hiếm (nhóm IB và IIB) do người dân tự nguyện giao nộp để thả về môi trường tự nhiên phù hợp.

Ngày 7-8 vừa qua, trong lúc cho gà ăn, anh Nguyễn Văn Tặng (ngụ xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng) phát hiện một con kỳ đà vân đang ăn trứng gà nên vây bắt và trình báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Nhận được thông tin trên, cán bộ Chi cục Kiểm lâm (CCKL) tỉnh đã đến làm thủ tục tiếp nhận và xác định con kỳ đà vân này có trọng lượng 1,1kg, thuộc nhóm động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, đang bị đe dọa tuyệt chủng, nghiêm cấm khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại (nhóm IB).

Tương tự, ngày 8-6, anh Huỳnh Công Tâm (ngụ TP.Thủ Dầu Một) trong lúc đi hái nấm mối tại phường Hiệp Thành đã phát hiện, bắt giữ một con tê tê. Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, anh Tâm biết được tê tê là loài ĐVHD nguy cấp, cần được bảo vệ nên đã trình báo và tự nguyện giao nộp cho UBND phường Hiệp Thành. Trước đó, CCKL tỉnh cũng đã làm thủ tục tiếp nhận một cá thể rái cá (nhóm IB) do lực lượng bảo vệ của một công ty có địa chỉ tại phường Bình An, TP.Dĩ An bắt giữ trong khuôn viên của công ty.

Đáng chú ý sau một thời gian kiên trì, vận động, CCKL tỉnh và các đơn vị liên quan đã thuyết phục được cơ sở nuôi gấu của ông N.N.T. (phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An) tự nguyện chuyển giao một cá thể gấu ngựa để cho cơ quan chức năng chăm sóc, cứu hộ, qua đó giúp chúng phục hồi tập tính tự nhiên và được hưởng cuộc sống phù hợp sau nhiều năm bị nuôi nhốt trong không gian chật hẹp.

Theo đại diện CCKL tỉnh, trong 3 năm gần đây, ngành chức năng tỉnh đã tiếp nhận gần 30 con gấu ngựa do người dân, doanh nghiệp tự nguyện chuyển giao để cơ quan chuyên môn cứu hộ, chăm sóc. Riêng từ năm 2023 đến nay, tổ chức, cá nhân đã tự nguyện chuyển giao 3 cá thể gấu ngựa cho Tổ chức động vật châu Á (2 cá thể) và Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (1 cá thể) cứu hộ, chăm sóc. Đây là kết quả của CCKL tỉnh và các đơn vị liên quan trong suốt thời gian dài kiên trì, vận động người dân, doanh nghiệp chấm dứt nạn nuôi nhốt gấu và bảo vệ quần thể gấu ngoài tự nhiên.


Sau thời gian chăm sóc, cơ quan chức năng thả động vật hoang dã về môi trường sống phù hợp

Trách nhiệm của cộng đồng

Song song với công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp ĐVHD, ngành chức năng tỉnh còn tăng cường nhiều giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ ĐVHD. Nói về công tác này, ông Nguyễn Thành Thương, Đội trưởng đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng CCKL tỉnh, cho biết nhằm quản lý, bảo vệ tính đa dạng sinh học, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến xử lý các trường hợp vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến, kinh doanh trái phép ĐVHD và sản phẩm của chúng trên địa bàn ngay từ cơ sở, đặc biệt là các hành vi xâm hại đến các loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, cần ưu tiên bảo vệ. Song song đó, CCKL tỉnh còn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo tồn ĐVHD. CCKL tỉnh còn phối hợp thực hiện Chỉ thị số 12/CT-UBND ngày 8-6-2023 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, nghiêm cấm hành vi săn bắt chim, ĐVHD và khai thác thủy sản bằng xung điện, hóa chất, ngư cụ bị cấm.

Từ đầu năm đến nay, CCKL tỉnh đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh và các cơ quan chức năng khác đã kiểm tra nhiều tụ điểm, cửa hàng mua bán ĐVHD, chim di cư. Lực lượng chức năng đã kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi tàng trữ, mua bán ĐVHD 9 trường hợp, với tổng số tiền phạt 34,5 triệu đồng.

Từ đầu năm đến nay, CCKL tỉnh đã phối hợp với cơ quan chức năng tiếp nhận và thực hiện các thủ tục đối với 43 cá thể ĐVHD thuộc nhóm IB, IIB do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp như: 2 cá thể tê tê, 1 cá thể khỉ mặt đỏ, 6 cá thể khỉ đuôi lợn, 3 cá thể trăn đất, 1 cá thể rái cá, 1 cá thể vượn đen má hung, 1 cá thể gấu ngựa… và 7 sản phẩm động vật rừng. Bên cạnh đó, CCKL tỉnh còn phối hợp tiến hành thả về môi trường rừng tự nhiên 29 cá thể ĐVHD do người dân, tổ chức tự nguyện giao nộp tại Khu Bảo tồn thiên nhiên văn hóa tỉnh Đồng Nai và 154 chim các loại, ĐVHD là tang vật của các vụ vi phạm hành chính tại Khu rừng lịch sử Kiến An; đồng thời giao Trung tâm Bảo tồn ĐVHD Nước Việt 1 cá thể gấu ngựa do người dân tự nguyện giao nộp.

NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=679
Quay lên trên