Để giải phóng sức lao động cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp. Tùy theo điều kiện và lĩnh vực hoạt động việc ứng dụng CGH theo mức độ khác nhau và cho thấy hiệu quả rõ rệt.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng đầu tư máy móc hiện đại để ứng dụng vào sản xuất
HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng, ấp Tân Trạch, xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lúa. Trước đây, để gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, người nông dân phải “đầu tắt mặt tối”, tiêu hao nhiều sức lao động mà hiệu quả không cao. Những năm gần đây, nhờ ứng dụng CGH trong hầu hết các khâu của quá trình canh tác, các thành viên không còn phải tất bật, tiết kiệm tối đa sức người.
Ông Ngô Lê Toàn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng, chia sẻ: “HTX hiện có 7 thành viên với diện tích canh tác 20 ha. Trong thời kỳ hội nhập, việc đẩy mạnh ứng dụng CGH, các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất thay thế phương thức thủ công là điều tất yếu. Đây là biện pháp góp phần làm tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí, giải phóng sức lao động cho nông dân”. Để đưa máy móc tham gia vào các khâu sản xuất, HTX Dịch vụ nông nghiệp Bạch Đằng đầu tư 15 máy cày, 3 máy cuộn rơm, 4 máy gặt đập liên hợp, 1 máy đắp bờ, 1 máy xay xát, 1 máy cuốc đất. “Nhờ ứng dụng CGH, năng suất tăng khoảng 50%, giảm chi phí đầu tư khoảng 60%/ha/vụ, người nông dân có lãi khoảng 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ. Hiện HTX đang vận động một số thành viên mở rộng sản xuất lĩnh vực trồng hoa màu, HTX sẽ bao tiêu sản phẩm để giúp các thành viên tăng thêm thu nhập”, ông Toàn cho biết thêm.
HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Tân Hiệp (phường Tân Hiệp, TX.Tân Uyên) hoạt động trong lĩnh vực trồng rau, dịch vụ tiêu thụ nông sản, chăn nuôi. Theo ông Lê Văn Cường, Giám đốc HTX, cho biết HTX mới được thành lập được 2 năm, đang từng bước xây dựng thương hiệu để nâng cao hiệu quả đầu ra. Trước mắt, việc thành lập HTX nhằm liên kết nội bộ thành viên hỗ trợ nhau tiêu thụ sản phẩm. Các thành viên trong HTX có những dịch vụ hỗ trợ lẫn nhau, đơn cử như thành viên sản xuất xơ dừa sẽ cung cấp giá thể cho các hộ trồng rau màu...
Đến thăm cơ sở chế biến xơ dừa của ông Lê Quốc Sinh, thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp phường Tân Hiệp, chúng tôi được giới thiệu về chiếc máy nghiền xơ dừa giúp đem lại hiệu quả trong sản xuất. Trên 2 bãi chứa rộng khoảng 3.000m2 đang ngập tràn những vỏ dừa khô, dừa tươi chờ được chế biến. Vỏ dừa sau khi được nghiền ra sẽ làm giá thể cung cấp cho các hộ trồng cây, làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Để tăng năng suất và hiệu quả trong sản xuất, HTX đang đầu tư thêm hệ thống máy nghiền xơ dừa trên 950 triệu đồng. HTX đã làm hồ sơ phương án để được Liên minh HTX tỉnh hỗ trợ vốn.
Anh Sinh cho biết máy mới đầu tư sẽ xay được dừa tươi, đỡ tốn được phần sân phơi, tiết kiệm được chi phí và sân bãi. Bên cạnh đó, làm xơ dừa còn giảm thiểu được vấn đề ô nhiễm môi trường, tận dụng tối đa sản phẩm đã qua sử dụng để chế biến thành nguyên liệu hữu ích trong nông nghiệp. Sắp tới, HTX sẽ đầu tư thêm máy bằm dừa để chế biến sản phẩm theo mẫu mã khác nhau, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Có thể thấy, việc ứng dụng CGH đã tạo luồng gió mới cho phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao đáng kể giá trị hàng hóa. Để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và CGH nông nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách để khuyến khích người dân đẩy mạnh cơ giới hóa, kinh phí hỗ trợ từ nguồn vốn chương trình khuyến nông và các nguồn vốn lồng ghép khác.
Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh cho biết luôn khuyến khích các HTX đăng ký nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới bằng nguồn quỹ phát triển khoa học - công nghệ của HTX theo quy định và vốn hỗ trợ từ ngân sách tỉnh. Đồng thời, hỗ trợ cán bộ, thành viên của các tổ chức kinh tế tập thể, HTX phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, sáng chế, sáng tạo áp dụng vào thực tiễn góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
TIẾN HẠNH