Hiệu quả vốn vay đến tay người nghèo

Cập nhật: 30-06-2011 | 00:00:00

Phú Giáo là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, thế nhưng những năm gần đây Phú Giáo đã chú trọng xóa nghèo cho hộ nghèo có hiệu quả bằng các hình thức truyền đạt kiến thức, trao đổi kinh nghiệm, cho vay vốn... Kết quả này góp phần tạo hiệu ứng tốt trong xã hội và tạo sư đồng thuận với người dân.

Chị Hà Thị Ngọc ở ấp 9, xã An Linh bị bệnh u xương chầy đầu gối, không làm được việc nặng, chỉ có chồng làm theo kiểu ai mướn gì làm nấy. Vì thế, chính quyền địa phương xếp gia đình chị vào danh sách là hộ nghèo của xã. Cách đây 3 năm, được sự quan tâm của địa phương, chị Ngọc vay 30 triệu đồng để phát triển sản xuất, mở rộng chăn nuôi gà. Sau thời gian tần tảo làm lụng, cuộc sống gia đình chị giờ đây đã tạm ổn. Ngoài công việc phụ hồ, chồng chị còn tranh thủ thời gian nuôi gà phụ giúp vợ. Tâm sự với chúng tôi, chị mơ ước: “Nếu được ngân hàng hỗ trợ, tôi sẽ vay thêm tiền để mua bò sinh sản”. “Được vậy, gia đình tôi chắc chắn sẽ vươn lên không chỉ đủ ăn mà có thể khấm khá” - chị nói tiếp.

  Nhờ được vay vốn, gia đình chị Đỗ Thị Quý ở xã An Linh đã thoát nghèoHoàn cảnh chị Nguyễn Thị Ly ở xã An Bình khá hơn gia đình chị Ngọc. Sau 3 năm vay vốn ngân hàng, gia đình chị Ly có cơ nghiệp vững chắc trên mảnh đất mà một thời chị đã có không ít lần buông xuôi và đầu hàng số phận. Lúc đó, đông con mà đứa nào cũng đang tuổi ăn tuổi lớn, chồng chị thì bị bệnh phổi... lam lũ ngày này đến ngày khác cũng không đủ ăn. Từ khi có vốn, chị bắt đầu trồng mì. Ban đầu canh tác trên đất thuê, mỗi một vụ mùa sau khi trừ hết chi phí, chị dành lại ít tiền bỏ vào ống tiết kiệm. Cứ như vậy từ không đến có, giờ đây chị đã dành dụm được số vốn mua đất, cất nhà và đầu tư phát triển đàn bò. Chị cười nói: “Được sự giúp đỡ của Nhà nước, gia đình tôi mới có cuộc sống đàng hoàng như ngày hôm nay. 5 đứa con tôi được học hành và không còn lo chạy vạy cái ăn, cái mặc như trước nữa”.

Không chỉ có gia đình chị Ngọc, chị Ly mà còn rất nhiều hộ nghèo khác vươn lên thoát nghèo và khấm khá bằng những đồng vốn nghĩa tình. Bằng các hình thức hỗ trợ việc làm, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo... thời gian qua, Phú Giáo còn mở lớp dạy nghề cạo mủ cao su, lớp sinh vật cảnh, chăn nuôi... cho hàng trăm lao động nông thôn và bộ đội xuất ngũ. Một trong những mục tiêu mà Phú Giáo quan tâm nhiều nhất là xóa nhà tranh tre dột nát cho người nghèo. Tranh thủ với những tấm lòng vàng, Mạnh Thường Quân, các ban ngành, đoàn thể ở Phú Giáo đã vận động cả trăm triệu đồng xây tặng 32 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.

Chị Nguyễn Thị Mười ở khu phố 6, thị trấn Phước Vĩnh khi gặp chúng tôi mừng lắm và nói, 54 tuổi tôi mới có một căn nhà thực sự. Gia đình tôi có 4 người nhưng quanh năm suốt tháng phải sống trong chòi lá rách tứ bề. Chị là lao động chính trong gia đình. Ngoài mẹ già đã gần 80 tuổi, chị còn có thêm người chồng bị bệnh bại liệt. Vì thế, gia đình đã khó khăn còn khó khăn hơn. Và chính căn nhà tình thương đó là món quà tinh thần, động viên gia đình chị cố gắng làm ăn, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống...

Ông Nguyễn Văn Lung, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, cho biết hiệu quả giảm nghèo của huyện không chỉ là thoát nghèo mà còn góp phần tăng hộ khá giàu ngày càng nhiều hơn. Kết quả này cũng là động lực để đưa Phú Giáo tiến gần hơn tiến trình đô thị hóa nông nghiệp nông thôn.

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=327
Quay lên trên