Hiểu quy chế, xu hướng ngành học năm 2024

Cập nhật: 08-04-2024 | 07:05:50

Mặc dù quy chế tuyển sinh 2024 vẫn giữ ổn định nhưng có một số điểm thí sinh cần nắm vững để tăng cơ hội ứng tuyển. Bên cạnh đó, hiểu về xu thế ngành học giúp thí sinh lựa chọn ngành, trường phù hợp.


Học sinh trải nghiệm ngành nghề tại Trường Đại học Phenikaa.

Bám sát quy trình tuyển sinh

Trao đổi về những điểm quan trọng trong quy chế tuyển sinh đại học 2024, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: “Toàn bộ quy trình xét tuyển, từ đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, thay đổi nguyện vọng, nộp lệ phí tuyển sinh và xác nhận nhập học đều tiến hành trực tuyến. Đây là điểm các em cần lưu ý. Chúng ta có thể thực hiện những bước này ở bất kỳ đâu, với phương tiện là máy tính kết nối Internet. Các em không bỏ lỡ những mốc quan trọng, bởi toàn hệ thống không thể chờ đợi một vài thí sinh để quay ngược trở lại những khâu trước đó. Chính vì thế, phải bám sát quy trình này”.

Một điểm nữa mà Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lưu ý thí sinh là việc tham gia vào các phương thức xét tuyển sớm của các trường đại học. Các em cần nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của trường đại học đã công bố trên website, để bám sát về hồ sơ, thủ tục, giấy tờ và các thời hạn, không được bỏ lỡ các thời hạn đó.

“Khi các em được thông báo đã trúng tuyển xét tuyển sớm thì vẫn chưa phải là trúng tuyển đại học. Bởi chúng ta chưa dự thi tốt nghiệp THPT, chưa tốt nghiệp THPT, do đó chưa trúng tuyển chính thức”, PGS. TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tất cả nguyện vọng của các thí sinh dù trúng tuyển sớm hay sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT đều phải đăng ký trên hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Điều này vô cùng quan trọng. Nếu không nhập các nguyện vọng của mình lên hệ thống, thí sinh sẽ không được ghi nhận, không thể trúng tuyển chính thức và nhập học, dù đã trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm. Thí sinh cần nhập nguyện vọng của mình lên hệ thống, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ nguyện vọng một là cao nhất, sau đó đến nguyện vọng tiếp theo.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết: “Hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT cho phép thí sinh được đăng ký không giới hạn số nguyện vọng. Một chiến thuật chúng tôi thường khuyên thí sinh là các nguyện vọng yêu thích nhất, thấy bản thân có năng lực, sở trường và đam mê thì nên xếp phía trên. Điều này đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Các em sẽ trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất, tốt nhất có thể trong tất cả nguyện vọng mà các em đủ điều kiện trúng tuyển”.

Như vậy, thí sinh không nhất thiết phải lựa chọn những nguyện vọng không yêu thích lên đầu, mà hãy ưu tiên cho những nguyện vọng mình thích. Chẳng hạn, thí sinh đã trúng tuyển sớm tại một trường đại học, ngành học yêu thích rồi, nếu đặt nguyện vọng này làm nguyện vọng 1, thí sinh chắc chắn sẽ trúng tuyển. Các trường nếu có sự thay đổi, điều chỉnh về thông tin tuyển sinh sẽ truyền thông để thí sinh nắm rõ. Còn trên phạm vi vĩ mô của toàn hệ thống sẽ giữ ổn định với nguyên tắc đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho thí sinh.

Tỉnh táo ngành "hot" và quan tâm xu thế liên ngành

Điểm nổi bật năm nay là việc xuất hiện những trường tốp đầu đào tạo những ngành "hot" vốn không phải truyền thống đào tạo của trường. Điều này cho thấy xu hướng liên ngành ngày càng phát  triển mạnh mẽ ở các trường đại học.

Theo TS Phạm Huy Hiệu, Phó giám đốc Trung tâm sức  khỏe thông minh VinUni- Illinois, Trường Đại học  VinUni: Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ AI bùng nổ, thị trường Việt Nam đã xuất hiện các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ. Ví dụ như khởi nghiệp Trí tuệ nhân tạo trong kinh doanh. Người kỹ sư xây dựng các mô hình dự đoán giải quyết bài toán kinh doanh cho doanh nghiệp, đòi hỏi những kỹ năng tương đối chuyên sâu về toán học, máy thống kê, xác suất thống kê và đặc biệt công nghệ mới để dự đoán dựa trên dữ liệu. Tại Việt Nam thị trường chưa lớn, nhưng có nhiều công ty có tuyển dụng liên quan AI.

Tuy nhiên, TS Phạm Huy Hiệu cho rằng không phải trường nào cũng đủ điều kiện đào tạo những ngành này. “Hiện nay, có một nhóm trường đại học lớn ở Việt Nam và một số trường mới thành lập có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy các ngành này như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Ở khối các trường tư thục có Trường Đại học VinUni đầu tư mạnh mẽ ở lĩnh vực này”, TS. Phạm Huy Hiệu nói.

Vì vậy, thí sinh phải rất  tỉnh táo khi lựa chọn ngành học, trường dựa trên năng lực bản thân. Hay ngành ngôn ngữ trong những năm qua luôn là ngành học có mức điểm cạnh tranh ở các trường tốp đầu. Nhưng quan điểm học về ngành này vẫn chưa thật chuẩn xác.

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường đại học Ngoại thương, học giỏi ngoại ngữ có thể tranh tụng trong một phiên tòa quốc tế không? Và câu trả lời là “Không”. Vì ít nhất các em phải vừa giỏi ngoại ngữ vừa có kiến thức luật. Bởi thế trong bối cảnh hiện nay, những học sinh muốn theo đuổi các ngành ngôn ngữ cần tìm hiểu và lựa chọn một lĩnh vực ứng dụng ngôn ngữ cụ thể. Theo đó, ngoài việc học chắc khối kiến thức về ngôn ngữ để thành thạo các kỹ năng, các em cần có kiến thức một lĩnh vực cụ thể: Luật, kinh tế... Việc nắm vững hai khối kiến thức, nhất là phần giao thoa giữa hai khối kiến thức này không dễ. Nhưng đó là yếu tố giúp các em có cơ hội việc làm cao hơn sau khi tốt nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội cũng chia sẻ, hiện ở Việt Nam đang đào tạo 10 ngoại ngữ. Nhưng xu thế hiện nay là đào tạo liên ngành, ngoại ngữ gắn với một ngành nào đó để tăng tính ứng dụng.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=4738
Quay lên trên
X