Hình ảnh con gà trong tranh sơn mài Bình Dương

Cập nhật: 21-01-2017 | 09:55:16

Nói đến tranh sơn mài Bình Dương, nhiều người nghĩ ngay đến những bức tranh được phủ sơn bóng loáng thể hiện phong cảnh đình làng, giếng nước, cây đa, bến đò… Dưới đôi tay tài hoa và lòng yêu nghề của các họa sĩ, nghệ nhân nhiều năm gắn bó với tranh sơn mài Bình Dương, họ đã tạo ra những tuyệt tác nghệ thuật tranh sơn mài sống mãi với thời gian. Từ lâu, hình ảnh con gà đã xuất hiện trong tranh sơn mài Bình Dương. Đặc biệt có những bức tranh được định giá cả tỷ đồng!

Chạy đua với tranh lịch

Những ngày giáp Tết Đinh Dậu, nhiều xưởng chế tác tranh sơn mài ở Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Định Hòa, Hiệp Thành nhộn nhịp hơn mọi ngày, vì phải chạy đua với đơn đặt hàng. Trong đó, tranh lịch con gà năm Đinh Dậu được nhiều người đặt mua với số lượng lớn. 

"Sự kiện nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốcgia theo tôi là một lợi thế to lớn cho người làm nghề. Nó tiếp tục tạo nên thương hiệu cho nghề sơn mài ở Bình Dương, sản phẩm làm ra càng có giá trị. Tuy nhiên, chúng tôi rất cần sự quan tâm từ chính quyền các cấp, cần tạo điều kiện hơn nữa để giữ gìn và phát triển nghề này. Chính quyền cần kết hợp với doanh nghiệp, có chính sách và đường lối phát triển rõ ràng trong thời gian tới"

 (Nghệ nhân LÊ BÁ LINH)

Thạc sĩ mỹ thuật Thái Kim Điền, Trưởng khoa Sơn mài - Điêu khắc trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương, Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh, cho biết: Con gà nằm trong 12 con giáp. Tuy nhiên, không phải con giáp nào cũng được thể hiện trong tranh sơn mài và được người tiêu dùng chọn mua nhiều như năm con gà. Các con vật đi vào thơ ca, hội họa, tranh ảnh thường gắn liền với đời sống tâm linh, gần gũi với con người như gà, heo, trâu; hoặc thể hiện được sự uy dũng như con hổ. Khi chọn mua những bức tranh này, ngoài tính nghệ thuật thì người chơi tranh còn có quan niệm gắn liền với tuổi, năm sinh của mình trong 12 con giáp. Họ mong muốn những bức tranh ấy đem lại điều may mắn, tài lộc khi treo ở nhà.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sang nói về ý nghĩa bức tranh “Đàn gà” do ông chế tác hiện có người trả giá cả tỷ đồng.  Ảnh: Q. TÁ M

Theo nhiều nghệ nhân, con gà và đặc biệt là gà trống hiện diện nhiều trong nhiều nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Con gà là vật nuôi được thuần hóa từ lâu, gắn bó với cuộc sống con người. Gà là món ăn dành riêng để kính dâng lên tổ tiên và thờ cúng. Ở vùng nông thôn, tiếng gà trống gáy là tiếng đồng hồ báo thức cho bà con. Gà là một dấu tích của văn minh và văn hóa nông nghiệp ở Việt Nam. Trên trống đồng Đông Sơn, gà và chim là loài vật được thể hiện khá nhiều. Trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh, gà cũng được nhắc đến với tư cách là 1 trong 3 lễ vật thách cưới của vua Hùng khi gả con gái. Hình ảnh con gà còn gắn liền với thơ ca, hội họa…

Thạc sĩ Thái Kim Điền cho biết, theo quan niệm dân gian, con gà còn mang đủ 5 đức tính tốt của người quân tử, đó là Văn - Võ - Dũng - Nhân - Tín. Vì thế, không phải đến năm Dậu người làm tranh sơn mài mới làm tranh gà để bán. Nhiều năm qua, những nghệ nhân trong tỉnh đã chế tác tranh gà để bán với số lượng lớn. Khi chế tác một bức tranh gà, các nghệ nhân thường chọn hình ảnh chú gà trống làm chủ đạo. Vì gà trống thể hiện được cái uy dũng về hình dáng, màu sắc sặc sỡ. Tuy nhiên, rất ít ai chế tác bức tranh một chú gà trống đơn lẻ, mà phải thể hiện được sự sum vầy gồm gà bố, mẹ và con. Những bức tranh như thế thể hiện được sự sum vầy, hạnh phúc, đoàn tụ gia đình nên người chơi tranh rất chuộng. Hình ảnh con gà mái trong tranh thể hiện đức tính của người phụ nữ Việt Nam, đó là một người mẹ đảm đang, chăm lo gia đình, lo cho chồng, cho con. Và cái đặc biệt của một họa sĩ, nghệ nhân tranh sơn mài là phải thổi được cái hồn cho bức tranh khi chế tác, dù đó là tranh gà hay tranh phong cảnh…

Cũng vì thế mà hầu hết các xưởng chế tác  tranh lịch con gà trong năm Đinh Dậu đa phần thể hiện theo chủ đề trên. Tranh lịch thường được thể hiện dưới dạng tranh ứng dụng nên có giá trị vừa phải, chỉ dao động từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/bức. Loại tranh này thường được chế tác nhanh theo kiểu “mì ăn liền” nên không đòi hỏi quá công phu. Bên cạnh đó, một số nghệ nhân còn lấy vỏ trứng gà để làm tranh sơn mài, tạo nên những bức tranh sinh động, bắt mắt.

Những bức tranh gà tiền tỷ Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sang (phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một), cho biết tranh sơn mài được chia làm 2 dòng sản phẩm riêng biệt,  đó là dòng tranh ứng dụng và tranh mỹ thuật. Tranh ứng dụng là tranh được chế tác hàng loạt  theo khuôn mẫu để đáp ứng nhu cầu thị trường.  Loại tranh này thường trải qua ít công đoạn khi  chế tác và thường dùng sơn tổng hợp, sơn nhựa điều để thực hiện. Các loại sơn này có độ bóng loáng, bắt mắt. Còn dòng tranh mỹ thuật là dòngtranh do chính tay các họa sĩ, nghệ nhân bỏ công chế tác. Tất cả các công đoạn đều làm bằng thủ công, dùng sơn ta để thể hiện. Đó là sơn Phú Thọ, Nam Vang. Hai loại sơn này đã có từ hàng trăm năm trước. Khi chế tác tranh bằng loại sơn này thì độ bóng không nhiều, nhưng màu sắc của tranh rất thực, gần gũi với thiên nhiên. Theo năm tháng,màu sắc của tranh càng đẹp, càng giá trị…  

Ý nghĩa của tranh sơn mài xuất phát từ dòng tranh mỹ thuật. Vì khi chế tác tranh, người họa sĩ, nghệ nhân đầu tư vào đó rất nhiều công sức. Có những bức tranh tính từ khi chế tác phải mất vài tháng đến hàng chục năm mới hoàn thiện. Bởi khi chế tác một bức tranh đã nên hình nên dáng, người họa sĩ, nghệ nhân sớm hay muộn cũng nhìn ra những chi tiết chưa hài lòng trong tranh, rồi lại mài lớp sơn ấy ra để thể hiện lại, sơn phết lại (nên gọi là sơn mài). Chỉnh sửa chừng nào đến lúc hoàn thiện, đạt đỉnh mới thôi.

Nói đến hình ảnh con gà trong tranh sơn mài Bình Dương không thể khôngnhắc đến những bức tranh của thạc sĩ Thái Kim Điền, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sang… Sau hàng chục năm lăn lộn với nghề từ Huế đến Sài Gòn để giảng dạy, nghiên cứu dòng tranh mỹ thuật, tài sản lớn trong đời của Nghệ nhân ưu tú Trần Hữu Sang là hơn 60 bức tranh mỹ thuật được ông chế tác và lưu giữ trong căn nhà khá rộng ở phường Phú Cường. Số tranh này hiện có giá trị trên 10 tỷ đồng. Trong đó, có bức tranh vẽ hai con tôm được ông chế tác đã hơn 60 năm, nhưng màu sắc của tranh vẫnkhông hề phai.

Nghệ sĩ Nguyễn Hữu Sang cho biết nếu tranh sơn mài được lưu giữ trong một môi trường khô ráo, thông thoáng thì màu sắc của tranh đến ngàn nămsau vẫn không thay đổi. Trong 60 bức tranh ấy, ông thể hiện  đủ  cảnh  vật  từ đàn trâu, cánh cò, mái đình, làng quê…  Có  nhiều bức  tranh  mang đậm  dấu  ấn  văn hóa  con  người và  cảnh  vật  Bình Dương  từ  hàng chục năm trước, có giá trị lớn về nghệ thuật.  Tuy  nhiên, trong  số  đó,  bức tranh “Đàn gà” vẫn là bức tranh được ông đầu tư nhiều công sức và có giá trị lớn nhất.

Bức tranh “Đàn gà” của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sang hiện  đã  có  người chơi tranh trả giá cả tỷ đồng nhưng ông vẫn chưa bán. Ông kể, năm 1952, ông đến trường Mỹ nghệ Bình Dương học nghề. 4 năm sau, ông tốt nghiệp với bằng ưu tú rồi đi làm nghề, giảng dạy. Sau hơn 5 năm  chế tác, ông hoàn chỉnh bức tranh “Đàn gà” vào năm 1987. Đây là bức tranh sơn mài có khổ lớn 1,2 x 2,4m. Bức tranh nàytừng đoạt được huy chương bạc tại Hội triển lãm tranh Giảng Võ (Hà Nội). Năm 2005, Bảo tàng tỉnh Bình Dương từng cử người đến hỏi mua bức tranh của ông với giá khoảng 120 triệu đồng (gần 25 cây vàng) nhưng ông không bán.

Điểm nổi bật nhất trong bức tranh “Đàn gà” của nghệ nhân Nguyễn Hữu Sang mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra, đó là cả đàn gà 20 con. Bức tranh không chỉ thể hiện được giá trị về màu sắc của tranh theo năm tháng, mà nghệ nhân còn thổi vào tranh muôn mặt của đời sống con gà. Đó là sự chăm chỉ,chăm lo cho con của gà mẹ. Sự uy dũng của gà trống, sự sum vầy, hạnh phúc… Và còn có mặt trái của con gà.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sang cho rằng, con gà trống thường rất kiêu hãnh vì có được tiếng gáy, bộ lông đẹp và được xếp vào loài gia cầm đẹp nhất. Nó như một “ông quan mặc áo gấm”, nhưng cũng có nhiều tính xấu về sự thủy chung “ăn xong quẹt mỏ”, cắn cổ gà con. Có thể hiểu, một bức tranh sơn mài có giá trị nghệ thuật, thường phải bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa.

Bức tranh “Đàn gà” của nghệ nhân ưu tú Nguyễn Hữu Sang tuy có giá bạc  tỷ, nhưng đây vẫn chưa phải là tuyệt tác  nghệ thuật của tranh sơn mài. Thạc sĩ  Thái Kim Điền cho biết tranh sơn mài là tranh Quốc họa của Việt Nam, vì thế mà thời gian qua đã có không ít họa sĩ, nghệ nhân trên  thế giới như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… tìm đến học hỏi, sưu tầm. Bằng chứng là đã có không ít những bức tranh sơn mài có giá trị nghệ thuật đạt đỉnh, được cả thế giới công nhận; đó là tranh của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí, Hoàng Tích Chù, Thái Văn Ngôn... Điển hình như bức tranh “Vườn xuân Bắc Trung Nam” của các họa sĩ Nguyễn Gia Trí đang được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Hồ Chí Minh. Bức tranh này là một bảo vật Quốc gia, nên không thể tính bằng tiền. 

"Họa sĩ Nguyễn Gia Trí có thể nói là bậc thầy về tranh sơn mài. Những ngày còn sống, ông đi khắp nơi để sưu tầm, vẽ tranh. Có một thời gian dài ông đến thuê nhà ở chợ Thủ để nghiên cứu về tranh sơn mài Bình Dương. Tranh của ông chế tác ra liền có người đặt mua với giá cao. Tuy nhiên, ông không bao giờ hài lòng với tranh của mình. Trong tranh của ông thường kết hợp sơn mài với các chất liệu như vàng, bạc để phủ lên tranh, rất tốn kém. Nhưng khi không hài lòng, ông sẵn sàng mài bỏ để làm lại. Trong tranh của Nguyễn Gia Trí có nhiều tác phẩm thể hiện tính nghệ thuật mang đậm sắc thái tranh sơn mài Bình Dương”, Thạc sĩ Huỳnh Kim Điền cho biết.

Di sản văn hóa phi vật thể

Nói đến tranh sơn mài Bình Dương không thể không nhắc đến Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp. Thời gian gần đây, nhiều nghệ nhân ở đây hết sức vui mừng khi nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.  Ông Lê BáLinh, Giám đốc Công ty TNHH Sơn mài Mỹ nghệ Tư Bốn, một nghệ nhân có tiếng trong nghề cho biết nghề sơn mài xuất xứ từ miền Bắc. Có tư liệu nói rằng vào nửa đầu thế kỷ 18, những người dân có nghề sơn mài truyền thống từ miền Trung, miền Bắc di cư đến lập nghiệp ở Tương Bình Hiệp và đã lập lên một ngôi làng nhỏ này.

Theo  những  người  làm  nghề  ở Tương Bình Hiệp, để tạo nên một tác  phẩm sơn mài sản xuất theo kiểu cổ truyền thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng, thanh thoát, đậm đà tính cách Á Đông. So với một số nơi khác, sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp đa dạng hơn về mẫu mã, chất lượng. Ngoài việc chế tác tranh, ở đây còn tạo ra nhiều sản phẩm phục vụ đời sống hàng ngày.

Nghệ nhân Lê Bá Linh cho biết làng nghề có lúc thịnh, lúc suy. Hàng làm ra chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu. Những năm gần đây, khi đơn đặt hàng ngày một ít đi, người làm nghề phải tự xoay sở tìm kiếm những đơn hàng trong nước. Như việc sản xuất tranh lịch là một điển hình. Vì thế, có thể nói những người yêu nghề, bám trụ với nghề như nghệ nhân Lê Bá Linh đã đóng góp một phần công sức không nhỏ trong việc giữ gìn và phát triển một làng nghề có bề dày lịch sử ở Bình Dương. 

QUANG TÁM

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2850
Quay lên trên