> Bài 1: Cội nguồn yêu nước tạo căn cứ lòng dân
Bài 2: Vượt qua hy sinh, thử thách
Mặc dù có địa vị xã hội, có của ăn của để dưới thời phong kiến và thực dân, nhưng con cháu dòng họ Phạm vẫn một lòng hướng về cách mạng. Từ lòng tự tôn dân tộc và hàng ngày chứng kiến thực tế xã hội chìm đắm trong kiếp nô lệ mà con cháu họ Phạm An Tây đã nhanh chóng nhận thức và đi theo con đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Lần theo những gia đình có nhiều con cháu hy sinh cho cách mạng sẽ thấy phần nào sự đóng góp to lớn của dòng họ Phạm An Tây. Những nhân chứng lịch sử hai thời kỳ kháng chiến của dòng họ Phạm An Tây
Nhiều đời theo cách mạng
Ông Phạm Văn Quận (Năm Quận), ở Chi 1 là đích tôn, trưởng tộc họ Phạm An Tây lúc bấy giờ. Sau 2 năm phải tiếp nhận chức Hương cả từ ông Phạm Văn Một, ông Quận đã thối lui, giao quyền Hương cả cho người khác để góp phần vào công cuộc cách mạng. Ông Quận cùng người con trai Phạm Văn Tiều tham gia khởi nghĩa tháng 8-1945. Sau đó, ông Phạm Văn Tiều làm Phó Bí thư rồi Bí thư Chi bộ An Tây. Anh Phạm Văn Sua, cháu nội ông Quận tham gia công tác xã và cùng hy sinh. Trong chống Mỹ 2 người cháu ngoại trong gia đình này cũng hy sinh. Gia đình ông Quận có tổng cộng 4 liệt sĩ.
Ông Phạm Văn Khỏe (Ba Khỏe), trưởng lão Chi 5, được tôn làm Hương cả trong làng trước ông Một nhưng làm được một thời gian, ông chán ngán và cáo lui, trở về ủng hộ cách mạng, thông qua người em đang nuôi giấu cán bộ. Ông Khỏe đã hướng con cháu tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa. Lần lượt con cháu trong gia đình này gia nhập hàng ngũ cách mạng, chiến đấu dũng cảm và hy sinh. Đầu tiên là 2 con ông Khỏe hy sinh, tiếp nối 3 cháu nội, 3 cháu ngoại hy sinh… nhưng ông vẫn không hề nao núng. Từ sự cống hiến này, bà Bùi Thị Bường, vợ ông Ngót, dâu ông Khỏe được tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Sự hy sinh của 10 liệt sĩ trong gia đình đã minh chứng một thực tế cho dù ông có làm Hương cả nhiều năm dưới chế độ cũ, ông vẫn là một người yêu nước có chí hướng, dám hy sinh cho cách mạng.
Ông Phạm Văn Một (Út Một), em ruột ông Khỏe cũng được tôn làm Hương cả. Tuy lòng không muốn nhưng ông vẫn phải nhận chức Hương cả bởi cả họ quan niệm làng An Thành là làng đông đảo dòng họ Phạm, có làm Hương cả cũng là làm cho họ hàng. Nhưng qua một thời gian ông không bằng lòng với công việc. Năm 1941, ông xin nghỉ việc, cùng anh em hướng về cách mạng. Ông động viên các con tham gia Cách mạng Tháng Tám. Trong kháng chiến 4 người con trai của ông Một đã hy sinh và một số cháu đang tham gia chiến đấu. Vợ ông Một là bà Trịnh Thị Giao được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Phạm Văn Trọng, cháu nội ông Phạm Văn Một là đại tá, thầy thuốc nhân dân, anh hùng lực lượng vũ trang. Riêng ông và người con trai cả hy sinh tháng 10-1948 ở Bến Cát.
Các ông Năm Quận, Ba Khỏe và Út Một tuy có sóng gió trong buổi đầu tham gia cách mạng, nhưng cả 3 ông đều là những tấm gương tiêu biểu cho tình yêu đất nước. Từng giữ vị trí Hương cả, những tưởng các ông sẽ có sự chống đối, nhưng không! Hành động nuôi giấu cán bộ, tiếp tế hậu cần cho căn cứ kháng chiến của cả 3 ông, tiếng nói của 3 ông như vạch sẵn một con đường cụ thể cho con cháu trong dòng họ, cho dân làng đi theo cách mạng.
Thế hệ thứ ba trong phả hệ họ Phạm An Tây còn có nhiều tấm gương sáng về ý chí căm thù quân xâm lược, chung sức vì sự nghiệp cách mạng. Khi đã quá thời, các ông bà động viên con cháu tham gia chiến đấu diệt thù. Thế hệ thứ tư chống Pháp, thế hệ thứ năm chống Mỹ. Thống kê chưa đầy đủ, dòng họ Phạm có tới 138 người tham gia kháng chiến trên mọi lĩnh vực, họ đã làm việc hết mình, vượt qua gian khổ ác liệt của chiến tranh. Dòng họ Phạm An Tây có những gia đình tiêu biểu về cống hiến sức người, sức của cho kháng chiến như các ông Phạm Văn Tới, Phạm Văn Ngọc, Phạm Văn Dậu, Phạm Văn Long…
Gia đình ông Phạm Văn Tới (Tám Tới) tuy là địa chủ nhưng hiền hậu phúc đức và có lòng yêu nước; có quá trình nuôi giấu cán bộ trước Cách mạng Tháng Tám và suốt cả thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Con cháu trong gia đình đều tham gia cách mạng từ tiền khởi nghĩa, suốt 2 cuộc kháng chiến cũng như trong hòa bình. Ông Tám Tới có 4 người con, 2 người cháu giữ nhiều trọng trách ở địa phương đã hy sinh. Bà Nguyễn Thị Thuyết, vợ ông Tám Tới, mẹ của 4 liệt sĩ, đã được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nhà thờ họ Phạm ở An Tây, Bến Cát
Gia đình ông Phạm Văn Ngọc (Sáu Ngọc) có 6 liệt sĩ, gồm: 4 cháu nội, 1 cháu ngoại và 1 chắt ngoại hy sinh. Bà Lê Thị Nào vợ ông Phạm Văn Nang (dâu ông Sáu Ngọc) mẹ của 2 liệt sĩ, bà ngoại của 1 liệt sĩ được bà nuôi từ nhỏ, cũng được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Kết thúc 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, không kể những người đã bị địch bắt hành hạ, giết chết không có người xác nhận thành tích, chỉ kể những người đã tham gia cách mạng chiến đấu, hy sinh (kể cả hy sinh vào tháng 10-1948 ở Bến Cát đã được giải oan), họ Phạm An Tây đã nhận về 65 bằng Tổ quốc ghi công và có 8 bà mẹ được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng và 1 anh hùng lực lượng vũ trang.
Gia đình ông Phạm Văn Dậu (Bảy Dậu) có 5 liệt sĩ, gồm 1 người con, 3 cháu nội, 1 cháu ngoại. Vợ ông Phạm Văn Rít là bà Nguyễn Thị Quánh (dâu ông Bảy Dậu) mẹ của 3 liệt sĩ, được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Ông Phạm Văn Lăng, con ông Bảy Dậu hy sinh tháng 10-1948 ở Bến Cát.
Gia đình ông Phạm Văn Long (Út Long) có 3 người cháu ngoại là liệt sĩ. Bà Phạm Thị Ính con gái ông Út Long, mẹ của 3 liệt sĩ được Nhà nước phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Ngoài các tấm gương tiêu biểu nêu trên, dòng tộc Phạm gia An Tây còn có nhiều tấm gương như ông Phạm Văn Thân có 3 cháu nội, 1 cháu ngoại hy sinh; ông Phạm Văn Nơi có 2 cháu nội hy sinh; ông Phạm Văn Tý có 1 người con và 1 cháu nội hy sinh; ông Phạm Văn Đá có 1 cháu nội hy sinh, ông Phạm Văn Kích có 1 cháu ngoại hy sinh... Tuy mỗi gia đình chỉ có 1 hoặc 2 con, cháu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, nhưng đó là những gia đình có nhiều con cháu tham gia kháng chiến, đóng góp nhiều cho cách mạng.
Đưa liệt sĩ về nhà thờ họ tộc
Để tưởng nhớ tổ tông đã khai sinh ra dòng họ Phạm và vong linh những người đã khuất vì sự nghiệp cách mạng, sau ngày giải phóng (30-4-1975), con cháu họ Phạm An Tây đã tập hợp lập nhà thờ họ Phạm An Tây để thờ tiên linh dòng họ và dành một gian thờ vong linh 65 liệt sĩ và những người đã chết vì chiến tranh. Hàng năm, con cháu tổ chức giỗ họ vào ngày 3 tháng Giêng âm lịch (tức mùng 3 Tết Nguyên đán) để tưởng nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên; tưởng nhớ các liệt sĩ và ôn lại những chiến công của liệt sĩ là anh em, con cháu trong dòng tộc, đốt nén hương tưởng niệm và cũng để cả dòng họ gặp nhau, biết gia cảnh, nhằm giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Trên chiến trường miền Nam không ít những gia đình dòng họ có truyền thống cách mạng như thế, nhưng ở địa phương An Tây (Bến Cát) thì rõ ràng đây là một dòng họ đáng được tôn vinh. Với 65 tấm bằng Tổ quốc ghi công, 1 anh hùng lực lượng vũ trang, 8 bà mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn của dòng họ Phạm An Tây trong cuộc đấu tranh giành lại độc lập, tự do của đất nước.
NGUYỄN HUỲNH (CBHT)