Hình ảnh miền trung Ukraine từ vệ tinh Terra của NASA. Hố thiên thạch Boltysh nằm ở phía nam hữu ngạn sông Dnepr. (Nguồn: nytimes.com)
Hố thiên thạch Boltysh tại miền trung Ukraine có chiều rộng khoảng 24m và không nổi tiếng bằng hố Chicxulub ở bán đảo Yucatán, Mexico. Hố Chicxulub là nơi liên quan trực tiếp đến sự kiện đã khiến khủng long và một số loài khác sống trên Trái Đất 66 triệu năm về trước bị tuyệt chủng. Thời điểm đó, một thiên thạch khổng lồ đã lao xuống Trái đất và hủy diệt tới 75% các loài sinh vật sống trên hành tinh của chúng ta.
Tuy nhiên, đối với một số nhà khoa học, hố Boltysh lại chứa nhiều bí ẩn đáng quan tâm. Trước đây, một số ý kiến cho rằng hố thiên thạch này, hiện đã bị chôn vùi dưới lớp trầm tích sâu khoảng 300m - có thể hình thành trước sự kiện Chicxulub. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy nó thực ra xuất hiện sau sự kiện.
Trong bài nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Science Advances mới đây, nhóm khoa học do tiến sĩ Annemarie Pickersgill tại Đại học Glasgow, Scotland, dẫn đầu ước tính hố Boltysh hình thành khoảng 650.000 năm sau thảm họa Chicxulub.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện kỹ thuật xác định niên đại tên là argon-argon với các loại đá chiết xuất từ hố Boltysh. Họ cũng phân tích các mẫu vật từ lớp địa chất ở Montana, Mỹ, được gọi là ranh giới K-Pg - nơi đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ do tác động mà sự kiện Chicxulub gây ra.
Ranh giới K-Pg là một dải trầm tích mỏng tìm thấy nhiều nơi trên thế giới, liên quan đến ranh giới địa chất giữa kỷ Creta và kỷ Paleogen.
Cách tiếp cận so sánh này, cùng với những tiến bộ trong phương pháp xác định niên đại bằng tia phóng xạ, đã mang lại kết quả khả quan hơn so với các nghiên cứu trước đây.
Kết luận mới cho thấy vụ va chạm hình thành hố Boltysh không dẫn đến sự hủy diệt loài khủng long giống như trong vụ Chicxulub. Tuy nhiên nó đã có ảnh hưởng mạnh tới khí hậu của Trái đất và gây trở ngại, thậm chí chặn đứng sự phục hồi của loài khủng long sau cuộc đại tuyệt chủng.
Nhóm của Tiến sĩ Pickersgill đưa ra khả năng rằng Boltysh có thể liên quan đến sự kiện siêu nhiệt C29N xảy ra cùng thời điểm, được cho là gây tác động khiến loài khủng long không thể trở lại thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, nhóm đánh giá vẫn cần thêm nhiều bằng chứng để chứng minh mối liên kết này./.
Theo TTXVN