Hỗ trợ công nhân giải quyết khó khăn về tài chính: Nhiều cách làm hay từ công đoàn cơ sở

Cập nhật: 13-08-2022 | 05:39:09

Lợi dụng những khó khăn về tài chính của công nhân lao động (CNLĐ), nhiều công ty, văn phòng không có chức năng tài chính nhưng “núp bóng” để hoạt động cho vay, cầm cố tài sản với lãi suất rất cao. Trước thực tế này, không chỉ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã có những cách làm hay hỗ trợ kịp thời và giúp CNLĐ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng uy tín.

Sẻ chia khó khăn

Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam (TP.Dĩ An) hiện có hơn 1.000 CNLĐ đang làm việc. Công đoàn cơ sở nơi đây chủ động phối hợp với Ban giám đốc có nhiều chính sách phúc lợi chăm lo cho CNLĐ. Đặc biệt, nhận thấy những khó khăn đột xuất về tài chính của CNLĐ, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở đã nhạy bén thành lập Quỹ hỗ trợ CNLĐ và duy trì hoạt động trong nhiều năm qua, giúp cho hàng trăm lượt CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn vay không tính lãi suất với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng. Anh Bùi Anh Thi, quê tỉnh Bình Định, công nhân có thời gian làm việc hơn 6 năm với công ty chia sẻ: “Phần lớn anh em đồng nghiệp của tôi đều là người ngoài tỉnh, cuộc sống làm ăn xa nhà cũng có những lúc rơi vào tình thế khó khăn về tài chính... Vì vậy, Quỹ hỗ trợ CNLĐ do Công đoàn thành lập rất thiết thực và giúp ích cho chúng tôi rất nhiều, nhất là tránh xa việc vướng mắc vào “tín dụng đen”.

Ông Trần Ngọc Vinh, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thiên Nam, cho biết Quỹ tương trợ CNLĐ hoạt động nội bộ trong phạm vi công ty. Những trường hợp CNLĐ gặp khó khăn đột xuất về tài chính sẽ được Quỹ hỗ trợ cho vay không tính lãi suất. Hạn mức vay là từ 3-10 triệu đồng, khoản vay được trừ dần vào 20% lương hàng tháng. Những trường hợp đặc biệt, công nhân có hoàn cảnh khó khăn cần tiền để đóng học phí cho con, mua xe máy để có phương tiện đi làm, sửa nhà... sẽ được xem xét vay hạn mức 20 triệu đồng.

 Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Chi nhánh Bình Dương đến tận công ty làm thủ tục hỗ trợ vay vốn cho CNLĐ

“Nguồn tài chính của quỹ do Ban giám đốc công ty hỗ trợ một phần, còn lại chủ yếu CNLĐ làm việc tại công ty tự nguyện đóng góp 2% tiền lương hàng tháng. Tiền của quỹ được để tại công ty để hoạt động chứ không gửi ngân hàng. Việc quản lý thu chi rất chặt chẽ, công khai, minh bạch thông tin để CNLĐ biết. Trường hợp CNLĐ đóng góp không có nhu cầu vay, đến cuối năm nếu muốn sẽ được rút nguyên số tiền đóng góp cả năm. Từ khi được thành lập, quỹ đã giúp các CNLĐ gặp khó khăn về tài chính đều được hỗ trợ vay kịp thời, tránh xa việc tiếp cận với tín dụng đen”, ông Vinh cho hay.

Hỗ trợ tin cậy

Để công nhân chuyên tâm vào công việc, không vướng mắc vào “tín dụng đen”, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên và CNLĐ hiểu về tác hại, phương thức, thủ đoạn của “tín dụng đen” để cảnh giác và tránh xa. Đồng thời, Công đoàn các cấp cũng chủ động hỗ trợ đoàn viên và CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu về tài chính tiếp cận nguồn hỗ trợ vay từ các tổ chức tín dụng uy tín, ngân hàng chính sách xã hội... Trong đó các Công đoàn cơ sở chủ động phối hợp với Tổ chức Tài chính Vi mô CEP (do Liên đoàn Lao dộng TP.Hồ Chí Minh sáng lập vào năm 1991) triển khai hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn và CNLĐ đang làm việc tại đơn vị, công ty có nhu cầu vay vốn.

Ông Nguyễn Đình Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Rochdale Spears (TP. Thuận An), cho biết ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền những loại hình, hình thức, thủ đoạn, chiêu trò cũng như tác hại của việc vay “tín dụng đen”, Công đoàn cơ sở công ty còn chủ động phối hợp với Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Thuận An triển khai, giới thiệu cho đoàn viên và CNLĐ có nhu cầu vay vốn. Đến nay đã có hàng trăm lượt đoàn viên và CNLĐ vay vốn với tổng số tiền 2,2 tỷ đồng.

Theo Tổ chức Tài chính Vi mô CEP, đến ngày 31-7-2022, tại Bình Dương, 2 chi nhánh Thủ Dầu Một và Thuận An đã cho gần 20.000 khách hàng vay với tổng dư nợ là hơn 352 tỷ đồng. Đối tượng vay chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất, người lao động tại địa phương và đoàn viên công đoàn trực thuộc các Công đoàn cơ sở. Ông Văn Quốc Chiến, Giám đốc Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Chi nhánh Thuận An, cho biết cách làm của CEP là chủ động tiếp cận đến từng công nhân, người lao động thông qua tổ chức Công đoàn, đoàn thể xã hội và chính quyền địa phương để tìm hiểu nhu cầu vay vốn, tư vấn vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, mức lãi suất ưu đãi cho người lao động. CEP đã triển khai sản phẩm hỗ trợ vay vốn với thủ tục đơn giản, lãi suất bình quân 0,4%-0,68%/tháng cho CNLĐ, trả hàng tháng với mức vay tối đa là 50 triệu đồng. CNLĐ khi cần vay liên hệ với công đoàn công ty để được bảo lãnh và thực hiện các bước theo quy định. Thủ tục vay nhanh chóng, chỉ cần vài ngày là CNLĐ đã được giải ngân để lo công việc gia đình.

Tại Bình Dương, hoạt động của Tổ chức Tài chính Vi mô CEP đã được triển khai nhiều năm qua trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và các huyện, thị khác…

Theo Tổ chức Tài chính Vi mô CEP, đến ngày 31-7- 2022, tại Bình Dương, 2 Chi nhánh Thủ Dầu Một và Thuận An đã giải ngân cho gần 20.000 khách hàng vay với tổng dư nợ là hơn 352 tỷ đồng. Đối tượng vay chủ yếu là công nhân trực tiếp sản xuất, người lao động tại địa phương và đoàn viên công đoàn trực thuộc các Công đoàn cơ sở.

ĐỖ TRỌNG  

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên