Xu hướng phát triển công nghiệp xanh đang trở nên rõ nét hơn trên địa bàn tỉnh. Các doanh nghiệp (DN) Bình Dương đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đóng góp lớn cho nền công nghiệp theo hướng xanh, bền vững.
Hoạt động sản xuất tại nhà máy tái chế của doanh nghiệp mà Tetra Park hợp tác
Bình Dương hiện được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tỉnh định hướng phát triển các khu công nghiệp theo hướng dịch vụ - công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các DN cũng nhận thấy tầm quan trọng của chiến lược phát triển xanh khi hiện các nhãn hàng trên thế giới được chú ý đánh giá sự phát triển bền vững trên cơ sở mức độ tuân thủ của DN về môi trường, xã hội, trách nhiệm đối với người lao động, người tiêu dùng.
Do đó, các DN buộc phải chuyển đổi đầu tư nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn đánh giá của nhãn hàng. Nếu không đáp ứng các chuẩn mực, DN chắc chắn sẽ tự loại mình ra khỏi sân chơi toàn cầu. “Để xanh hóa ngành dệt may, ngoài đầu tư công nghệ hiện đại, thay thế dần các thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều điện năng, tiêu tốn sức lao động và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cần thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh lao động, duy trì các hoạt động chăm lo đời sống người lao động. Cùng với đó thu hút lao động trẻ, lao động kỹ thuật cao phù hợp với định hướng phát triển”, Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh cho hay.
Mới đây một thông tin có sức lan tỏa trong cộng đồng khi Tetra Pak (Bình Dương) - nhà cung cấp các giải pháp chế biến và đóng gói thực phẩm đến từ Thụy Điển đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ Giấy Biopa (Biopa) và Công ty Cổ phần Giấy Vạn Điểm để thực hiện thu gom và tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng. Sự hợp tác này đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Tetra Pak, khi công ty nỗ lực mở rộng quan hệ đối tác với các đơn vị tái chế để phát triển hạ tầng thu gom và tái chế vỏ hộp giấy ở miền Bắc.
Trước khi có thỏa thuận này, vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng sau khi được thu gom tại khu vực phía Bắc phải vận chuyển vào miền Nam để tái chế. Vượt qua giới hạn địa lý, việc mở rộng này sẽ hỗ trợ tốt hơn cho ngành sản xuất đồ uống và thực phẩm trong việc thực hiện mục tiêu về bền vững. Theo thỏa thuận mới ký, Vạn Điểm sẽ là đơn vị tái chế vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng, còn Biopa là đơn vị tổ chức và quản lý thu mua vỏ hộp giấy tại khu vực phía Bắc. Dự kiến, trong năm 2023, Biopa và Vạn Điểm sẽ thực hiện thu gom và tái chế khoản 800 tấn vỏ hộp giấy và tăng dần lên mốc 3.000 tấn/năm từ năm 2025.
“Hộp giấy Tetra Pak giúp mang đến nguồn thực phẩm dinh dưỡng, an toàn cho hàng triệu người tiêu dùng, nhưng điều đó cũng đặt ra trách nhiệm cho chúng tôi và các nhà sản xuất là làm sao toàn bộ hộp giấy đã qua sử dụng sẽ được thu gom và tái chế nhằm tiết kiệm tài nguyên và giữ cho môi trường sạch đẹp”, ông Eliseo Barcas, Tổng Giám đốc Tetra Pak Việt Nam cho biết.
“Chúng tôi sẽ xây dựng và duy trì hoạt động thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các tỉnh, thành phía Bắc thông qua mạng lưới hiện có của Biopa cũng như không ngừng mở rộng các điểm thu gom mới tại các khu công nghiệp, chung cư và các khu vực trọng điểm khác”, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Biopa chia sẻ. Ông Lê Mạnh Anh, Phó Tổng Giám đốc Vạn Điểm nhấn mạnh: “Vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng có thể tái chế thành nhiều vật dụng hữu ích như sổ tay, tấm lợp sinh thái… Hợp tác với Tetra Pak và Biopa sẽ cho phép chúng tôi bảo đảm nguồn cung vỏ hộp giấy được duy trì ổn định và có hiệu quả”.
Không chỉ hợp tác với nhà thu gom và tái chế, Tetra Pak còn phối hợp với các nhà bán lẻ, các đối tác để không ngừng mở rộng mạng lưới thu gom vỏ hộp giấy trong cộng đồng. Công ty đang hợp tác với các nhà bán lẻ Aeon Mall và Mega Market để đặt các trạm thu gom vỏ hộp giấy đựng đồ uống đã qua sử dụng tại các trung tâm thương mại ở các tỉnh thành với mục đích giúp người tiêu dùng tiếp cận việc thu gom và tái chế thuận tiện hơn.
TIỂU MY - CẨM TÚ