Hưởng ứng lời kêu gọi, hơn 70 y bác sĩ đang công tác ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và những người đã về hưu tham gia kênh tư vấn của hệ thống đường dây nóng 1022. Có thể nói đây là một việc làm ý nghĩa, thiết thực mà Bình Dương triển khai trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như hiện nay…
Bác sĩ chuyên khoa II Hàn Khởi Quang, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh tư vấn sức khỏe cho người dân qua Tổng đài 1022
“Chúng tôi không thể ngồi yên!”
Những ngày đầu tháng 8, hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, đội ngũ bác sĩ công tác tại các bệnh viện, đơn vị y tế, đặc biệt là bác sĩ về hưu trên địa bàn tỉnh đã chung tay phòng, chống dịch bệnh. Theo ông Trần Trọng Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT), hệ thống đường dây nóng 1022 đang nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của 2 mạng lưới y bác sĩ, gồm: “Mạng lưới thầy thuốc đồng hành” do Bộ Y tế quản lý, chủ động nắm danh sách các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà ở Bình Dương, chủ động liên hệ với bệnh nhân để tư vấn sức khỏe, thăm khám qua điện thoại. Bên cạnh đó là mạng lưới thầy thuốc đã và đang công tác tại các cơ sở y tế tại Bình Dương với 71 y bác sĩ, trong đó có 64 người đang công tác ở các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh và 7 người đã về hưu nhưng vẫn tích cực tham gia nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022”.
Khi nhận được yêu cầu cần tư vấn, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân Covid-19, Tổng đài 1022 sẽ kết nối đến các bác sĩ trong nhóm này để tư vấn, thăm khám cho bệnh nhân qua điện thoại. Việc làm này góp phần giảm tải cho hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh.
Là thành viên Hội Thầy thuốc trẻ huyện Bàu Bàng, bác sĩ Huỳnh Anh Phi, hiện đang công tác tại Trung tâm Y tế huyện xung phong tham gia nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022” ngay khi có cuộc vận động. “Hiện nay nhu cầu tư vấn rất cao, đặc biệt là ban đêm nên việc trực điện thoại đêm, ban ngày tiếp tục làm việc thì khá vất vả. Nhưng tôi cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao cũng như hỗ trợ hết sức cho bệnh nhân qua đường dây nóng 1022. Hiện tại, chúng tôi chỉ tư vấn qua điện thoại mà không thể gặp hoặc quan sát bệnh nhân. Tôi mong muốn có thể dùng video telemedicine thông qua các ứng dụng liên lạc đễ hỗ trợ người bệnh cụ thể hơn, nắm rõ hơn tình trạng của họ”, bác sĩ Phi cho biết.
Bên cạnh những y bác sĩ trẻ với tinh thần nhiệt huyết, nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022” còn nhận được sự hỗ trợ của những bác sĩ khá đặc biệt như trường hợp của bác sĩ Lê Duy Phong, công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Dù là bệnh nhân Covid-19 đang điều trị trong khu cách ly nhưng bác sĩ Phong vẫn nhiệt tình tham gia tư vấn, hỗ trợ y tế cho các bệnh nhân khác qua đường dây nóng 1022. Sự hỗ trợ về mặt chuyên môn và những lời động viên của bác sĩ Phong đã trở thành động lực, đem lại nguồn sức mạnh để các bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Chiếc cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân
Trong số các y bác sĩ về hưu tham gia hỗ trợ Tổng đài 1022, bác sĩ chuyên khoa II Hàn Khởi Quang, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, người được phong danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” được xem là một thành viên nhiệt tình trong những ngày qua. Bác sĩ Hàn Khởi Quang tâm sự: “Sau khi Bộ Y tế, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kêu gọi các thầy thuốc trên toàn quốc tham gia phòng, chống dịch bệnh, tôi nhận lời tham gia ngay. Hiện tôi đang tham gia nhóm “Tư vấn sức khỏe Covid” của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022”.
“Có lần một người bệnh ở phường Thuận Giao, TP.Thuận An gọi điện đến 1022 nhờ hỗ trợ y tế. Tôi hỏi nhịp thở, chỉ cách đếm nhịp thở, rồi hướng dẫn bệnh nhân cách thở đúng, trấn an bệnh nhân, dặn nếu không cải thiện sẽ báo lại. Sau đó tôi hỏi lại thì người bệnh đã thấy khỏe hơn. Tham gia nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022”, được góp một phần sức lực của mình vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh là một vinh dự cho tôi”, bác sĩ Hàn Khởi Quang nói. |
Theo bác sĩ Quang, thông thường các cuộc gọi của người dân đến đường dây nóng 1022 có hai nội dung chính là yêu cầu tư vấn sức khỏe, tình trạng bệnh, tư vấn xung quanh việc chích ngừa, chăm sóc, theo dõi điều trị, cách ly bệnh nhân Covid-19 và yêu cầu hỗ trợ khẩn cấp khi bệnh chuyển nặng, yêu cầu hỗ trợ chăm sóc y tế khác. Mỗi ca tư vấn đều để lại cho ông kỷ niệm khó quên. Có những cuộc tư vấn ông cảm thấy vui vì đã hỗ trợ và giải tỏa được những lo lắng, thắc mắc cho người dân, nhưng cũng có những cuộc điện thoại khiến ông suy nghĩ và trăn trở nhiều.
Trong khi đó qua trao đổi với P.V, bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Trần Dương Giang, Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, Trưởng khoa mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: “Các thành viên trong nhóm “Tư vấn sức khỏe 1022” phần lớn là những y bác sĩ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm khám chữa bệnh. Họ tự nguyện tham gia công việc, nhiệt tình trong việc tư vấn. Sắp tới, chúng tôi sẽ vận động thêm các y bác sĩ về hưu và đang công tác tham gia vào đội ngũ tư vấn. Thực hiện gọi video call trong lúc tư vấn để có thể đánh giá chính xác tình trạng của người bệnh, phân loại đúng người dân nào cần cấp cứu khẩn cấp hay có thể hướng dẫn theo dõi, sử dụng thuốc tại nhà; đồng thời, tổ chức tập huấn và học các lớp đào tạo tư vấn sức khỏe online để nâng cao, bổ sung kiến thức cho đội ngũ y bác sĩ tham gia tư vấn”.
TÂM TRANG