Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường, duy trì sản xuất

Cập nhật: 03-02-2023 | 08:35:51

Từ đầu năm, tỉnh triển khai cùng lúc nhiều giải pháp đưa kinh tế vượt qua khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ổn định sản xuất, kinh doanh, duy trì tăng trưởng.

 Lãnh đạo tỉnh, các sở ngành thường xuyên thăm hỏi, động viên, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục

phát triển sản xuất

 Vượt khó

Năm 2023, UBND tỉnh xác định thực hiện 35 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội với 11 giải pháp trọng tâm. Trong đó, GRDP tăng 8,5 - 8,7%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với năm 2022. Tuy nhiên, trước những biến động hiện nay, kinh tế thế giới dự báo tăng trưởng chậm lại, tình trạng lạm phát cao tiếp tục kéo dài ở nhiều quốc gia, xung đột tại Ucraina chưa có dấu hiệu kết thúc; giá nguyên vật liệu, xăng dầu, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao; một số thị trường tiêu thụ hàng hóa thu hẹp, khó thâm nhập. Bình Dương với mức độ hội nhập cao nên dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, cho biết: “Hiện nay một số DN đang cố gắng hoạt động để giữ công nhân, tìm các đơn hàng, chờ thị trường phục hồi. Có 3 đề xuất cần giải quyết, cho DN nợ bảo hiểm xã hội trong thời gian nhất định không tính lãi, ngân hàng cho giãn nợ, không đẩy DN nợ quá hạn lên nhóm trên, sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và có những chính sách cùng DN hỗ trợ người lao động (NLĐ)”.

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tạo điều kiện cho các DN có thêm đơn hàng sản xuất, tạo việc làm cho người lao động.

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, hiện nay các DN, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, chế biến gỗ, da giày, điện tử, tình hình xuất khẩu đang gặp khó khăn. Bên cạnh việc tận dụng các thị trường truyền thống, Sở Công thương tham mưu UBND tỉnh tiếp tục triển khai các chương trình trong năm 2023, đó là mở rộng xúc tiến thương mại tại một số thị trường mới, bao gồm Ấn Độ, Nam Mỹ, Trung Đông và Trung Quốc”.

Sở Công thương đang đẩy mạnh giới thiệu sản phẩm của DN trong tỉnh ra các trung tâm thương mại trên thế giới với lợi thế Trung tâm Thương mại Thế giới thành phố mới Bình Dương (WTCBD) kết nối với 170 trung tâm trên thế giới. Đồng thời tiếp tục tổ chức nhiều chương trình xúc tiến thương mại đưa thông tin kết nối để DN Bình Dương tìm kiếm thị trường mới.

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết ngành đang đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, tăng cường việc nắm bắt nhu cầu của các DN để kết nối cung cầu lao động, tổ chức các phiên giao dịch việc làm. Thực hiện hiệu quả các chế độ hỗ trợ NLĐ từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm giúp NLĐ sớm tìm được việc làm mới, ổn định cuộc sống. Đẩy mạnh công tác tư vấn lao động, tận dụng cơ hội để học nghề nâng cao trình độ, chuẩn bị tốt các kỹ năng để nâng cao tính cạnh tranh khi thị trường tuyển dụng khởi sắc trở lại.

Lội ngược dòng?

Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thái Bình, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam, cho biết trong gần 3 năm qua, doanh nghiệp sản xuất giày dép gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, nhưng đã “lội ngược dòng” để vượt qua và bứt phá. Hiện đang là thời điểm khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để DN điều chỉnh lại hoạt động sản xuất, đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và tìm cách thúc đẩy, chủ động nguyên phụ liệu trong nước để tăng dần tỷ lệ nội địa hóa. Bên cạnh đó, DN tập trung khai thác các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do để hưởng các ưu đãi về thuế quan.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Song song đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Với phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân”, tỉnh sẽ cơ cấu đầu tư công có hiệu quả, ưu tiên cho các công trình, dự án động lực có tính lan tỏa cao, tạo ra đột phá cho phát triển kinh tế. Tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, quyết tâm điều hành, tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch đầu tư công năm 2023, nhất là về cơ chế, phương pháp xác định giá đất để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, chu kỳ ngân sách 2023-2026, Bình Dương tiếp tục phải giảm tỷ lệ giữ lại cho ngân sách địa phương từ 36% xuống còn 33%. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn. Vì thế tỉnh sẽ quan tâm thực hiện đồng bộ giữa việc tạo nguồn thu, mở rộng thu theo hướng thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo đúng quy định, chống thất thu. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính.

 UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6-1-2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Theo đó, các sở, ban ngành, cơ quan, đơn vị; UBND các huyện, thị, thành phố tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=315
Quay lên trên