Hỗ trợ doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp phục hồi

Cập nhật: 23-10-2021 | 06:39:23

Dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vững tin vào quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngành công thương nỗ lực hỗ trợ DN sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới.

Nỗ lực sản xuất xanh

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, thực hiện mục tiêu vừa chống dịch bệnh, vừa sản xuất an toàn đang đặt ra không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự chủ động, linh hoạt của DN và trợ lực hiệu quả từ các cấp, ngành, địa phương. Trong chức năng nhiệm vụ, ngành công thương tích cực hỗ trợ đối với DN trong các cụm công nghiệp (CCN).

Theo đó, tổ công tác ngành thường xuyên bám sát, trực tiếp đến cơ sở để hướng dẫn thực hiện mô hình “3 xanh”, “3 tại chỗ”. Các DN hoàn thiện phương án sắp xếp hoạt động sản xuất bao gồm test nhanh sàng lọc, kiểm soát nguồn lây từ bên ngoài, bố trí khu vực cách ly… để sớm khôi phục sản xuất. Ngành thường xuyên phối hợp với ban quản lý các CCN nắm, báo cáo công tác phòng, chống dịch bệnh. Tổ chức khảo sát thực tế phương án hoạt động trong tình hình mới của các DN...

Tổ công tác ngành công thương tìm hiểu tình hình sản xuất trở lại tại Công ty TNHH Kolon Industries Việt Nam (CNN Thành phố Đẹp)

Tính đến nay, có 72 DN trong các CCN với 10.929 lao động đang hoạt động theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” hoặc “3 xanh”. Ông An Kyu Kang, Giám đốc Công ty TNHH Kolon Industries Việt Nam (CNN Thành phố Đẹp) cho biết, ngành công thương đã rất quyết liệt để hỗ trợ DN phục hồi sản xuất. Đặc biệt là tháo gỡ khó khăn về nguồn lực lao động. Vừa qua, ngành đã chấp thuận bổ sung người lao động lần 2 phục vụ hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” của công ty sau khi tiêm vắc xin và test sàng lọc. “Mong muốn của công ty và các DN khác là địa phương thiết lập bệnh viện hoặc khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại khu vực có đông công nhân tập trung để kịp thời xử lý những tình huống dịch bệnh xảy ra. Công ty Kolon cũng mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông hàng hóa, yên tâm sản xuất sau thời điểm dịch bệnh phức tạp”, ông An Kyu Kang nói.

Hiện nay, các DN trong các CCN thực sự phấn khởi là việc thành lập các trạm y tế lưu động để DN chủ động trong việc ứng phó với dịch bệnh trên nguyên tắc phối hợp chặt chẽ với ngành công thương, ban quản lý và địa phương. Đến nay, đã thành lập 3 Trạm Y tế lưu động tại các CCN (Phú Chánh 1, Uyên Hưng, Tân Thành). CCN Thành phố Đẹp chuẩn bị đưa vào hoạt động 1 trạm, CCN Thanh An thành lập 1 Tổ Y tế lưu động. Sở Công thương đã hướng dẫn chủ đầu tư các CCN Tân Mỹ, Tam Lập, Thanh An triển khai quy trình, thủ tục đề nghị UBND huyện thành lập các trạm y tế lưu động.

Để bảo đảm an toàn, ngành công thương khuyến khích việc DN triển khai quét mã QR tại các DN trong CCN. Đến nay, 100% các DN “3 tại chỗ” đã thiết lập mã QR để quản lý người ra vào. Sở Công thương đang phối hợp với các chủ đầu tư CCN và UBND các huyện, thị, thành phố tăng cường, hướng dẫn, kiểm tra nhắc nhở các DN đăng ký mã QR.

“Trợ lực” hiệu quả

Theo ông Nguyễn Trường Thi, Phó Giám đốc Sở Công thương, ngành nỗ lực chủ động, linh hoạt tạo điều kiện để DN có thể phục hồi tốt. Sau thời gian dài giãn cách xã hội, nhiều DN đang đối mặt với khó khăn, thách thức lớn về nguyên liệu, lao động... Trong điều kiện bình thường mới, Sở Công thương hỗ trợ DN nắm bắt đầy đủ thông tin về kế hoạch, chính sách của các cấp về nguồn lao động. Hiện ngành cũng phối hợp với UBND TP.Thuận An làm việc với các DN trong chuỗi cung ứng Adidas để hướng dẫn khôi phục sản xuất trở lại, bảo đảm việc chống đứt gãy chuỗi cung ứng.

Trong kế hoạch gần nhất, ngành công thương hoàn chỉnh quy chế quản lý CCN để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh. Dự kiến trong tháng 11, sở sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Dương năm 2021 và Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa tỉnh Bình Dương năm 2021 kết hợp với ra mắt sàn Thương mại Điện tử tỉnh. Nhằm tạo điều kiện cho các DN về phát triển thị trường, ngành công thương đang tổng hợp ý kiến góp ý từ đơn vị, DN, hiệp hội về việc đề xuất nội dung xúc tiến thương mại năm 2022.

Bên cạnh đó, Sở Công thương tiếp tục tìm kiếm đối tượng thụ hưởng trong công tác hỗ trợ chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Tiếp tục thực hiện công tác tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn sau dịch bệnh.

Được biết, hiện nay, Sở Công thương đang trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2030. Tham mưu phương án triển khai các nghị quyết, nghị định của Chính phủ về hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Sở Công thương cũng đang đẩy mạnh việc hoàn thiện các đề án: “Phát triển ngành cơ khí trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Phát triển ngành gỗ trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các DN nằm ngoài khu, CCN ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, CCN“.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1113
Quay lên trên