Hỗ trợ kết nối cung - cầu, đa dạng đầu ra cho các sản phẩm địa phương
(BDO) Việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trang trại tham gia Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 giúp các đơn vị giới thiệu phương thức kinh doanh trên sàn thương mại điện tử; kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối, doanh nghiệp và đơn vị cung ứng tiềm năng...
Lãnh đạo Sở Công thương thăm các gian hàng của Bình Dương tại Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021
Thiết thực hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, việc hỗ trợ các đơn vị tham gia Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2021 nhằm tăng cường thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua đó, góp phần hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, tìm kiếm nguồn hàng đặc sản trên cả nước, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường. Đồng thời hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương giới thiệu các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu tỉnh nhà đến các đối tác tham quan, người tiêu dùng và tìm kiếm liên kết, hợp tác, giao thương kinh doanh tại khu vực gian hàng chung. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương học tập, trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến mở rộng thị trường cho hàng sản xuất trong quá trình tham gia chương trình, cách thức tiếp cận khách hàng để từ đó xây dựng thương hiệu, điều chỉnh mẫu mã, chất lượng cho phù hợp với nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng.
Thông qua chương trình, hỗ trợ kết nối, cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, đưa hàng hóa đặc sản, đặc trưng của tỉnh vào hệ thống phân phối TP.Hồ Chí Minh; hỗ trợ các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản, thực phẩm đạt chuẩn an toàn, có truy xuất nguồn gốc sản phẩm và có tiềm năng xuất khẩu của tỉnh. Hỗ trợ kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng, đặc sản vùng miền, hàng nông sản; hỗ trợ bên mua, bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững.
Chương trình năm 2021 tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để các đơn vị cung ứng, phân phối hàng hóa tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu hàng hóa, kết nối, ký kết với đối tác trên website ketnoicungcau.vn và các gian hàng triển lãm thực tế ảo, bảo đảm hiệu quả kết nối, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, phối hợp doanh nghiệp thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Shopee, Lazada…) hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp sản xuất, cung ứng tham gia sàn thương mại điện tử, mở rộng kênh phân phối mới, từng bước thực hiện chuyển đổi số. |
Hội nghị lần này có 25 tỉnh, thành tham gia triển lãm 500 gian hàng trực tiếp và 20 tỉnh, thành tham gia triển lãm 92 gian hàng thực tế ảo, trưng bày và giới thiệu những sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương; các sản phẩm bình ổn thị trường, sản phẩm chủ lực… cùng các hệ thống phân phối, điểm bán trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Tham dự hội nghị lần này, Bình Dương có 5 đơn vị đến từ các ngành nghề khác nhau, bao gồm Công ty TNHH Mây tre lá Thành Lộc, Trang trại Trúc Mai, Công ty TNHH TM DV Dương Ngọc Anh, Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Minh Quân, Công ty TNHH Ganoluci Trường Sinh.
Sau dịch bệnh Covid-19, hoạt động kết nối cung - cầu năm nay tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, phát triển thị trường, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành, hình thành các chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn, bền vững để phục vụ thị trường TP.Hồ Chí Minh, bổ sung nguồn cung bình ổn thị trường và hướng đến xuất khẩu, quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.
Theo Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, có chiều hướng gia tăng cấp độ dịch trong giai đoạn sắp tới. Để bảo đảm phương án an toàn phòng, chống dịch bệnh theo từng cấp độ và hiệu quả của chương trình kết nối, các sự kiện chính năm nay được tổ chức theo 2 hình thức vừa trực tiếp (offline) vừa trực tuyến (online), bảo đảm phương thức tổ chức hợp lý, linh hoạt, hiệu quả kết nối, phù hợp tình hình diễn biến dịch bệnh trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành.
Tại hội nghị, trên cơ sở tham quan, tìm hiểu trực tuyến và trực tiếp tại các gian hàng trưng bày tại hội nghị, các doanh nghiệp cung ứng đăng ký lịch làm việc với các hệ thống phân phối tại khu vực kết nối tại hội nghị để trao đổi thông tin và tìm kiếm đối tác. Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp xúc, làm việc, đàm phán trực tiếp với các hệ thống phân phối tại khu vực kết nối tại hội nghị.
Thúc đẩy phục hồi sau dịch bệnh Covid-19
Quán triệt tinh thần Nghị quyết 128 của Thủ tướng Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19”, để nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh Covid-19, Thứ trưởng ĐỗThắng Hải đề nghị lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành địa phương, các Sở Công thương, các doanh nghiệp lưu ý nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại, nhất là các chương trình bình ổn thị trường và các chương trình kết nối cung cầu hàng hóa tại địa phương, thông qua việc tập trung và hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thực phẩm thiết yếu, các sản phẩm công nghiệp tiêu dùng… Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công thương và các bộ ngành có liên quan đẩy mạnh hơn nữa việc kết nối cung cầu trên các nền tảng kỹ thuật số, kinh tế số và sàn thương mại điện tử.
Theo lãnh đạo Sở Công thương đánh giá hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành là một sáng kiến quan trọng trong việc giúp tìm kiếm đầu ra một cách phù hợp, hiệu quả cho các sản phẩm của các địa phương. Chương trình được triển khai từ năm 2012, đến nay có thể nói đã cơ bản đáp ứng kỳ vọng ban đầu. Đặc biệt, các đơn vị thông qua chương trình đã có điều kiện tiếp cận, làm quen, tìm hiểu thị trường để từ đó định hướng sản xuất, mạnh dạn đầu tư sản xuất lớn, an toàn, bền vững theo nhu cầu thị trường.
Thời gian tới, ngành công thương tiếp tục thực hiện Nghị quyết 105 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong và ngoài tỉnh, đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động triển khai nhiều giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, liên kết để khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Phát biểu khai mạc tại điểm cầu trực tuyến tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải biểu dương và đánh giá rất cao vai trò của TP.Hồ Chí Minh trong việc liên kết với các tỉnh thành, doanh nghiệp, hiệp hội trong cả nước nhằm tiêu thụ hàng hóa, kiềm chế lạm phát và tăng trưởng thị trường bán lẻ, phục vụ nhu cầu không những của thành phố mà còn các tỉnh, thành khu vực phía Nam. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành cần nhân rộng mô hình và trao đổi kinh nghiệm với các địa phương, nhất là các tỉnh, thành có nguồn cung hàng hóa đa dạng, dồi dào, hình thành các chuỗi liên kết chặt chẽ, bảo đảm sự minh bạch trong nguồn gốc hàng hóa và an toàn thực phẩm… Bộ Công thương cũng đề nghị Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh nói riêng và các sở công thương địa phương nói chung cần theo dõi, đánh giá nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu; chủ động các phương án, đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa, bình ổn thị trường. Đồng thời, chủ động trình UBND các phương án dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong trường hợp dịch bệnh, cuối năm và Tết Nguyên đán. |
TIỂU MY