Hỗ trợ, kết nối đầu ra nông sản

Cập nhật: 02-08-2021 | 08:07:51

 Trong bối cảnh nhiều chợ đầu mối, chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng khá nhiều. Việc lưu thông, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn, dẫn đến một số nơi xảy ra tình trạng sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi giảm giá, tồn hàng cục bộ.

 Ngành nông nghiệp tỉnh nỗ lực hỗ trợ kết nối với hệ thống siêu thị để tiêu thụ nông sản địa phương. Trong ảnh: Siêu thị MegaMarket (phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một) luôn bảo đảm hàng hóa phục vụ người dân

 Trợ lực cho nông dân

Hiện tại, các mặt hàng nông sản của Bình Dương, như: Thịt heo, gà, trái cây, rau… gặp khó khăn về tiêu thụ, giá bán giảm mạnh. Mặt hàng đang rớt giá sâu hiện nay là gà công nghiệp, hiện giá bán tại trại chỉ còn từ 7.000 - 8.000 đồng/kg, chưa bằng một nửa giá thành sản xuất. Theo đại diện Hợp tác xã Minh Hòa Phát (huyện Dầu Tiếng), trại có 50.000 con gà không bán được. Bình thường có thương lái đến mua, nay không có ai mua, cũng không vận chuyển ra ngoài được vì không có xe chuyên dùng. Hiện nay, số lượng sản phẩm động vật cung ứng ra thị trường giảm so với thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng cung ứng cho các siêu thị để bảo đảm nhu cầu cho thị trường không bị ảnh hưởng nhiều.

Trước tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức nhiều hoạt động tăng cường kết nối cung - cầu vừa giúp cho các vùng sản xuất tiêu thụ nông sản, vừa hỗ trợ người dân ở các vùng bị cách ly y tế, phong tỏa để phòng dịch. Ông Nguyễn Phong Huy, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết đơn vị đã liên hệ Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vùng I (thành viên tổ kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản phía Nam Bộ NN&PTNT) để nắm nhu cầu và đơn giá để hỗ trợ cho các hợp tác xã. Mặt khác, ngành nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp cấp bách để kết nối các vùng nông sản với các kênh bán hàng, phân phối, các điểm bán hàng nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Đến nay, đã triển khai bán hàng tại 20 điểm, lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 6 tấn rau củ quả; 300 - 350kg thịt; 27.000 trứng cho 1 điểm bán. Đồng thời tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh đó, người dân tại khu vực phong tỏa cũng được hỗ trợ mua hàng qua 3 hình thức: Trực tuyến; tại các cửa hàng, tiệm tạp hóa trong khu vực phong tỏa; tiếp nhận và phân phối hàng hóa hỗ trợ từ các nhà hảo tâm, người thân.

Nhiều phương án kết nối

Ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết để tiếp tục duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ người sản xuất cũng như bảo đảm nguồn cung ứng hàng hóa nông sản thực phẩm thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thị, thành phố và các sở, ngành thực hiện giải pháp. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, đánh giá diện tích, sản lượng, thời vụ thu hoạch, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ nguồn tiêu thụ; rà soát khả năng cấp đông, trữ lạnh, bảo quản nông sản trên địa bàn; phối hợp với Sở Công thương để cân đối nhu cầu và khả năng cung ứng các mặt hàng thiết yếu để đề xuất phương án huy động nguồn cung từ các địa phương khác.

Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các cơ quan chuyên môn của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như xây dựng phương án tiêu thụ phù hợp theo diễn biến dịch bệnh có thể xảy ra. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất, đặc biệt đối với các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm như các cơ sở giết mổ, các đầu mối tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn… thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị phương án “3 tại chỗ” để bảo đảm duy trì sản xuất, duy trì chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản.

Mặt khác, triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 về bảo đảm lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, bình ổn thị trường tại các huyện, thị, thành phố để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, ngành thường xuyên phối hợp với các địa phương, các trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp, nắm tình hình sản xuất, khả năng cung ứng và nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Đối với các cơ sở quy mô sản xuất lớn, nguồn hàng ổn định sẽ phối hợp Sở Công thương kết nối tiêu thụ tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi… Đối với các trang trại, cơ sở bị tồn hàng cục bộ do ảnh hưởng quy định vận chuyển, hoặc đứt gãy kênh phân phối sẽ kết nối với các điểm bán hàng bình ổn, lưu động do các ngành phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức…

Ngoài ra, phân công đầu mối phụ trách tổng hợp thông tin về tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản đến thời vụ thu hoạch để kịp thời báo cáo cho Sở NN&PTNT, Sở Công thương để hỗ trợ kết nối tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu, phối hợp tham mưu UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản một cách hiệu quả. Đồng thời, trên cơ sở khả năng cung ứng và nhu cầu tiêu thụ hàng nông sản thiết yếu trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT thường xuyên báo cáo Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam của Bộ NN&PTNT để kịp thời hỗ trợ, điều tiết nguồn hàng từ các tỉnh theo nhu cầu hỗ trợ của địa phương.

 Bộ NN&PTNT vừa thành lập Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phía Nam do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Tổ trưởng. Tổ công tác đã làm việc với các tỉnh, thành phía Nam và có báo cáo kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, một trong những nội dung quan trọng là xem xét bổ sung các chợ đầu mối tại các địa phương vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ thiết yếu được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đề xuất cho các chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh phía Nam về TP.Hồ Chí Minh và ngược lại.

 THOẠI PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=295
Quay lên trên