Thời gian qua, tình hình kinh tế gặp khó khăn chung đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện Phú Giáo. Khắc phục khó khăn, huyện nỗ lực tập trung các giải pháp thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển bền vững hơn.
Mô hình trồng hoa lan của HTX Nông nghiệp Phước Thành
Nâng cao chất lượng sản phẩm
Huyện Phú Giáo từ lâu được biết đến là nơi có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao như dưa lưới, cam, bưởi, chanh không hạt... Tận dụng thế mạnh, trên địa bàn huyện hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện hiện có một số HTX điển hình tiên tiến luôn nỗ lực hoạt động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giải quyết việc làm cho người lao động, như: HTX Nông nghiệp Phước Thành (thị trấn Phước Vĩnh); HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (xã Phước Hòa); HTX Nông nghiệp và dịch vụ Bông Trang (xã Phước Hòa); HTX Nông nghiệp Bình Dương (xã Phước Sang); HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình); HTX Chăn nuôi dê An Linh (xã An Linh)... Một số HTX chú trọng xây dựng sản phẩm theo Chương trình OCOP (Mỗi xã một sản phẩm), tạo động lực cho người dân thi đua phát triển sản xuất, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị.
HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Kim Long (xã An Bình) hiện nay có 45 thành viên và 30 lao động với sản phẩm chủ lực là dưa lưới đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Quyết, Giám đốc HTX, cho biết: “Phát triển sản phẩm OCOP góp phần nâng cao uy tín và vị thế của sản phẩm và HTX. Để các HTX tiếp tục phát triển theo chiều sâu, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các HTX mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay thuận lợi, dễ dàng hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Phú Giáo, huyện khuyến khích HTX phát triển theo hướng an toàn, gắn với áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất cũng như phát triển các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, huyện đã phối hợp với các ngành, các cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển; hỗ trợ giao lưu, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, cạnh tranh công bằng và hợp tác lâu dài, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm kinh tế HTX, THT tại các hội chợ, triển lãm.
Giải pháp phù hợp
Thực tế cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện đa phần các đơn vị kinh tế tập thể có quy mô nhỏ, nguồn lực yếu, năng lực quản lý hạn chế. Số HTX làm ăn thực sự hiệu quả còn ít, mang lại lợi ích cho thành viên nhưng chưa nhiều. Để lĩnh vực kinh tế tập thể trên địa bàn phát triển theo chiều sâu, huyện chú trọng quan tâm củng cố, khắc phục những yếu kém, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX phát triển. Bên cạnh đó, huyện vận động, khuyến khích thành lập mới HTX, chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ cán bộ quản lý nhà nước ở cấp huyện, cấp xã, HTX và THT. Năm 2023, huyện thành lập mới 2 HTX, gồm HTX giết mổ gia súc, gia cầm Tân Phát (xã Tân Hiệp) và HTX Chăn nuôi gà sạch Trọng Tín Phước Hòa (xã Phước Hòa). Hiện 2 HTX đều đang hoạt động khá ổn định.
Ông Phạm Trọng Tứ, Giám đốc HTX Chăn nuôi gà sạch Trọng Tín Phước Hòa, chia sẻ: “HTX thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 8-2023. Do có thị trường tiêu thụ từ trước nên chúng tôi mạnh dạn liên kết các hộ chăn nuôi gà nhỏ lẻ tập hợp thành mô hình HTX. Về lâu dài, mô hình kinh tế tập thể sẽ giúp các thành viên phát triển bền vững, thị trường ổn định, từ đó sẽ cải thiện đời sống gia đình”.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tự thân mỗi HTX đều nỗ lực khắc phục khó khăn để bảo đảm hoạt động, giúp các thành viên yên tâm sản xuất. Bà Nguyễn Ngọc Diệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Phước Thành (thị trấn Phước Vĩnh), chia sẻ: “HTX hiện có 12 thành viên với ngành nghề kinh doanh trồng hoa lan và cây ăn trái. Sắp tới, HTX sẽ tận dụng phần đất mặt tiền làm cửa hàng trưng bày, tập kết sản phẩm của các thành viên để thuận lợi cho việc quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ”.
Theo lãnh đạo huyện, các HTX mới thành lập, nhìn chung đều xuất phát từ nhu cầu thực tế và nguyện vọng của bà con nông dân và người lao động. Các HTX thực hiện đúng nguyên tắc dân chủ, tự nguyện, tự chủ trong nguồn vốn và hoạt động, có phương hướng sản xuất, kinh doanh cụ thể, đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân địa phương.
HẠNH NHI - LÝ HUY