Hỗ trợ lấp đầy “khoảng trống” pháp luật cho doanh nghiệp

Cập nhật: 05-07-2024 | 07:50:50

 Theo thống kê, Bình Dương hiện có khoảng hơn 65.000 doanh nghiệp (DN), trong đó DN vừa và nhỏ chiếm khoảng 97%. Thời gian qua, hoạt động tư vấn, giải đáp pháp luật cho DN vừa và nhỏ luôn được UBND tỉnh đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều vấn đề pháp luật cần bổ sung cho DN.

 Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa tổ chức tọa đàm về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh

 Nhiều kênh hỗ trợ

Ông Huỳnh Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho DN được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tổ chức thường xuyên. Mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN theo chuyên ngành mình quản lý. Các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức được nhiều đợt tập huấn, hội nghị nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho DN. Ngoài ra, các sở, ban, ngành tỉnh còn phối hợp với các chi hội, hiệp hội DN đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin pháp luật đến DN, như Cục Thuế tỉnh ký kết chương trình phối hợp hỗ trợ, tư vấn chính sách thuế với Chi hội DN đầu tư Hàn Quốc, Hiệp hội Thương gia Đài Loan tại Bình Dương ...

Ông Huỳnh Quốc Anh cho biết thêm, Sở Tư pháp đã phối hợp tổ chức nhiều buổi tập huấn pháp luật cho các DN trên tinh thần xác định việc đồng hành hỗ trợ DN là mục tiêu phát triển. Có rất nhiều kênh hỗ trợ DN như Trung tâm Hỗ trợ DN (Sở Kế hoạch và Đầu tư), diễn đàn của các sở ngành tư vấn các vấn đề pháp luật mang tính chuyên ngành. Các hoạt động tư vấn pháp luật cho DN được thực hiện thông qua nhiều hình thức như trả lời bằng văn bản, thông qua đường dây nóng 1022, trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương (trong đó, một số trang tin điện tử ngoài sử dụng tiếng Việt còn có thêm tiếng Anh, Hàn, Trung để các DN nước ngoài dễ dàng tiếp cận).

Đại diện Hiệp hội DN trẻ tỉnh cho biết thời gian qua hiệp hội đẩy mạnh kênh tư vấn pháp luật cho thành viên. Theo đó, các thành viên hoạt động về lĩnh vực pháp lý sẽ cập nhật kiến thức pháp luật và củng cố nền tảng pháp lý vững chắc cho hoạt động kinh doanh của thành viên hiệp hội. Thông qua các hội thảo đã chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về các vấn đề pháp luật liên quan đến hoạt động của DN, bao gồm quy định pháp luật về thành lập, cơ cấu tổ chức, quản lý DN, quy định pháp luật về hợp đồng thương mại, về lao động… góp phần nâng cao kiến thức pháp luật và giải quyết các vấn đề pháp lý thường gặp trong hoạt động kinh doanh, củng cố nền tảng pháp lý vững chắc cho thành viên.

Cần có mức “sàn”

Cộng đồng DN vừa và nhỏ cho rằng cần tăng cường các hình thức tư vấn, trợ giúp pháp lý để các DN kịp thời nắm bắt và thực hiện theo quy định, giúp hạn chế những rủi ro khi chưa am hiểu về pháp luật. Đồng thời cần tổ chức nhiều hơn các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo… tạo điều kiện cho DN nắm vững những văn bản pháp luật có liên quan.

Theo ông Vũ Đăng Khuê, Tổng Giám đốc Công ty TNHH VCA HOLDINGS (TP.Thủ Dầu Một), hiện nay một số DN vừa và nhỏ vẫn còn chưa quan tâm đến kiến thức pháp luật mà chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt vai trò của người đại diện pháp luật về các vấn đề pháp lý rất mờ nhạt, chủ yếu giao cho nhân viên. Người đại diện pháp luật thậm chí không biết về vấn đề pháp luật đơn giản như chế độ đối với người lao động, các điều khoản của hợp đồng xuất nhập khẩu. Thậm chí các hoạt động tiếp cận vốn của DN từ nguồn ưu đãi cũng chưa nắm được… Có một khoảng trống lớn về pháp luật của DN cần hỗ trợ, lấp đầy.

Ông Đào Thái Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Anh Sơn (TP.Thủ Dầu Một) cho biết việc bổ sung sửa đổi Nghị định 55 về hỗ trợ pháp lý cho DN vừa và nhỏ cần có một cái “sàn” chung về trình độ học vấn, trình độ pháp lý, các chứng chỉ cần phải trải qua của chủ DN và bộ phận chuyên môn. Những vấn đề mà các đơn vị chức năng khi phổ biến cần có chuyên gia mang tính chuyên sâu thay vì chỉ giới thiệu cho DN. Các hình thức tổ chức cần chia nhỏ theo từng nhóm chủ đề để DN dễ tiếp cận.

 Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp): Những vấn đề các DN Bình Dương phản ánh rất sát với điều kiện và thực tế của DN hiện nay. Các ý kiến này sẽ được tập hợp và gửi đến đơn vị chủ trì để xây dựng nghị định mới sẽ là “cú hích” về mặt pháp lý, ứng dụng công nghệ vào việc tuyên truyền pháp luật. Mục đích cuối cùng là hỗ trợ DN nắm bắt pháp luật để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, an toàn, đúng pháp luật hiện hành cả trong nước và quốc tế.

 TIỂU MY - CẨM TÚ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=801
Quay lên trên