Hỗ trợ nguồn lực để doanh nghiệp khai mở thị trường Halal

Cập nhật: 01-11-2024 | 15:21:02

(BDO) Với quy mô nền kinh tế toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028, Halal đang được xem là thị trường lớn rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Bình Dương.

Hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng

Tại Hội nghị Halal Việt Nam với chủ đề ‘Phát huy nội lực, tăng cường hợp tác quốc tế để đẩy mạnh phát triển ngành Halal Việt Nam”, nhận định từ các chuyên gia thương mại cho thấy, thị trường hàng hóa Halal đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. 


Bình Dương tổ chức hội nghị để hướng dẫn DN tiếp cận thị trường Halal

Các nước có dân số Hồi giáo lớn như Indonesia, Pakistan, Bangladesh và Malaysia đang trở thành những thị trường tiềm năng cho sản phẩm Halal. Ngoài ra, các nước châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang dần mở rộng thị trường Halal, tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp (DN) muốn xuất khẩu sản phẩm này. 

So với các nước trong khu vực, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành Halal với vị trí địa lý thuận lợi, có nhiều thế mạnh về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dịch vụ…. Việt Nam có thị trường rộng lớn và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện khi tham gia nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, trong đó có các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. 

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công Thương đánh giá, Bình Dương có sẵn các đối tác thương mại truyền thống thuộc khu vực Đông Nam Á có nhu cầu cao với các sản phẩm Halal như: Malaysia, Indonesia, Singapore… Bình Dương có những điều kiện lý tưởng để phát triển thị trường Halal. 

Với sự tiến bộ trong công nghệ và quản lý chuỗi cung ứng, Bình Dương có thể đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ chuẩn mực cao nhất về Halal. Đồng thời, việc xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với cộng đồng Halal và các đối tác thương mại quốc tế cũng là chìa khóa để tỉnh thành công. Với thế mạnh về công nghiệp chế biến, nhất là công nghiệp chế biến thực phẩm, Bình Dương có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường Halal. 

Tuy nhiên, cộng đồng DN chưa có đầy đủ thông tin về văn hóa, tập quán tiêu dùng, cũng như thông tin về thị trường, các quy định về thương mại... để có thể tiếp cận thị trường Halal trong và ngoài nước. Chính vì vậy, Sở Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động thông tin tuyên truyền các nội dung liên quan đến thị trường Halal; hoàn thiện các cơ chế, chính sách trong hoạt động xuất nhập khẩu, các hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ DN tiếp cận, tham gia hiệu quả vào thị trường này…”. 

“Để Bình Dương có thể khai thác, tiếp cận, phát triển thị trường Halal, việc xây dựng hạ tầng, chuỗi cung ứng, việc đảm bảo tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn Halal là vấn đề đặt ra cho các DN xuất khẩu. Các DN cần nắm vững những quy định thị trường, quy định của đối tác để tránh những sai sót không đáng có”, bà Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.


Bà Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại hội nghị

Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho hay: “Do những lợi ích cho sức khỏe, môi trường nên hiện nay nhu cầu về sản phẩm Halal không chỉ phổ biến với những người theo đạo Hồi giáo mà ngày càng nhiều thị trường lớn trên thế giới như: Hoa Kỳ, châu Âu... gia tăng nhập khẩu sản phẩm Halal để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, nếu so với mặt bằng chung giá cả sản phẩm thông thường, giá sản phẩm Halal thường cao hơn từ 5-10% và những người tiêu dùng mong muốn sử dụng sản phẩm Halal sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm này. Vì vậy, thị trường sản phẩm Halal rất tiềm năng cho DN Việt Nam khai thác.”

Đối với thực phẩm từ động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản. Khi đạt được chứng nhận Halal, chứng tỏ sản phẩm của DN đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này đồng nghĩa không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.

Làm gì để có chứng nhận Halal?

Theo bà Nguyễn Thanh Hà, mặc dù thị trường tiêu thụ sản phẩm Halal phân bổ rộng khắp trên thế giới, từ các nước Hồi giáo đến phi Hồi giáo. Thế nhưng, thực tế xuất nhập khẩu thực phẩm của DN địa phương vào thị trường Halal mới chỉ là bước đầu khai phá. Toàn tỉnh Bình Dương có khoảng 13 DN sản xuất, kinh doanh đã được cấp giấy chứng nhận Halal thuộc các nhóm ngành như: trà, cà phê, tiêu, thảo mộc, rau, thực phẩm nông sản, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (nước mắm), sản phẩm sữa, thức ăn thủy sản.

Đại diện một số hợp tác xã của tỉnh cũng chia sẻ, sản phẩm có thể đáp ứng được tiêu chuẩn của người Hồi giáo nhưng khó khăn của hợp tác xã hiện nay chưa có chứng nhận Halal nên chưa thể thâm nhập vào thị trường này. Về vấn đề này, các chuyên gia thương mại cho rằng DN muốn khai thác thị trường sản phẩm Halal cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng về đặc điểm sản phẩm Halal và xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng, đối thủ cạnh tranh...Đáng lưu ý, khi xây dựng kế hoạch sản xuất, cung ứng sản phẩm Halal cho thị trường Trung Đông, DN cần có quy trình sản xuất đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn Halal. Mặt khác, DN cần đầu tư xây dựng chiến lược kinh doanh, marketing bài bản, phù hợp với thị trường.


Các DN quan tâm nhiều đến thị trường Halal

Để hỗ trợ nguồn lực cho các DN phát triển thị trường sản phẩm Halal, bà Nguyễn Minh Phương cho biết dù chưa có các chương trình hỗ trợ dành riêng cho phát triển sản phẩm Halal nhưng Bộ Công Thương đang xây dựng Đề án hỗ trợ DN sản xuất, xuất khẩu sản phẩm Halal. Hơn nữa, nguồn lực từ Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia cũng là một kênh hỗ trợ hiệu quả cho các DN Việt Nam tham gia hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại với thị trường sản phẩm Halal nói chung, thị trường châu Phi - Trung Đông nói riêng. Song song đó, DN cần quan tâm đầu tư xúc tiến thị trường, tích cực tham gia chương trình, hoạt động hội chợ, kết nối giao thương... trực tiếp tại địa bàn thị trường.

“DN có thể gửi hàng mẫu cho các Thương vụ tại địa bàn để giới thiệu, quảng bá với các đối tác. Khi có kế hoạch khai thác thị trường Trung Đông, các nhà sản xuất của Việt Nam có thể ký hợp đồng hợp tác với đối tác nhập khẩu tại khu vực này để sản xuất, cung ứng sản phẩm theo đơn đặt hàng, đáp ứng phù hợp với nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng đặc thù, riêng biệt của người dân, thị trường này”.

(Bà Nguyễn Minh Phương, Trưởng phòng Tây Á, châu Phi - Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương)

Tiểu My - Cẩm Tú

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=544
Quay lên trên