Hỗ trợ, tạo việc làm cho con em người có công

Cập nhật: 25-07-2022 | 08:28:33

Thời gian qua, các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể huyện Dầu Tiếng luôn quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho con em gia đình người có công. Việc làm này không chỉ giúp cho các gia đình chính sách giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

 Dạy nghề cho con em người có công bị khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề người khuyết tật thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

 Thực hiện Thông tư số 36/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ, Bình Dương nói chung và huyện Dầu Tiếng nói riêng đã hỗ trợ chi phí học tập cho con của người có công với cách mạng đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, phổ thông dân tộc nội trú, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, trường lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, người có công với cách mạng và con của họ theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có khóa học từ 1 năm trở lên hoặc cơ sở giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí học tập theo chế độ, huyện Dầu Tiếng còn đẩy mạnh các chương trình vay vốn sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên là con người có công cóđiều kiện học tập, nâng cao năng lực. Đa số các sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định, như: Nhân viên văn phòng cho một số công ty nước ngoài tại các khu công nghiệp, kế toán, ngân hàng, quản trị, đồ họa…

Theo quy định hiện nay, không những đối tượng là người có công, mà cả thân nhân của người có công cũng được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục - đào tạo. Trong đó, con của người có công vừa được trợ cấp hàng tháng, vừa được hỗ trợ học phívà trợ cấp 1 lần, giúp các em yên tâm và có điều kiện học tập tốt hơn. Bên cạnh đó, để giúp con em người có công có nghề nghiệp, việc làm, huyện Dầu Tiếng cũng lồng ghép các chính sách đào tạo nghề, khuyến khích các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh ưu tiên tuyển dụng con thương binh, liệt sĩ vào làm việc. Đặc biệt, tỉnh cũng đã xóa bỏ việc phân biệt giữa trường công lập và trường tư thục trong xem xét trợcấp ưu đãi giáo dục - đào tạo.

Thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, 12 xã, thị trấn của huyện Dầu Tiếng đã rà soát các đối tượng có nhu cầu là con liệt sĩ, con thương bệnh binh, gia đình có công để đăng ký theo học. Đây sẽ là căn cứ để hàng năm tỉnh triển khai các kế hoạch đào tạo nghề cho con liệt sĩ, con thương binh, bệnh binh nặng gắn với giải quyết việc làm, chú trọng các hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho lao động của huyện.

Chị Nguyễn Vi An, công nhân cạo mủ cao su Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết: “Năm 2019, tôi tốt nghiệp lớp cạo mủ cao su. Được sự giới thiệu của địa phương, tôi được nhận vào Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng làm việc. Tôi rất hài lòng với công việc hiện tại. Với tiền lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, tôi không chỉ có điều kiện ổn định cuộc sống bản thân mà còn có điều kiện phụ giúp gia đình”.

 HOÀNG LINH - TÚ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=572
Quay lên trên