Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm 98% tổng số DN trong nước nhưng lại yếu về tài chính và năng lực quản trị. Do đó, DNNVV rất cần sự hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả hoạt động.
Vấn đề tài chính đang là khâu khó khăn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong ảnh: Nhân viên MB Bình Dương tư vấn cho khách hàng vay vốn
Khó khăn về vốn
Ông Phan Cao Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Bình Dương, cho biết thời gian gần đây, mặc dù có những tín hiệu tích cực như vướng mắc thủ tục pháp lý dần được tháo gỡ, ngân hàng mở rộng tín dụng… nhưng lĩnh vực bất động sản vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Khó khăn nhất là DN kinh doanh lĩnh vực này thiếu hụt vốn, do việc tiếp cận vốn vay vẫn còn nhiều rào cản. Cùng với đó, việc tiếp cận tín dụng của người mua nhà cũng gặp không ít trở ngại…
Đây cũng là khó khăn chung của nhiều DN ở các lĩnh vực, ngành nghề khác. Thạc sĩ Trần Văn Hiển, chuyên gia tư vấn dự án, cho biết hiện cả nước có khoảng 920.000 DN. Trong số này, DNNVV chiếm 98%, thu hút hơn 5,6 triệu lao động, đóng góp khoảng 45% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 31% vào tổng thu ngân sách hàng năm. Theo khảo sát trên hệ thống đối với hơn 100 DNNVV, có 85,1% DN mong muốn tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên, nhiều DNNVV hiện vẫn khó tiếp cận vốn ngân hàng. DNNVV tiếp cận các nguồn tài chính thông qua hệ thống ngân hàng và các nguồn chính thống khác chỉ chiếm khoảng 25%, còn 75% vẫn phải huy động vốn từ người thân, vay mượn phi chính thống.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng đạt 6% so với cuối năm 2023. Dù vậy, tổng nợ vay của các DNNVV thấp hơn nhiều so với các DN lớn; khối DN lớn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ nhưng chiếm tới hơn 90% tổng nợ vay của toàn bộ DN trong nước. DNNVV gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay bởi thiếu tài sản bảo đảm.
Mở rộng kênh vay vốn
Chính phủ đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, trong đó có DNNVV. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành, sửa đổi các chính sách thuế, thực hiện bằng các khoản cho vay của ngân hàng thương mại (NHTM) quốc doanh; ban hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực bất động sản, nhà ở xã hội; xây dựng hành lang pháp lý tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nới lỏng điều kiện vay vốn…
Trong khi đó, các ngân hàng cũng chủ động hỗ trợ DNNVV trong việc lập dự án sản xuất, kinh doanh, giảm lãi suất. Đồng thời, để hỗ trợ cho các DNNVV tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, Nhà nước thành lập và phát triển các định chế tài chính thuộc sở hữu nhà nước để thực hiện chính sách bảo lãnh tín dụng cho DN. Hoạt động chính của các định chế này là thực hiện chính sách bảo lãnh những khoản tín dụng ngân hàng của các DNNVV nhằm khuyến khích các DN đầu tư dài hạn, đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh và hội nhập vào thị trường quốc tế.
Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ SMEDF: Để vay từ nguồn vốn Quỹ SMEDF, điều quan trọng là ngành chức năng cần hướng dẫn chính sách, quảng bá tuyên truyền để DNNVV hiểu, kết nối tiếp cận. DNNVV cần lưu ý các yếu tố then chốt trong xem xét hồ sơ và giải ngân vốn nhanh. |
Một trong những nguồn vốn các DNNVV đang hướng đến là Quỹ Phát triển DNNVV (SMEDF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ông Phan Thanh Hà, Giám đốc Quỹ SMEDF, cho biết đây là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Mục tiêu chính của quỹ là thực hiện hỗ trợ các DN yếu thế, ưu tiên cho DN trong nhóm khởi nghiệp sáng tạo, tham gia chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành… Quỹ cho vay trực tiếp hoặc gián tiếp, tài trợ, hỗ trợ tăng cường năng lực cho DNNVV. Điểm đáng chú ý là DNNVV được vay vốn của quỹ với mức lãi suất ưu đãi luôn thấp hơn các NHTM và được giữ cố định hoặc giảm nếu chính sách thay đổi trong suốt thời gian vay.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn của Quỹ SMEDF là 1,2%/năm, trung và dài hạn là 4,4%/năm. Hiện quỹ đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB)… Các DNNVV có nhu cầu vay vốn có thể nộp hồ sơ tại điểm giao dịch của các ngân hàng nhận vốn cho vay gián tiếp nêu trên. Trong thời gian tới, Quỹ SMEDF tiếp tục mở rộng mạng lưới đối tác nhằm gia tăng độ phủ hỗ trợ tín dụng cho DNNVV.
Theo ông Phan Thanh Hà, để vay từ nguồn vốn trên, DN cần tránh các lỗi thường gặp trong chuẩn bị hồ sơ, như: Thiếu hồ sơ xác định DNNVV; báo cáo tài chính thiếu bản thuyết minh; thiếu hợp đồng hợp tác kinh doanh với các DN đầu chuỗi; các thông tin chưa thống nhất tại các văn bản; số liệu giữa các hồ sơ chưa phù hợp với nhau; hồ sơ chưa chứng minh được năng lực của DN và một số lỗi khác…
THANH HỒNG