Hoa đào - nhân hạt bí đao - vỏ quýt có làm đẹp da?

Cập nhật: 25-10-2013 | 00:00:00

Nhiều chị em đang truyền nhau bí quyết trị nám, tàn nhang, giúp da đẹp bằng cách dùng hoa đào, nhân hạt bí đao, vỏ quýt, tất cả phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày hai lần với nước ấm sau bữa ăn. Muốn da trắng thì thêm nhân hạt bí đao, nếu muốn da hồng hào thì thêm hoa đào. Uống 50 ngày: da mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa: da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo; vết nám, tàn nhang biến mất. Thực hư công dụng bài thuốc này tới đâu?

Ảnh minh họa: internet

BS Trần Văn Năm - Phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM cho biết, trong Đông y có nhiều bài thuốc có tác dụng làm đẹp da nhờ tăng cường khả năng thải độc của cơ thể, có tính kháng sinh, kháng viêm, tăng cường chất chống ôxy hóa. Ở bài thuốc trên, vỏ quýt (trần bì) chứa tinh dầu, có tính kháng sinh, chống đầy hơi, kích thích tiêu hóa; nhân hạt bí đao có tính kháng sinh, thải độc; còn hoa đào có tính bình, vị đắng, có tác dụng thông tiểu tiện, hoạt huyết và nhuận tràng. Nhìn chung, bài thuốc có tác dụng làm đẹp da do có tính thải độc qua đường tiểu, đại tiện.

Tuy nhiên, bài thuốc này cũng như nhiều bài thuốc khác, chỉ dựa theo kinh nghiệm của thầy thuốc hoặc người bệnh tự sử dụng theo sách vở hoặc truyền miệng, chưa có chứng cứ khoa học nào chứng minh. Chưa kể, quá trình bào chế không hợp lý, các dược liệu (thành phần các vị thuốc trên) không đạt chất lượng, uống quá liều sẽ không tốt cho sức khỏe.

Da nám và tàn nhang do nhiều nguyên nhân như: di truyền, tiếp xúc quá lâu với ánh nắng, thay đổi nội tiết tố ở phụ nữ giai đoạn tiền mãn kinh, tuổi cao, chế độ ăn không khoa học, ít vận động, bị stress, sử dụng thuốc có ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến nội tiết; hoặc cơ thể mắc một số bệnh mạn tính khó chữa như đái tháo đường, bệnh thận, đường tiêu hóa mãn tính… ảnh hưởng đến khả năng sản xuất các chất chống gốc tự do và khả năng thải độc của cơ thể. Trước khi quyết định sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, người làm đẹp cần được thầy thuốc khám bệnh để biết rằng cơ thể có bị các bệnh tiềm ẩn kể trên hay không.

“Một số người nhầm lẫn giữa hoa đào và hoa trúc đào hoặc nghĩ rằng hoa đào nào dùng cũng được. Hoa đào không độc, nhưng hoa trúc đào lại rất độc, do chứa một số chất như acid hydrocyanic, oleandrin, neriin, neriantin… gây ngộ độc có thể chết người nếu chẳng may uống phải” - BS Trần Văn Năm khuyến cáo.

Theo PNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=548
Quay lên trên