Hòa giải ở cơ sở giúp gắn kết tình làng nghĩa xóm

Cập nhật: 13-07-2020 | 15:13:52

(BDO) Sáng 13-7, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức hội nghị trực tuyến công tác dân vận trong hoạt động hòa giải. Tại điểm cầu Bình Dương, đại diện các ban, ngành, đoàn thể và 27 gương hòa giải tiêu biểu của cả tỉnh đã tham dự hội nghị trực tuyến.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, đã đánh giá cao công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian qua và nhận định công tác này làm tốt sẽ giúp thắt chặt tình làng nghĩa xóm, hạn chế được các tranh chấp phát sinh; giảm tải được áp lực đối với cơ quan tư pháp.

Báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, cho rằng qua 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở và các tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng. Đến cuối năm 2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với hơn 600.000 hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải thường có trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và trưởng các tổ chức đoàn thể.

Trong khi đó, theo báo cáo của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sau 6 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, các địa phương trong cả nước đã tiếp nhận 875.313 vụ việc, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,9%. Nhiều địa phương có tỷ lệ hòa giải thành rất cao, như Hậu Giang (91,79%), Khánh Hòa (92,54%). 

Báo cáo chuyên đề “Dân vận trong công tác hòa giải tại tòa án” của đại diện Tòa án Nhân dân tối cao thì cho rằng, xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của hòa giải, đối thoại tại tòa án, 16 tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập được 124 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân. Sau thời gian thực hiện thí điểm, mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần cho ra đời Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án (sẽ có hiệu lực pháp luật từ ngày 1-1 năm 2021).

Lê Trần Phương

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=415
Quay lên trên