Chỉ mới rộ lên từ năm 2009, nhưng mô hình trồng hoa lan của xã Chánh Phú Hòa (huyện Bến Cát) đã cho thấy hiệu quả khá cao khi liên tục mang lại những nguồn lợi nhuận đáng kể cho người dân nơi đây. Tính đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn địa phương này đã có hơn 20 hộ dân “sống được” nhờ loài hoa của núi rừng!
Khách đến mua hoa và thăm vườn lan nhà chị Nguyễn Hồng Diệu
Người đi tiên phong
Nói về làng hoa lan Chánh Phú Hòa, chắc chắn không thể không nhắc đến chị Nguyễn Hồng Diệu (ngụ ấp 1B) bởi chị là người đặt nền móng cho sự phát triển của những vườn lan nơi đây. Sau thời gian tìm tòi, học hỏi những mô hình trồng và chăm sóc cây cảnh từ các cơ sở chuyên nghiệp ở Củ Chi, Hóc Môn, chị Diệu nhận thấy chơi phong lan đang là mốt thịnh hành của những người đam mê cây cảnh nên xin gia đình một mảnh đất (đang trồng cao su) để thử nghiệm mô hình trồng phong lan. Sự mạnh dạn của người phụ nữ 36 tuổi ngay sau đó đã mang lại một nguồn thu nhập không nhỏ cho gia đình. Chỉ với 3.000m2 đất trồng lan, nhưng trong năm 2009, gia đình chị Diệu đã thu lợi trên 100 triệu đồng.
Hiện tại, UBND xã Chánh Phú Hòa đang khuyến khích người dân trong xã phát triển mô hình trồng hoa lan. Theo đó, xã thường xuyên phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Bến Cát và các ngành chức năng tổ chức những lớp dạy nghề về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh. Ông Nguyễn Thành Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chánh Phú Hòa cho biết: “Trong năm tới, nếu diện tích và số lượng các hộ dân trồng lan tăng và phát triển ổn định, xã sẽ lập hồ sơ xin thành lập hợp tác xã để làng lan Chánh Phú Hòa có một chỗ đứng trong làng cây cảnh Việt.
Thấy hàng xóm ăn nên làm ra từ loài hoa dại núi rừng, nhiều người dân ở ấp 1B đến nhà chị học tập mô hình rồi mua cây giống về nhà “tạo dựng cơ nghiệp”. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kiến thức chăm sóc, nên thời gian đầu các vườn lan của nhiều hộ gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế, có hộ còn bị thua lỗ. Nhận thấy địa phương đang sốt với “nghề” trồng lan, UBND xã Chánh Phú Hòa tức tốc gửi đơn kiến nghị lên Phòng Kinh tế huyện Bến Cát và các ngành chức năng xin phối hợp mở lớp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cảnh nói chung và phong lan nói riêng cho người dân có nhu cầu. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Chánh Phú Hòa cho biết: “Khi UBND xã có thông báo về việc mở lớp dạy kỹ năng trồng và chăm sóc cây cảnh, trong ngày đầu tiên, người dân kéo đến đăng ký rất đông”.
Có đam mê lại được đào tạo về kỹ thuật tốt, hàng chục hộ dân ở xã Chánh Phú Hòa lại một lần nữa trở về gầy dựng lại vườn lan. Hiệu quả rõ rệt của lớp học chăm sóc cây cảnh được thể hiện ngay chính trên những vườn lan tươi tốt, nở rộ hoa của những ông chủ nhỏ ở đây. Doanh thu mang lại từ việc bán cây giống và hoa trang trí của làng hoa lan Chánh Phú Hòa bắt đầu tăng và cũng từ đây, tên tuổi của làng nghề non trẻ này vang xa đến những địa phương ngoài tỉnh.
Giúp nhau làm giàu
Đang trên đà “tiếng lành đồn xa” nên làng hoa lan Chánh Phú Hòa có nhiều lợi thế trong việc mở rộng địa bàn phân phối sản phẩm. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh làng hoa lan Chánh Phú Hòa phát triển mạnh về diện tích trồng và số lượng chủng loại cây giống. Hiện nay, toàn xã Chánh Phú Hòa có hơn 20 hộ dân trồng hoa lan với tổng diện tích lên đến 5 ha, tổng thu nhập mỗi năm lên đến hàng tỷ đồng. Những hộ trồng lan ở Chánh Phú Hòa quy tụ lại trong một tổ hợp tác để cùng nhau chia sẻ những kiến thức, tìm nguồn giống và đầu ra sản phẩm.
Bên cạnh việc giúp đỡ nhau bằng tinh thần, những hộ trồng lan ở xã Chánh Phú Hòa còn tích cực tương trợ nhau từng đồng vốn hay giống cây. Ông Nguyễn Văn Nam, một hộ dân trồng lan ở xã Chánh Phú Hòa cho biết, thời kỳ mới bước chân vào nghề này, gia đình ông gặp khá nhiều khó khăn từ kỹ thuật, vốn liếng cho đến đầu vào cây giống và đầu ra sản phẩm. Sau khi được các thành viên trong tổ hợp tác giúp đỡ, hiện nay, gia đình ông Nam đã có 1 vườn lan rộng 2.800m2 với đầy đủ các chủng loại lan đang rộ hoa khoe sắc thắm, mỗi năm mang lại lợi nhuận trên dưới 120 triệu đồng. “Hồi đó mà không được các anh chị trong tổ hợp tác giúp đỡ thì gia đình cũng bỏ cuộc rồi chứ đâu có được như bây giờ!”, ông Nam tâm sự.
“Để làng hoa lan phát triển ổn định và lâu dài, mọi người phải biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, đó cũng là cách tạo dựng thương hiệu hoa lan Chánh Phú Hòa”, đó là nhận định của chị Nguyễn Hồng Diệu, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng lan Chánh Phú Hòa. Theo chị Diệu, việc tạo dựng tên tuổi cho làng lan Chánh Phú Hòa bước đầu đã có những dấu hiệu tốt khi nhiều shop hoa, người dân ở các nơi trong, ngoài tỉnh thường xuyên về đây đặt hàng hoa cắm và cây giống. Tuy nhiên, để thương hiệu được phát triển ổn định, những người trồng lan ở đây phải thật sự chung tay đưa Chánh Phú Hòa trở thành một làng lan thật sự.
ĐÌNH THẮNG