Hòa mình vào 'Ngày hội hoa ban' cùng đồng bào các dân tộc

Cập nhật: 05-03-2024 | 07:02:43

“Ngày hội hoa ban” là chủ đề xuyên suốt chuỗi hoạt động diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong suốt tháng 3-2024 nhằm khắc sâu tình yêu của tuổi trẻ với văn hóa truyền thống dân tộc.


Hoa có 4 đến 5 cánh với màu tím và trắng đan xen; có cả hoa ban đỏ, hoa ban trắng.

Đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều lễ hội văn hóa đậm bản sắc vùng miền. Trong đó, đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước sẽ tái hiện Lễ Crac Băr mêy (mừng cơm mới). Lễ cúng cơm mới của đồng bào diễn ra 1 năm/lần, thứ không thể thiếu là bó lúa giống, tượng trưng cho hồn lúa. Lễ vật tươm tất được đồng bào rước từ nhà chủ tế đến kho lúa để cúng với nhiều nghi thức truyền thống, kết hợp với múa cò độc đáo trong tiếng trống, cồng, chiêng vang vọng. Sau phần lễ là giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian và giới thiệu ẩm thực truyền thống của dân tộc X’tiêng.

Đồng bào cũng mang đến chương trình dân ca dân vũ chủ đề: “Men say cao nguyên” với các màn độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc như trống, cồng chiêng; kèn lá, đàn đá; sáo tre; kèn bầu; kèn sừng trâu...

Đặc biệt, đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek) giới thiệu, trình diễn trang phục, trang sức bạc truyền thống chủ đề “Hương sắc bazan”. Cụ thể, đồng bào trình diễn  khoảng 30 bộ gồm trang phục truyền thống, lễ hội, sinh hoạt đời thường, trang phục cưới, cách tân kết hợp trang sức bạc truyền thống. Du khách được chứng kiến đồng bào tái hiện, trình diễn, truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống từ chuẩn bị nguyên liệu, cách vót nan, tạo khung, thao tác nhiều công đoạn chế tác tác sản phẩm đan lát thủ công truyền thống. Một không gian ẩm thực, trưng bày sản vật địa phương của đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước cũng được thực hiện tại Làng.

Cũng tại Làng vào dịp này, đồng bào Thái, tỉnh Sơn La sẽ tái hiện Lễ xên bản (Xên mường). Đây là lễ hội thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ các vị thần linh đã khai sáng ra bản mường, mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng xanh tốt, cuộc sống bình yên, Sau phần nghi thức, đồng bào giao lưu dân ca dân vũ và trò chơi dân gian truyền thống, giới thiệu ẩm thực từ hoa ban, vẻ đẹp của loài hoa này qua hình ảnh người con gái Thái.

Hoa ban trong tiếng Thái nghĩa là loài hoa ngọt, mang ý nghĩa ngọt ngào, nhẹ nhàng; tượng trưng của đất trời Tây Bắc. Người con gái Thái như đại diện cho linh hồn của loài hoa. Những món ẩm thực từ hoa ban cũng chỉ có đồng bào Thái mới có.

Vào cuối tuần liên tục diễn ra chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” với các màn múa, hát về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên.

Ngoài ra, công chúng có thể trải nghiệm chương trình du lịch tại không gian Khu các làng dân tộc. Ví dụ như tại cụm các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao là trải nghiệm ẩm thực làm bánh truyền thống, chế tác đàn tính, nghề thuốc nam và quy trình nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc Mông... Tại cụm các làng dân tộc Mường, Lào, Khơ Mú, Thái sẽ là giới thiệu di sản xòe Thái, vũ điệu kết đoàn, chiêng Mường, điệu múa au eo…; cụm làng dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng sẽ có trải nghiệm về âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, âm nhạc tre nứa, dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia...

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=346
Quay lên trên