Dạy nghề cho học sinh khuyết tật tại Trung tâm Dạy nghề người tàn tật tỉnhKế thừa truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc Việt Nam “Thương người như thể thương thân”, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến những người thiệt thòi trong xã hội, nhất là đối với trẻ em. Vì thế, để trẻ khuyết tật (KT) được hòa nhập với cộng đồng là trách nhiệm chung của toàn xã hội, dù vẫn còn những khó khăn nhất định, nhưng với sự nỗ lực từ nhiều phía, tỉnh Bình Dương cũng đang từng bước xây dựng, thực hiện chính sách và biện pháp nhằm giúp đỡ người KT nói chung và trẻ em bị KT nói riêng vượt qua khó khăn để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng.
Nỗ lực cho trẻ được hòa nhập
Vừa rồi, đến Trung tâm điếc huyện Thuận An, gặp sơ Trịnh Thị Đào, Hiệu trưởng nhà trường, sơ bảo với chúng tôi: “Thời gian trước, có nhiều em tại trung tâm được nhận vào các trường để học hòa nhập nên chúng tôi thấy rất vui. Thế nhưng, để theo kịp với các học sinh tại các trường bên ngoài đối với các em KT quả thật không đơn giản chút nào, nhất là những em bị tật khiếm thính như ở đây. Để các em được học hòa nhập bên ngoài, giáo viên chúng tôi rất vất vả, mỗi em phải có một hoặc hai giáo viên kèm cặp liên tục mới có thể theo kịp, mà giáo viên ở trường thì lại thiếu, các cô còn phải tập trung cho những em khác nữa. Vì vậy, chúng tôi phải đắn đo, tính toán rất nhiều khi cho trẻ đi học hòa nhập. Hiện tại, nhà trường có một em là em Nguyễn Tiến Thế đang được học hòa nhập tại lớp 8, trường THCS Bình Hòa. Để được học hòa nhập với các bạn bên ngoài, bản thân Thế, gia đình cũng như các thầy cô giáo của cả hai trường đã nỗ lực rất nhiều”.
Được biết dự án giáo dục “Tăng cường hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ KT” đã được Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) triển khai rộng rãi từ năm 2006. Dự án hướng tới mục tiêu tăng cường giúp đỡ và hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ KT, tạo điều kiện cho trẻ KT sớm hòa nhập cộng đồng và được định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giáo dục hòa nhập trẻ KT. Bình Dương là một trong những địa phương thực hiện tốt dự án này. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.786 trẻ em bị KT. Trong thời gian qua, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các trẻ em KT có cơ hội hòa nhập với các bạn cùng trang lứa, được đối xử bình đẳng và được chăm sóc tốt hơn. Nhờ được phát hiện sớm, được can thiệp sớm, nhiều trẻ KT đã có những tiến bộ đáng kể về nhận thức, ngôn ngữ, thể lực, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng cá nhân và xã hội... giúp các em có thể học hòa nhập tại trường mầm non và tiểu học. Số lượng trẻ KT được học hòa nhập ngày càng tăng. Nhiều phụ huynh có trẻ KT rất xúc động khi con em mình được học tập vui chơi với các bạn cùng trang lứa, nhiều trẻ KT sau bậc học mầm non đã vào học tiểu học và các cấp học cao hơn trước khi trở thành những công dân có ích trong xã hội.
Theo ông Trần Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT: “Qua 3 năm triển khai, dự án đã nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn ngành GD-ĐT. Mô hình giáo dục này đã nâng cao vai trò và cộng đồng trách nhiệm của toàn xã hội; trong đó nổi bật là sự chuyển biến về trách nhiệm của các gia đình có trẻ KT, ý thức vươn lên học tập của các em học sinh và sự nhìn nhận của xã hội đối với những trẻ vốn không may chịu thiệt thòi”.
Cần sự phối hợp từ nhiều phía
Dù xã hội vẫn luôn mở rộng vòng tay để cho các em học sinh được đến lớp, được hòa nhập với các bạn cùng trang lứa nhưng thực tế không ít trường hợp vẫn đang phải đứng ngoài cổng trường vì nhiều lý do khác nhau. Chị Nguyễn Thị Hải Yến, phụ huynh của một học sinh KT tại Thuận An tâm sự: “Theo tôi, để các em được hòa nhập tốt với cộng đồng thì trước hết phải tạo cho các em một niềm tin về chính bản thân mình. Chứ ngay cả những người thân thiết nhất với các em mà cũng không tin tưởng, khuyến khích các em thì làm sao các em có thể thoát khỏi những tự ti, mặc cảm. Trường hợp của con trai tôi là một ví dụ, trước đây thấy cháu không được lành lặn như con người ta, bản thân tôi rất mặc cảm. Đã vậy, lúc nào chúng tôi cũng bảo bọc cháu trong vòng tay của mình, không dám cho cháu ra ngoài chỉ sợ cháu không được an toàn. Nhưng khi nghe bác sĩ khuyên cho cháu đi học lớp can thiệp sớm, chúng tôi đã thấy cháu thay đổi rõ rệt. Từ một đứa trẻ thụ động cháu đã trở nên lạc quan hơn rất nhiều. Điều mong mỏi của hầu hết các gia đình có trẻ KT như chúng tôi là được trang bị kiến thức về giáo dục chuyên biệt cho trẻ KT để có thể phối hợp tốt với nhà trường trong công tác giáo dục trẻ”.
Gia đình và nhà trường cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ để việc thực hiện hòa nhập trẻ KT được tốt hơn. Ngoài ra, cũng cần có sự quan tâm hơn nữa đến chế độ chính sách cho đội ngũ làm công tác hòa nhập tại các trường ở các bậc học, tạo sự chuyển biến tích cực về mặt nhận thức trong cộng đồng về KT nói chung và hòa nhập trẻ KT nói riêng.
Sơ Trịnh Thị Đào thì cho rằng: “Để giáo dục hòa nhập trẻ KT, ngoài nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các kiến thức thì giáo viên phải xác định được trách nhiệm và nâng cao lòng yêu nghề, chức năng “mẹ hiền” của mình. Chỉ có yêu nghề và thương yêu các em thì mới giúp các em nhanh chóng hòa nhập được. Bản thân các trường cũng phải bố trí những giáo viên có khả năng phù hợp để giáo dục trẻ KT, quan tâm hơn nữa đến nhu cầu hòa nhập của các em. Thật ra, việc giáo dục hòa nhập trẻ KT không quá khó nhưng điều quan trọng phải biết nhìn đúng người và dạy đúng phương pháp”.
Dù vẫn còn không ít khó khăn nhưng trong thời gian tới nếu tiếp tục nhận được sự đồng tình ủng hộ của các ngành, các cấp và sự nỗ lực từ gia đình, nhà trường và bản thân các em KT thì mô hình giáo dục này sẽ thực sự giúp cho các em hòa nhập với cộng đồng.
NGỌC THANH