Họa sĩ Đoàn Việt Tiến: Kỷ lục gia vẽ... ngược!

Cập nhật: 26-04-2011 | 00:00:00

Từng là một người lính chiến đấu ở chiến trường Campuchia, anh trở về đời thường với nhiều thương tật và cuộc mưu sinh nhọc nhằn. Bằng nghị lực và quyết tâm, anh đã rèn luyện và có được những khả năng kỳ dị như: vẽ hình ngược bằng tay trên kính, thông qua con cháu đang sống vẽ chân dung người đã khuất...

Anh là Đoàn Việt Tiến, sinh năm 1961, quê ở xã Phú Đức, huyện Châu Thành, Bến Tre, nhưng nhiều năm nay anh đã chuyển lên sinh sống ở trong con hẻm nhỏ của đường Phan Văn Hớn, Q.12, TP.HCM. Anh là người giữ kỷ lục về vẽ ngược bằng tay duy nhất ở Việt Nam và có lẽ cả thế giới. Cùng lúc, Đoàn Việt Tiến cũng giữ luôn kỷ lục là người vẽ ngược bằng tay về Bác Hồ trên kính nhiều nhất.

Từ cậu bé đam mê  hội họa

 

Những bức tranh của anh Tiến tại Bảo tàng Hồ Chí Minh được nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ghé tham quan

Thuở sống ở quê nhà Bến Tre, cậu bé Đoàn Việt Tiến cùng gia đình sống trong cảnh bom đạn của chiến tranh ác liệt. Hầu như ngày nào gia đình anh và đồng bào cũng sống trong cảnh phải chạy tránh bom đạn. Lo cho tính mạng gia đình, cha anh cõng anh qua sông Tiến cùng gia đình nương náu ở chợ Vòng Nhỏ, rồi chợ Cầu Dầu (nay thuộc phường 6, thành phố Mỹ Tho) ăn học. Lên bảy, tám tuổi Tiến đã kéo xe củi, rồi đi bán bánh mì kiếm tiền phụ cha mẹ. Sáu tuổi, Tiến đã có năng khiếu hội họa. Cậu thường vẽ hình về những nhân vật lịch sử hay những cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu... Năm 1970, cả gia đình Tiến trở về quê ngoại ở Bến Tre sinh sống. Chính nơi đây, lần đầu tiên cậu bé Tiến vẽ hình Bác Hồ qua lời kể của cha mình rồi tưởng tượng ra mà vẽ. Sau này, khi có một nhóm bộ đội miền Bắc vào đóng quân ở nhà Tiến, có một chú bộ đội mang hình Bác Hồ và đưa cho Tiến vẽ thử. Vẽ xong, ai cũng trầm trồ là Tiến vẽ rất giống Bác. Kỳ lạ thay là so với những bức tranh Tiến tự vẽ bằng trí tưởng tượng trước đó thì hình của Bác cũng không khác nhau mấy. Từ đó, Tiến đam mê vẽ hình Bác Hồ và vẽ chân dung các chú bộ đội mà cậu gặp.

Bảng xác lập kỷ lục của anh Tiến

 

Anh Tiến đang vẽ tranh Bác Hồ

Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra lúc Đoàn Việt Tiến vừa học xong lớp 12. Như nhiều thanh niên yêu nước thời đó, anh tình nguyện đi chiến trường Tây Nam. Ở chiến trường, ngoài nhiệm vụ của một người lính trinh sát, Đoàn Việt Tiến lại giải trí bằng thú vui ký họa những trận đánh của đơn vị, vẽ chân dung đồng đội, vẽ Bác Hồ tặng cho đồng đội... Anh vẽ trên mọi chất liệu mình có, từ giấy bao thuốc lá, vỏ cây tràm... Bút vẽ là bút bi hoặc than cây đốt lên, mộc mạc vậy nhưng những bức vẽ của anh đều rất có hồn, sinh động. Có lẽ do những bức tranh được vẽ bằng cả tấm lòng dành cho Bác và đồng đội, bằng tất cả niềm đam mê hội họa của anh.

Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nam, Đoàn Việt Tiến nhiều lần đối diện với cái chết. May mắn sao, anh sống sót trong gang tấc trước mũi đạn của kẻ thù. “Có lần, tôi cùng hai người bạn được phái đi trinh sát trong một trận đánh với Pôn-pốt. Hai người bạn đi trước, tôi đi sau họ mấy bước chân. Phía sau là đội hình đơn vị đang hành quân nhưng ém lại, chờ tin tức trinh sát của chúng tôi. Đang đi, bất ngờ, chúng tôi gặp hai tên lính Pôn-pốt đang đi lên trước, phía sau là đội hình của địch đang hành quân. Chúng tôi phán đoán địch có ý định bao vây, tiêu diệt đơn vị chúng tôi. Khi chỉ cách địch khoảng 20m, chúng phát hiện ra chúng tôi. Địch và chúng tôi cùng nổ súng. Hai người bạn của tôi trúng đạn ngã xuống, tôi may mắn nằm xuống kịp thời nên thoát chết. Lần khác, tôi bị thương và lạc trong rừng sâu, không có nước, lương thực cạn kiệt. Tôi phải uống sương cầm cự, chờ mong đơn vị tìm thấy. Mãi sau, tình cờ vợ chồng người Campuchia đi rừng nhìn thấy tôi, họ mang tôi về nhà cứu chữa. Hơn một tuần lễ, tôi mới hồi phục” - Đoàn Việt Tiến kể lại.

Đến kỷ lục gia Việt Nam

Năm 1984, anh giải ngũ trở về quê nhà. Năm 1989, anh tham gia Hội Cựu chiến binh Việt Nam và lại vẽ như một niềm đam mê, như một sở thích và cũng để mưu sinh. Anh đi vẽ dạo ở khắp các chợ của đồng bằng sông Cửu Long. Khi chợ tan, anh lại về. Tranh anh vẽ chủ yếu là chân dung của những người đi chợ thuê anh vẽ. Nhưng công việc đó không nuôi sống nổi anh, vợ con và mẹ già. Cuộc sống gia đình anh luôn chật vật, túng thiếu. Không chịu nổi cảnh đó, vợ anh đã bồng con trai bỏ đi. Đối với anh, đó là một nỗi đau khó phai trong lòng. Cho đến giờ, tin tức về vợ con anh vẫn bặt tăm. Và có lẽ, đó cũng là cái nấc cuối của sự cùng khổ của đời anh. Nhưng cuộc đời nhiều lúc vẫn công bằng, hay đó là sự đền đáp cho những ai không hề đầu hàng trước nghịch cảnh của số phận.

Và cuối cùng số phận đã đền đáp cho Đoàn Việt Tiến, đền đáp cho tấm lòng của anh với mọi người và cuộc đời này, đền đáp cho niềm đam mê vẽ, đam mê khám phá không ngừng của anh, đã mở ra một trang đời mới cho anh. Rạng rỡ, sáng sủa hơn, ấm áp hơn. Đó là khi sau một cơn mưa, anh tình cờ thấy một tấm kính nơi gốc dừa, cạnh căn chòi lá lụp xụp của anh, óng ánh lung linh lên muôn màu sắc dưới ánh mặt trời. Anh nghĩ bụng: Nếu mình vẽ tranh trên kính chắc là sẽ đẹp hơn và chắc chắn nó cũng sẽ bền hơn là vẽ trên vải hay giấy. Nghĩ là làm, anh mang tấm kiếng đi chùi rửa thật sạch, rồi hì hụi vẽ màu lên với ý định sẽ vẽ chân dung Bác Hồ là loại tranh anh như thuộc nằm lòng.

Nghĩ thì dễ, nhưng khi vẽ bằng cọ lên kính, do mặt kính trơn cây cọ cứ tuột đi, màu nhòe ra, không rõ hình dáng, màu sắc gì cả. Sau nhiều lần thất bại, một lần anh chợt nghĩ tại sao mình không thử dùng tay vẽ. Vậy là anh dùng các ngón tay chấm màu vẽ lên kính. Lạ thay, với cách vẽ này màu rất ăn, nét vẽ không nhòe nữa. Bức tranh về Bác dần hiện ra khá chuẩn. Bức hình đầu tiên đó anh vẽ vào ngày 19-5-1999 đã được anh tặng cho ông Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, Bến Tre. Sau nhiều lần thử nghiệm và luyện tập, anh đã có thể dùng cả hai tay chấm màu vẽ lên kính rất thuần thục. Các ngón tay và cả móng tay của anh đều có thể vẽ và mỗi bộ phận giữ một vai trò riêng biệt khi vẽ. Quá trình khổ luyện đó mất 10 năm trời. Thậm chí hiện nay anh còn có thể biểu diễn vừa nghe nhạc mà hai tay cùng lúc vẽ hai chân dung khác nhau. Khả năng này của anh đã được Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khảo nghiệm.

Nghe tin về anh vẽ hình Bác Hồ trên kính rất đẹp, năm 2000, Bảo tàng Hồ Chí Minh tại TP.HCM đã đến Bến Tre khảo nghiệm và trao tặng kỷ vật cho anh. Sau đó, lãnh đạo bảo tàng đề nghị anh đến bảo tàng này vẽ tranh về Bác. Sau 100 ngày đêm miệt mài làm việc, anh vẽ được 30 bức tranh với chủ đề về sự nghiệp và cuộc đời hoạt động của Bác. Trong đó có những bức như: Bác Hồ đang chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác ở căn cứ Việt Bắc, Bác đọc Tuyên ngôn độc lập... Những bức tranh đó đã được bảo tàng triển lãm vào ngày 3-2-2001.

Tiếp đó, Bảo tàng Tôn Đức Thắng đề nghị anh vẽ về Bác Tôn. Anh đã vẽ được 9 bức tranh về Bác Tôn. Rồi tỉnh Bến Tre mời anh về vẽ Bác Hồ với nhân dân lao động, Bác Hồ trong đời thường. Rồi Viện Bảo tàng Quân khu 9, Viện Bảo tàng Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng mời anh vẽ về Bác. Anh còn vẽ lãnh tụ của Cuba Phidel Castro, nhà cách mạng quốc tế Che Guevara tặng cho Nhà nước Cuba... Khả năng vẽ trên kính của anh đã được xác lập kỷ lục Việt Nam. Ngoài ra, anh còn có khả năng nhìn vào con, cháu của người đã khuất mà vẽ chân dung người đó rất giống. Khả năng này cũng được Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam khảo nghiệm vào ngày 27-7-2007. Sau đó, cố giáo sư - viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng đã mời anh vẽ chân dung các vua Hùng và nhà vua Việt Nam. Anh đã vẽ được 28 bức chân dung về các vị vua.

NGUYỄN VĂN THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên