Đến nay, họa sĩ (HS) Lê Khánh Thông, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã có thâm niên 50 năm trong nghề. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, hàng năm HS “vẫn sáng tác đều đặn để có tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm khu vực và toàn quốc”... Họa sĩ Lê Khánh Thông (thứ hai, bên trái) vinh dự được gặp và nghe Bác Hồ kể chuyện năm 1964
Mỹ thuật - cái nghiệp đam mê
Điều ấn tượng đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được từ ông đó là lòng đam mê sáng tạo nghệ thuật. Ở cái tuổi “thất thập cổ lai hi” rồi nhưng cái máu nghệ thuật ấy luôn được thắp lửa bằng những tác phẩm đều đặn ra đời hàng năm.
Ông đến với mỹ thuật như một cơ duyên. Đó là vào năm 1959, khi ông đang học cấp III thì nghe tin trường Trung cấp Mỹ thuật Hà Nội tuyển sinh. Vốn thích vẽ từ nhỏ nên ông đăng ký thi và đã trúng tuyển ngay lần thi đầu tiên này. Nhận giấy báo trúng tuyển, ông khăn gói ra Hà Nội học. Năm 1963, với tấm bằng loại ưu, ông được giữ lại công tác ở Khu triển lãm Trung ương thuộc Bộ VHTT. 2 năm sau, Bộ VH-TT quyết định chọn một số văn nghệ sĩ cử vào Nam công tác đặc biệt, trong đó có ông. Ông kể: “Nhiệm vụ của tôi là phục vụ cho báo Mặt trận Dân tộc Giải phóng. Thế nên, trên đường hành quân tôi vừa vẽ tranh ký họa vừa tham gia viết báo. Thời đó tôi chủ yếu vẽ tranh cổ động ở vùng địch tạm chiếm tại Huế để tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh, rồi đến các đơn vị chiến đấu viết bài về những tấm gương chiến sĩ...”.
Sau ngày Huế giải phóng, ông ra Bắc tiếp tục học lên Đại học Mỹ thuật để nâng cao năng khiếu và trình độ. Năm 1979, ông ra trường và trở thành cán bộ giảng dạy mỹ thuật tại Hà Nội và tỉnh Hà Tĩnh. Mãi đến năm 1992, ông mới vào nhận công tác tại trường Trung cấp Mỹ thuật Bình Dương. Bây giờ, Bình Dương đã trở thành quê hương thứ hai của ông. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu (từ năm 2004) nhưng ông vẫn tham gia sáng tác tại nhà. Hàng năm, ông đều có tác phẩm tham dự các cuộc triển lãm do Hội Mỹ thuật Việt Nam khu vực miền Đông Nam bộ tổ chức, triển lãm tại Hà Nội và các cuộc triển lãm do Hội VHNT tỉnh tổ chức. Trong đó có một số tác phẩm đoạt giải cao, như tác phẩm: “Đêm bình yên” đoạt giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, “Ba thế hệ đánh giặc” đoạt giải III giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ (Hội VHNT tỉnh) năm 2005... Ông chia sẻ: “Chỉ mong có sức khỏe để sáng tác thêm nhiều tác phẩm thể hiện những điều mình suy nghĩ bấy lâu. Là HS thì phải có tác phẩm và để có tác phẩm thì phải sáng tác thường xuyên. Thế nên, còn khỏe ngày nào tôi còn vẽ ngày ấy vì đó là cái nghiệp mà mình đã đeo đuổi 50 năm rồi và vẫn duy trì được qua bao khó khăn...”.
Bác Hồ trong những sáng tác của ông Tác phẩm “Bác Hồ với dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi miền Nam”a
Với ông, cuộc sống đa dạng muôn màu, muôn vẻ chính là cảm hứng để ông cho ra đời nhiều tác phẩm với nhiều đề tài khác nhau. Trong căn nhà nhỏ của ông ở phường Phú Lợi (TX.TDM), chúng tôi đã có dịp ngắm nhìn rất nhiều tác phẩm của ông về nhiều đề tài khác nhau. Từ đề tài Bác Hồ đến đề tài về chiến tranh, lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của con người, phong cảnh... Trong đó ấn tượng hơn cả là những tác phẩm về đề tài Bác Hồ. Ông tâm sự: “Năm 1964, tôi vinh dự được gặp Bác Hồ nhân dịp triển lãm 10 năm thành tựu kinh tế, đấu tranh giải phóng. Lúc đó tôi là người phụ trách đợt triển lãm này. Bác Hồ đến thăm, ngoài động viên nghề nghiệp, Bác còn căn dặn nhiều điều bổ ích cho công tác triển lãm. Bác xem từng bức tranh, đọc từng lời chú thích và nói rằng: “Làm công việc gì cũng phải gần gũi, sâu sát với dân để dân hiểu”. Lời Bác dặn tôi luôn ghi nhớ trong lòng và lấy đó làm chí hướng phấn đấu cho mình. Nhất là sau này khi vào công tác trên chiến trường miền Nam, tôi luôn nghĩ đến lời Bác dặn nên dù gặp nhiều khó khăn, thử thách nhưng tôi đều cố gắng vượt qua và ngày càng trưởng thành hơn...”.
Cũng từ cơ duyên đó, Bác Hồ đã trở thành một đề tài lớn trong cuộc đời sáng tác của ông. Trong những tác phẩm của mình, ông đã khéo thể hiện tấm lòng và tình cảm sâu sắc của Bác Hồ đối với quê hương đất nước, với người dân cũng như với những chiến sĩ cách mạng. Trong nhiều bức tranh về đề tài Bác Hồ của HS Lê Khánh Thông có lẽ để lại ấn tượng nhất là những tác phẩm: Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh (năm 1984), Bác Hồ với nông dân (1985), Gia đình Bác Hồ (1989), Bác Hồ với dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi miền Nam (2000)... Những tác phẩm này đã được ông gửi tham dự triển lãm nhiều nơi trong nước, trong đó có một số tác phẩm đoạt giải, hiện đang trưng bày tại các bảo tàng. Ví dụ như tác phẩm “Bác Hồ với nông dân” hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội; hay tác phẩm “Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh” đã được Tổng cục Bưu điện Việt Nam sử dụng để in hình trên tem. Phú Lợi, nơi không quên tội ác
Hơn 70 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề, có thể nói HS Lê Khánh Thông đã trải qua nhiều chặng đường nghề nghiệp. Những năm tháng hoạt động ở chiến trường, có những lúc tưởng như cận kề cái chết nhưng không vì thế mà ông lùi bước. Rồi những khi đứng trên bục giảng, ông lại đem cái tâm huyết nghề nghiệp của mình truyền đạt lại cho bao thế hệ học trò và cũng không quên vẽ những khi rảnh rỗi. Bây giờ, ngoài vẽ tranh tại nhà, ông còn nhận dạy kèm luyện thi năng khiếu cho các em học sinh muốn thi vào đại học kiến trúc, mỹ thuật. Ông nói: “Hầu như năm nào cũng có em thi đậu vào các trường đại học trên. Đó cũng chính là một trong những niềm vui nghề nghiệp của tôi sau khi nghỉ hưu”.
HỒNG THUẬN