Họa sĩ Lê Khánh Thông: Tranh là phản ánh sinh động cuộc sống

Cập nhật: 25-07-2014 | 00:00:00
Họa sĩ Lê Khánh Thông sinh năm 1943, quê Hà Tĩnh. Ông là thương binh 4/4, bị thương ở cả đùi phải và đùi trái. Di chứng theo ông nói là chân đau nhức, tê buốt mỗi khi trái gió trở trời. Đó là tháng 10-1967 tại chiến trường Thừa Thiên - Huế khi ông là cán bộ tuyên huấn báo chí công tác tại Báo Mặt trận dân tộc giải phóng. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, nguyên là cán bộ giảng dạy trường Mỹ thuật Bình Dương. Gia đình ông hiện sống tại số 105 Bùi Văn Bình, phường Phú Lợi, TP.TDM.  

Họa sĩ Lê Khánh Thông (phải, hàng trước) cùng các văn nghệ sĩ từng ở chiến trường Thừa Thiên - Huế

Nhấp ngụm trà nóng, họa sĩ Lê Khánh Thông kể về cuộc đời gắn với chiến trường, gắn với công tác tuyên huấn và hội họa của ông. Ông học mỹ thuật (sinh viên đồ họa) tai Hà Nội khóa 1959-1963. Ấn tượng nhất trong cuộc đời của ông là năm 1964, lớp cán bộ trẻ của ông được Bác Hồ đến thăm, động viên trước khi đi B làm cán bộ trên mặt trận văn hóa. “Đó cũng là một kỷ niệm mà tôi luôn trân quý”, họa sĩ Lê Khánh Thông chia sẻ.

Bởi thế nên khi Bác mất, ông làm bài thơ “Nhớ Bác” lúc đang ở chiến trường. Ông cùng những người bạn luôn động viên nhau làm tờ báo “Cờ giải phóng” thật tốt. Ông kể, nói là tờ báo cho oai vậy chứ thật ra tòa soạn có 4 người, trong đó ông phụ trách khâu trình bày và khắc gỗ. Những người bạn cùng thời chiến đấu ở Huế với ông còn có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Đắc Xuân, Ngô Kha… Tác phẩm của ông cũng thể hiện hình ảnh của Bác rất nhiều như: Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh (tranh bột màu, 1984); Gia đình Bác Hồ (tranh lụa, 1989), Niềm vui của dũng sĩ diệt Mỹ Hồ Văn Mên và các dũng sĩ nhỏ tuổi được gặp Bác Hồ (sơn dầu, 2000)…

Sau chiến tranh, họa sĩ Lê Khánh Thông về dạy mỹ thuật ở Hà Nội và Vinh. Năm 1992 ông mới chuyển về trường Mỹ thuật Bình Dương và nghỉ hưu năm 2004. Những giải thưởng của ông có thể kể đến như: Đêm bình yên (tranh lụa, giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2003); Ba thế hệ đánh giặc (tranh lụa, giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ năm 2005), hiện tác phẩm này trưng bày ở Bảo tàng tỉnh. Ngoài ra có một số tác phẩm mà ông tâm đắc bởi khắc họa được cảnh sinh hoạt ở Trung ương cục miền Nam như bức Nghị quyết mật đến với cơ sở mật.

Hiện, ông cùng vợ, con cháu vui thú điền viên khi tuổi đã thất thập và ông vẫn miệt mài sáng tác. Với ông, cuộc sống là “vẽ nên bức tranh thật nhẹ nhàng, bình an là vui rồi”.

 QUỲNH NHƯ 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=714
Quay lên trên