Họa sĩ Nguyễn Tấn Công: Cháy mãi tình yêu sơn mài truyền thống

Cập nhật: 27-06-2015 | 09:13:48

Tham gia đều đặn các triển lãm dành cho ngành và khu vực, tranh sơn mài của Nguyễn Tấn Công không lẫn với bất cứ ai mà mang một dáng vẻ rất riêng. Anh cho rằng đây là sản phẩm của nghề thủ công, mà đã là thủ công thì chẳng có sản phẩm nào giống sản phẩm nào. Người họa sĩ đã thổi hồn riêng vào trong mỗi tác phẩm. Với Tấn Công, sơn mài là tình yêu, là nghề và nghiệp mà anh luôn nâng niu, trân trọng. Chính tình yêu ấy đang góp phần gìn giữ truyền thống nghề sơn mài thủ công mỹ nghệ Nam bộ.

 Họa sĩ Nguyễn Tấn Công bên tác phẩm “Thiếu nữ”

Người đã nhen nhóm tình yêu sơn mài và dẫn dắt Nguyễn Tấn Công đến với sơn mài là nghệ nhân Lê Văn Hậu. Công đã được chỉ dẫn từ những kỹ thuật nhỏ nhất như cách vẽ lá dừa, lá tre… Rồi sau đó, anh tiếp cận với nghề từ sơn mài Sông Đồng, TP.Hồ Chí Minh. Quyết tâm theo đuổi nghề một cách bài bản, anh Công theo học chuyên ngành sơn mài tại trường Mỹ thuật công nghiệp Sông Bé năm 1983. Đến năm 1988, anh tiếp tục thi vào Đại học Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh để lĩnh hội kiến thức sâu rộng hơn tại khoa sơn mài chuyên ngành mỹ thuật tạo hình. Năm 2001, Tấn Công được khoa sơn mài trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương mời thỉnh giảng, rồi trở thành giảng viên chính thức từ năm 2002 đến nay.

Nói về kỹ năng sáng tác tranh sơn mài, thầy Công chia sẻ: “Để sáng tác được một tác phẩm ưng ý, người nghệ nhân cần có khả năng tạo hình tốt, tức là một tổng thể tốt. Sau đó, biết cách thêm vào những chi tiết hợp lý thì bức tranh sẽ trở nên sống động, chân thật và gần gũi nhất”. Nói theo cách dễ hiểu hơn là chỉ cần nhìn dáng của người đi trong đêm mà chúng ta nhận ra họ, đó chính là chúng ta đang phác họa được một tổng thể tốt. Sau đó, chỉ cần thêm chi tiết để chân dung người đó thêm hoàn mỹ. Với thầy Tấn Công, được truyền lại kinh nghiệm cho thế hệ đàn em, chứng kiến bao thế hệ học trò trưởng thành và có những học trò giờ trở thành đồng nghiệp, cùng chung tay gìn giữ nghề truyền thống, đó là hạnh phúc lớn.

Tận tâm với công tác giảng dạy, nhưng thầy Tấn Công cũng không quên nghĩa vụ của một họa sĩ yêu nghề, đó là sáng tác để cống hiến cho công chúng và để giữ nghề. Bên cạnh kỹ năng hội họa vững vàng, sự cảm nhận tinh tế về con người, về cuộc sống đã tạo cho Nguyễn Tấn Công một phong cách rất riêng. Anh Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài - Điêu khắc tỉnh, nhận xét: “Họa sĩ Nguyễn Tấn Công đã nâng cao bút pháp hiện thực của mình, chú trọng khai thác tình cảm, nét đẹp nội tâm, sâu lắng của nhân vật trong sáng tác...”.

Trong quá trình lao động nghệ thuật, Nguyễn Tấn Công đã gặt hái cho mình nhiều quả ngọt. Năm 2012, anh đoạt giải B triển lãm khu vực với tác phẩm “Tân Vĩnh Hiệp” về nét đẹp bình dị của nông thôn Việt Nam. Năm 2014, anh đoạt giải C triển lãm khu vực tác phẩm “Mùa vàng” cũng mang đề tài nông thôn. Tấn Công cho biết, trong suốt quá trình sáng tác, anh đã không “gả” đi bất kỳ tác phẩm nào của mình, mà thu thập và lưu giữ lại. Với anh, mỗi tác phẩm là một kỷ niệm, là nhân chứng để người họa sĩ tự đánh giá bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Hiện Tấn Công đang ấp ủ về một triển lãm nghệ thuật cá nhân. Chúc cho anh Công sẽ sớm thực hiện được ước mơ này.

 

 SONG ANH

Chia sẻ bài viết
Tags
sơn mài

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2326
Quay lên trên