Hòa thượng Ấn Long và bộ mộc bản kinh gần 130 năm tuổi

Cập nhật: 08-03-2014 | 00:00:00
Thiền sư Ấn Long là vị trụ trì đời thứ 5 của chùa Hội Khánh (TP.TDM). Trong 22 năm trụ trì tại chùa (1884-1906), ngài đã làm được nhiều công việc to lớn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của chùa Hội Khánh. Nhiều di sản mang dấu ấn của ngài hiện còn lưu tại chùa Hội Khánh, trong đó có bộ mộc bản kinh đến nay đã gần 130 năm tuổi. Hòa thượng Ấn Long tên tục là Nguyễn Thiện Quới, sinh năm Đinh Dậu (1837). Quê quán và hành trạng tu tập của ngài hiện nay ít được đề cập đến, chỉ biết năm 1884, sau khi hòa thượng Chương Đắc viên tịch (tháng 11 năm Quý Mùi - đầu năm 1884) ngài đã kế thế tinh thần của các vị trụ trì đời trước, tiếp tục xiển dương Phật giáo, xây dựng, trùng tu, tôn tạo chùa và trở thành vị trụ trì có nhiều đóng góp to lớn cho quá trình phát triển chùa Hội Khánh.

  Một mộc bản kinh

Sau khi chùa bị giặc Pháp đốt cháy vào năm 1861, đến năm 1868, hòa thượng Toàn Tánh đã cho xây dựng lại chùa Hội Khánh nhưng chỉ đến đời hòa thượng Ấn Long chùa Hội Khánh mới được trùng tu, tôn tạo lại trang nghiêm hơn và lối kiến trúc của chùa hiện nay hầu hết được tạo tác từ lần trùng tu đó. Sau khi nhận chức trụ trì, từ những năm 1886, 1887, 1888 hòa thượng Ấn Long đã vận động tín đồ ủng hộ gỗ quý để tôn tạo lại chùa Hội Khánh. Tháng 11-1891 ngài cho khởi công xây dựng lại chùa và đến năm Bính Ngọ (1906), ngài lại cho trùng tu lại ngôi bảo điện. Cũng trong năm này, vào ngày 25-10, ngài viên tịch.

Hòa thượng Ấn Long là bậc đa thông kinh luật. Trong thời gian trụ trì, ngài chủ trương đào tạo thế hệ kế thừa, giảng dạy giáo lý. Nhưng thời gian đó, sự tôn sùng Phật giáo có trong lòng dân nhưng việc truyền bá đạo Phật đến với dân chúng rất khó bởi các chùa còn nghèo, kinh sách rất hạn chế. Vào năm 1885 (Ất Dậu), hòa thượng Ấn Long đã đứng ra triệu tập Chư sơn thiền đức chứng minh cho ngài phát tâm khắc bộ mộc bản kinh Tam bảo để in ấn phát hành cho những ngôi chùa lân cận hoặc xa hơn. Có thể nói, đây là bộ mộc bản kinh được khắc in sớm nhất tại Bình Dương. Đến năm Nhâm Dần (1902), ngài lại đứng ra tổ chức trùng khắc lại bộ Tam bảo, bổ sung lại những ván khắc đã bị hư hao.

Hiện nay, số mộc bản còn lại gồm 106 tấm, trong đó có 54 tấm khắc hai mặt, 32 tấm khắc một mặt và 20 tấm khắc hình, thẻ chức vụ. Chất liệu gỗ dùng để khắc đa phần là gỗ thị. Sở dĩ dùng gỗ thị bởi đây là loại gỗ có thớ nhỏ, mịn, dẻo, khi khắc chữ gỗ đỡ bị sứt mẻ. Bên cạnh đó, gỗ thị lại bền, nhẹ, ít bị cong vênh, rất tiện lợi cho việc lưu trữ và bản khắc có thể tàng trữ cả trăm năm cũng không mọt. Văn tự khắc trên mộc bản là chữ Hán, khắc ngược để khi in ra giấy sẽ thành chữ xuôi. Để thực hiện được bộ mộc bản, nhà chùa phải cử ra một bộ phận thầy chùa viết kinh lên giấy. Miếng gỗ được đánh nhẵn hai mặt, dùng cơm dán bản viết vào, mặt chữ bên dưới, sát miếng gỗ, mặt trắng bên trên. Sau đó, lại đánh cho giấy mỏng đi cho nét thật rõ rồi dùng dao nhọn khắc. Khi in, người thợ dùng cái chổi con quét một lượt mực lên bản khắc, đặt tờ giấy lên, lấy một cái xoa bằng sơ mướp xoa thật đều. Sau đó, bóc tờ giấy ra là có một bản in.    Một mộc bản khắc cả nội dung kinh và hình Phật

Chữ Hán trên mộc bản gồm 2 kiểu chữ: một loại chữ lớn hơn, chữ chân phương, khắc trên từng cột đã được người thợ gia công trước. Kiểu chữ còn lại nhỏ hơn, chữ khắc bay bướm hơn, có nét thanh, nét đậm và khắc trực tiếp trên bản gỗ. Sở dĩ có sự khác nhau của hai loại chữ bởi mộc bản đã được khắc hai lần. Lần đầu khắc vào năm 1885 và lần thứ hai vào năm 1906. Hán tự khắc trên mộc bản dù rất nhỏ và qua nhiều lần in ấn nhưng vẫn rõ nét thể hiện trình độ điêu khắc tinh xảo của người thợ Thủ. Đặc biệt ở những bản khắc chữ nhỏ rất đẹp, khi in ra tưởng là những bản viết tay của một người hay chữ. Thực hiện công việc này có lẽ cũng là nhóm thợ đã điêu khắc những bộ tượng Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương tuyệt tác cũng được tạo tác dưới thời trụ trì của hòa thượng Ấn Long. Đó là nhóm thợ kỳ cựu đất Thủ: anh em Đường Thợ phèn và nhóm thợ Trương Văn Cang, Nguyễn Văn Ba, Nguyễn Văn Xú, Sáu Nhồng…

Bộ mộc bản hầu hết có kích thước 20x60cm, dày khoảng 2,5cm, nhiều bản có nẹp sắt hai đầu rất chắc chắn. Kinh được khắc là những bộ kinh nhật tụng (tụng hàng ngày), đáp ứng nhu cầu cần thiết của dân chúng là kinh cầu an và cầu siêu như kinh Di Đà, Hồng Danh, Phổ Môn, Bát Dương, kinh Vu Lan báo hiếu. Bề mặt mỗi tấm mộc bản có màu đen, láng bóng là dấu vết của mực còn sót lại sau mỗi lần in ấn chứng tỏ mộc bản kinh đã được sử dụng rất nhiều lần. Những bộ kinh in ra phát cho những ngôi chùa gần, xa trong tỉnh và trong khu vực. Chùa Hội Khánh trở thành trung tâm in ấn, phát hành kinh Phật, góp phần to lớn vào việc truyền bá, phát triển Phật giáo.

Ngoài nội dung chủ yếu là kinh Phật, một số bản khắc còn có cả hình Hộ Pháp, Bồ Tát, Như Lai, chư Phật hải hội, cảnh Phật… rất tinh xảo và sinh động. Có một mộc bản khắc tên của một số ngôi chùa như Quang Hoa tự, Phước Hưng tự, Phước Sơn tự…; tên của các vị đại sư: Minh Vạn đại sư, Phước Ân đại sư, Chân Phụng đại sư…; tên và pháp danh của một số đệ tử: Lê Thị Phi pháp danh Diệu Tâm, Nguyễn Văn Nhật pháp danh Từ Đăng, Trần Văn Tốt pháp danh Chân Liễu… có lẽ đây là những phật tử, đại sư và những ngôi chùa đã có công đóng góp xây dựng chùa. Ngoài ra cũng có một số bài chú, những bản sớ điệp, một vài bài vị, hoa văn, giấy tiền, đồ mã dùng trong nghi thức cúng của Phật giáo.

Sau này, khi ngành in phát triển, phương pháp in kinh bằng mộc bản không được thực hiện nữa. Sau thời gian gần 130 năm, do điều kiện bảo quản không được tốt, nhiều mộc bản đã bị hư hại và thất lạc. Đến đời hòa thượng Thích Huệ Thông trụ trì (từ năm 1988), ngài đã cho kiểm kê, loại bỏ những mộc bản đã hư hại và xếp những mộc bản còn lại ngay ngắn trong kho. Tuy không có hệ thống bảo quản chuyên nghiệp nhưng những mộc bản đã được xếp trên giá cao, tránh sự tiếp xúc với đất gây ẩm mốc và mối mọt.

Không chỉ lưu truyền nội dung kinh Phật, đáp ứng yêu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, mộc bản kinh còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tinh xảo, thể hiện sự tài hoa của người Việt nói chung, của lớp nghệ nhân thợ Thủ nói riêng. Mộc bản kinh ẩn tàng những bí quyết trong nghệ thuật chạm khắc gỗ hai thế kỷ trước, giúp cho việc nghiên cứu, so sánh kỹ thuật của từng thời kỳ, của từng địa phương. Bên cạnh đó, đây còn là nguồn tư liệu quý giá cho việc nghiên cứu sự phát triển của ngôn ngữ Việt. Và khi phương pháp chế tác khắc in mộc bản truyền thống ngày càng thất truyền thì việc lưu trữ, bảo quản kho mộc bản trên càng là công việc có ý nghĩa.

Hòa thượng Ấn Long - Thiện Quới đã viên tịch cách nay hơn 100 năm nhưng những công việc mà ngài đã làm thật có ý nghĩa cho việc xây dựng chùa Hội Khánh thành một trung tâm Phật giáo của cả tỉnh. Những di sản mà ngài để lại góp phần làm phong phú cho kho tàng di sản văn hóa cho Phật giáo nói riêng, cho văn hóa tỉnh nhà nói chung.

 ĐỖ THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên