Hòa thượng Thích Nhuận Tâm: “Trăm năm có một tấm lòng...”

Cập nhật: 31-12-2010 | 00:00:00

Tôi không phải là một phật tử, lẽ sắc - không của Phật gia với tôi cũng quá nhiệm mầu, khó thông đạt. Nhưng khi gặp HT Thích Nhuận Tâm, được biết và tìm hiểu về những việc làm của ông, tôi chợt ngộ ra nhiều thứ về thế sự, nhân sinh. Như lời một bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “sống trong đời sống cần có một tấm lòng...”. Lại chợt nhớ hai câu thơ từng đọc ở đâu đó: “Cuộc đời sắc sắc không không/ Trăm năm có một tấm lòng mà thôi”. Những lời đó, như vận vào HT Thích Nhuận Tâm vậy.

Dạy học miễn phí

Thầy Thích Nhuận Tâm, tên thật là Huỳnh Kính, quê ở xã Tam Mỹ, huyện Núi Thành, Quảng Nam. Ông mộ đạo và đi tu từ nhỏ. Lưu lạc vào Nam, học xong khoa Ngữ văn - trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM) nhiều năm hành đạo ở nhiều chốn, ông về dựng lên ngôi chùa Lá và hành đạo tại đó. Thời đó, vùng đất làm chùa này còn hoang vu, hẻo lánh. Rất nhiều người dân lao động nghèo tìm tới đây cất nhà ở. Hoàn cảnh khó khăn của họ khiến con cái không có điều kiện đi học và bị mù chữ. Động tâm trắc ẩn, HT Thích Nhuận Tâm liền mở một lớp học dạy chữ miễn phí và vận động mọi người cho con em tới học. Cảm động trước tấm lòng của ông, họ liền đem con mình tới nhờ ông dạy. Lớp học ngày một đông, chùa thì chật chội nên không đủ chỗ. Về sau, nhờ một số người hảo tâm đã mua tặng ông mảnh đất nhỏ trước chùa, xây nhà cấp 4, để ông làm lớp học. Đó cũng là bước đệm để sau này, HT quyết định mở trung tâm dạy ngoại ngữ miễn phí cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn (khai trương ngày 17-12-2010).

  Hoà thượng Thích Nhuận Tâm đang viết thư pháp tặng phật tửHiện trung tâm có khoảng 300 học viên, dạy nhiều ngoại ngữ Anh - Pháp - Đức - Hoa - Nhật. Giáo viên dạy cho các em là những giảng viên có uy tín đến từ các trường đại học, trung tâm ngoại ngữ trong TP.HCM. Mỗi tháng nhà chùa trả cho các

giảng viên từ 1,5 - 2 triệu đồng. Những ai không lấy thù lao mà phát tâm thiện nguyện thì HT bỏ số tiền đó vào quỹ từ thiện của chùa. “Lý do của việc trả tiền dạy cho giảng viên là vì tôi muốn họ dạy có trách nhiệm, thường xuyên hơn với lớp. Vì nếu họ không lấy tiền thì họ thích thì dạy, không thì thôi, không có gì ràng buộc họ cả, như vậy thì làm ảnh hưởng đến việc học của các em khiến việc học không hiệu quả” - HT Nhuận Tâm chia sẻ.

Lý giải về việc mở trung tâm này, HT Thích Nhuận Tâm nói: “Các em học sinh, sinh viên ở các tỉnh lên học đa phần là có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế. Việc lo đủ tiền học phí theo học đại học đã là một nỗi lo lắng lớn của gia đình rồi. Để có tiền đi học ngoại ngữ, với các em là khó thực hiện. Do vậy, tôi nghĩ ra việc mở những lớp dạy ngoại ngữ miễn phí cho các em. Trong thời buổi hội nhập này, việc sử dụng ngoại ngữ là vô cùng cần thiết, hữu ích. Nếu các em có vốn kiến thức chuyên môn cộng với khả năng ngoại ngữ nữa thì sẽ giúp ích rất nhiều cho các em”. Ngoài các lớp này, HT còn mở nhiều lớp dạy vẽ thư pháp, hội họa, âm nhạc...

Làm thơ cho... đá

Với tâm nguyện đi tu không phải là vì bi quan, chán đời, yếm thế mà đi tu là để “có điều kiện chân rảnh, tay rỗi, không ràng buộc để lo những việc phụng sự cho đời, cho người”, HT Thích Nhuận Tâm đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - văn nghệ, những chuyến cứu trợ hầu khắp đất nước. Từ khi ông còn hành đạo ở chùa Lá hoang sơ, những việc thiện nguyện của ông đã được tổ chức nhiều lần, thu hút được nhiều Mạnh Thường Quân. Nhiều năm nay, ông cùng một số bằng hữu văn nghệ sĩ, như các nhà thơ: Nguyễn Tam Phù Sa, Trần Từ Duy, Bích Hữu Hồ, Lê Triều Điển... tổ chức các sự kiện văn nghệ, trưng bày đá cảnh do ông sưu tập và bán lấy tiền làm từ thiện. Mỗi năm, ông “chơi” một món khác nhau. Năm thì chơi rễ tre có hình Đạt Ma Sư tổ, năm thì chơi gỗ thiên nhiên, chơi đá cảnh.

Chơi đá cảnh nhiều năm, ông nhận thấy chúng có sự biến hóa. Mỗi viên đá cảnh đều mang nhiều sắc thái khác nhau, riêng biệt. Thưởng ngoạn đá cảnh lâu năm, ông như nghe ra ngôn ngữ của chúng. Và mỗi khi nhặt được viên đá nào, HT Thích Nhuận Tâm đều nhìn ra, gán cho chúng một hình tượng và làm thơ tặng đá. “Ví dụ khi tôi nhặt được viên đá có hình Quan Âm Nam Hải, tôi thốt lên hai câu thơ: “Cưỡi trên sóng gió biển mê/ Cứu người thoát khổ đưa về tự tâm”. Đá cảnh có nét đẹp bi hùng và trầm mặc. “Hồn của đá một đời thầm lặng/ Dẫu thăng trầm dâu bể vẫn an nhiên”. Hoặc khi tôi nhặt được hòn đá có hình trái tim, tôi liên tưởng đến trái tim của Bồ Tát Thích Quảng Đức và bật ra hai câu: “Lửa tam muội tắt hận thù/ Trái tim Bồ Tát thiên thu sáng ngời”. Không chỉ làm thơ cho những hòn đá có dính dáng đến tích phật, ông còn làm thơ về những hòn đá thiên nhiên đẹp. Chẳng hạn, bài viết về hòn đá hình hoa hồng: “Dâng tặng người một đóa hồng sỏi đá/ Trổ màu vô sắc hóa hư không” - HT Nhuận Tâm tâm sự.

Đến nay, ông đã có hàng trăm tác phẩm đá cảnh. Một số tác phẩm ông đã bán làm từ thiện. Năm 2007, ông bán đấu giá bình tre tại Đà Lạt; năm 2009, ông cùng bạn bè văn nghệ sĩ tổ chức bán tranh, thư pháp tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM ủng hộ cho các nạn nhân bị bệnh hiểm nghèo... Sắp tới, nghe đâu, ông lại tổ chức Lễ hội hát bài chòi ở TP.HCM nữa.

“Ai hay một tấm lòng vàng...”

Ở quê, ông được cho đất mở Khu văn hóa tâm linh tại Xen Thơm, xã Tam Mỹ. Ông cũng tiết lộ, đang tiến hành làm hồ sơ, thủ tục để mở Trung tâm cai nghiện và dạy nghề cho người sau cai nghiện ở Cần Giờ. Đất để xây dựng trung tâm này do bác sĩ Nguyễn Thị Hường, hiện công tác tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM tặng. HT Thích Nhuận Tâm bộc bạch: “Đây sẽ là mô hình cai nghiện mới, cai nghiện theo phương pháp của tôi. Tôi sẽ nhận khoảng 5 - 10 em và dạy các em học võ. Đêm thì học khí công, dạy cho các em một lý tưởng sống, nhận ra giá trị của cuộc sống để giúp các em có nhận thức, tinh thần, quyết tâm từ bỏ ma túy. Ngoài ra, các em sẽ học thiền, tập Yoga và tuyệt thực trong 10 - 15 ngày. Việc tuyệt thực là để giúp các em thải các chất độc ra khỏi cơ thể, giúp thải cả chất gây nghiện luôn”.

Một bài báo không đủ nói lên hết những việc làm đức hạnh của HT Thích Nhuận Tâm. Xin mượn lời thơ của bằng hữu ông, nhà thơ Bảo Trì làm tặng ông để khép lại bài viết này: “Lá dừa chưa đủ che mưa/ Mà đạo hạnh đã trải thừa trần gian/ Ai hay một tấm lòng vàng/ Gấp trong manh áo đại tràng - Nhuận Tâm”.

NGUYỄN VĂN THỊNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1140
Quay lên trên