Đất lửa nở hoa
Trong những ngày tháng 8 lịch sử này, có về các huyện, thị của Bình Dương thì mới thấy được sự thay đổi đến kỳ diệu từ tác động của các KCN đến đời sống kinh tế - xã hội. Điều mà 10 năm về trước có nói cũng khó tin, giờ thì hoàn toàn khác, những nơi từng là đất lửa xưa giờ là những KCN hoành tráng đang phát huy hiệu quả thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.
KCN Việt Nam - Singapore I (VSIP I) là biểu tượng của tình hữu nghị hợp tác phát triển của 2 nước Việt Nam và Singapore; KCN Mỹ Phước 1,2,3, Bàu Bàng, Việt Hương; Nam Tân Uyên và Đất Cuốc... đang góp phần làm cho CN phát triển và làm thay đổi diện mạo của địa phương. Còn ý nghĩa hơn khi những vùng đất này, một thời là đất lửa đã lưu vào sử sách như Chiến khu Thuận An Hòa, Chiến thắng Bàu Bàng, Địa đạo Tam giác sắt, Chiến khu Đ...
Trên vùng đất Bến Cát anh hùng, công nghiệp và đô thị đang phát triển mạnh. Trong ảnh: Một góc KCN Bàu Bàng
Trước hết ở Thuận An, nơi Chiến khu Thuận An Hòa kiên cường sát nách địch ngày xưa giờ đây đã hình thành nên các KCN sớm nhất của tỉnh. Trong đó, KCN VSIP I được khởi công xây dựng năm 1996 với quy mô 500 ha, qua 15 năm phát triển, VSIP I đã trở thành một trong những KCN kiểu mẫu của cả nước và rất thành công về thu hút đầu tư nước ngoài. Đến nay, KCN này lấp đầy diện tích với trên 220 nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD. Kế cận VSIP I là KCN Đồng An 1, KCN đầu tiên của cả nước do thành phần kinh tế tư nhân đầu tư có quy mô 138,7 ha được thành lập từ năm 1996 cũng có kết quả tốt. Đến nay, KCN này đã lấp đầy 100% diện tích với 120 doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước đang hoạt động sản xuất - kinh doanh, tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD và hơn 2.500 tỷ đồng. Cách đó không xa, các KCN Sóng Thần cũng đạt hiệu quả tốt trong thu hút đầu tư để phát triển CN.
Nếu ở Thuận An có VSIP 1, Đồng An 1 thì tại Bến Cát, nơi mà quân và dân ta làm bạt vía quân thù ngày trước với những trận đánh ác liệt, giờ đây 2 bên đường là những KCN Mỹ Phước bề thế. Từ KCN Mỹ Phước 1,2,3,4 đến KCN Bàu Bàng có tổng diện tích quy hoạch gần 6.600 ha do Becamex IDC làm chủ đầu tư; hiện các KCN này thu hút gần 400 dự án đầu tư nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý, Mỹ... với tổng vốn đầu tư gần khoảng 3 tỷ USD. Cũng trên địa bàn Bến Cát, hướng về An Tây, nơi địa đầu chiến tuyến với Địa đạo Tam giác sắt trung dũng ngày nào, nay CN đang bắt đầu khởi sắc với một số KCN đang phát triển. Trong đó có KCN Việt Hương 2 diện tích 250 ha được thành lập năm 2004 do Công ty Cổ phần Phát triển Việt Hương làm chủ đầu tư, hiện KCN này đã thu hút 35 dự án đầu tư ngoài nước với vốn đăng ký 330 triệu USD và 2 DN trong nước với vốn hơn 85 tỷ đồng. Kế cận KCN Việt Hương 2, KCN An Tây và Rạch Bắp đang triển khai và hứa hẹn nhiều triển vọng thu hút đầu tư.
Không chỉ có Thuận An, Bến Cát, trên địa bàn đất lửa Tân Uyên ngày nào, nơi có Chiến khu Đ anh dũng và kiên cường ngày ấy bây giờ cũng khác. Những nhà máy, công ty mọc lên ngày càng nhiều với cả ngàn DN trong và ngoài nước được cấp phép đầu tư đang góp phần đưa Tân Uyên chuyển mình từ kinh tế thuần nông sang CN. Trong đó, các KCN trên địa bàn huyện như Đất Cuốc, Nam Tân Uyên tuy mới đi vào hoạt động nhưng bước đầu cũng đạt kết quả tốt. Tại KCN Đất Cuốc, được thành lập năm 2007 do Công ty Cổ phần Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương làm chủ đầu tư, mặc dù thời gian qua tình hình chung không thuận lợi nhưng KCN này đã thu hút 27 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 54 triệu USD và 704 tỷ đồng, hiện đã có 16 DN đi vào hoạt động sản xuất- kinh doanh. Kế cận, KCN Nam Tân Uyên do Công ty Cổ phần KCN Nam Tân Uyên làm chủ đầu tư có diện tích 330,5 ha được cấp phép năm 2005, đến nay đã thu hút 45 dự án đầu tư trong và ngoài nước với vốn đăng ký hơn 2.110 tỷ đồng và gần 90 triệu USD. Hiện đã có 39 DN đi vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người lao động của địa phương.
Hiệu quả từ ý Đảng hợp lòng dân
Với những kết quả đạt được nêu trên, rõ ràng hoa đã thật sự nở trên đất lửa, góp phần quan trọng cho bức tranh phát triển CN tỉnh nhà và làm thay đổi diện mạo cho những vùng quê. Nếu như những địa danh như Thuận An Hòa, Bàu Bàng, Địa đạo Tây Nam Bến Cát, Chiến khu Đ... quật cường của người dân Bình Dương vẫn còn đó thì hôm nay lại sáng ngời thêm bức tranh CN năng động và phát triển. Thành công đó chính là sự kết tinh của sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu vì dân giàu nước mạnh.
Về phía chính quyền, từ thực tế đưa nghị quyết đi vào thực tiễn, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Bình Dương luôn xác định, CN là ngành kinh tế chủ lực thực hiện công cuộc CN hóa - hiện đại hóa của tỉnh. Trong đó, các KCN đóng vai trò quan trọng, tạo động lực tập trung thu hút đầu tư, phát triển CN. Trên cơ sở đó, lãnh đạo tỉnh đã có giải pháp cụ thể khai thác yếu tố thuận lợi về địa lý, chính sách cởi mở, đổi mới thủ tục hành chính công, tạo môi trường thông thoáng... Chính vì thế đã tạo tiếng thơm trong thu hút đầu tư, hấp dẫn nhiều DN trong và ngoài nước đến đầu tư vào các KCN của tỉnh, nhất là các KCN đã từng là những vùng đất lửa như trên.
Cùng với sự năng động của lãnh đạo tỉnh, đáng trân trọng biết bao trong quá trình xây dựng các KCN làm nền tảng đột phá, người dân ở những vùng đất lửa xưa biết nhìn xa trông rộng vì ích nước lợi dân, sẵn sàng bớt đi những lợi ích nhỏ để chung tay vì lợi ích lớn lao hơn, đồng thuận góp phần trong quy hoạch nhằm tạo nên những KCN bề thế trên quê hương mình làm động lực phát triển CN. Qua đó tạo thêm sự hấp dẫn với các nhà đầu tư đến với Bình Dương. Nói đúng hơn, người dân đã góp phần không nhỏ làm cho các KCN nở hoa trên những vùng đất lửa để làm rạng rỡ thêm thương hiệu “Bình Dương - mảnh đất lành trong thu hút đầu tư”.
TRỌNG MINH