Hoài cổ… hái ra tiền

Cập nhật: 22-04-2017 | 08:24:29

Quán cà phê Lanzar nằm cạnh vòng xoay cầu Sắt, phường Lái Thiêu, TX.Thuận An, lọt thỏm giữa nhịp sống sôi động của đô thị. Chủ quán là anh Trần Hùng Hòa, sinh năm 1979, rất đam mê đồ cổ. Và đồ cổ đã giúp anh có thêm cơ hội kinh doanh.

Quán cà phê Lanzar được bày trí bằng chiếc tivi trắng đen cũ kỹ, máy phát nhạc đĩa than, bàn tính gỗ… Ảnh: XUÂN VĨ

Đồ cũ nhưng… suy nghĩ mới

Quán cà phê Lanzar có diện tích hơn 10m2, chỉ đủ trưng bày vài bộ bàn ghế nhỏ. Không gian khá gò bó nhưng lại được đông đảo “tín đồ” cà phê lựa chọn. Ấn tượng của khách uống cà phê tại đây chính là những vật dụng “meo mốc” hằn lên dấu ấn của thời gian. Tại đây, món đồ ít tuổi nhất cũng gấp đôi số tuổi ông chủ quán.

Trước khi mở quán cà phê, anh Hòa đã trải qua rất nhiều nghề như bán thú nhồi bông, thợ in ấn... và “thợ đụng” (đụng việc gì có tiền là làm). Suốt quãng thời gian làm đủ thứ nghề, bao nhiêu thu nhập anh Hòa đều đầu tư vào các món đồ cũ, đồ cổ…, đến nỗi vợ anh phải nổi quạu: “Cứ ôm đồ cổ mà ngủ, khỏi lo cho vợ con”. “Nhưng lỡ dính vào đồ cổ rồi khó “cai nghiện” được lắm!”, anh Hòa vừa nói vừa cười lí lắc.

Anh tâm sự, do tuổi còn trẻ so với bậc lão niên chuyên sưu tầm đồ cổ tại Bình Dương nên anh luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi bậc cha chú đi trước. Chơi đồ cổ ngoài việc tốn rất nhiều tiền còn tiêu tốn thời gian. Bất cứ khi nào nghe tin có món đồ cũ hay hay là anh lập tức tới tận nơi “mục sở thị” cho bằng được. Mê đồ cổ nên việc anh thường xuyên xa nhà lên TP.Hồ Chí Minh hay đi các tỉnh, thành là “chuyện thường ngày ở huyện”... Khi tích lũy kha khá tài sản đồ cổ, anh Hòa chợt suy nghĩ: “Tốn kém quá nhiều cho thú vui cá nhân, đã đến lúc thú vui này phải phục vụ lợi ích kinh tế gia đình”. Thế là quán cà phê Lanzar ra đời vào năm 2016, trở thành điểm hẹn của những người “hoài cổ”. Theo anh Hòa, hiện có rất nhiều người đam mê đồ cổ nhưng vì điều kiện kinh tế chưa đủ nên khó sưu tầm đầy đủ hoặc mở tiệm kinh doanh, phục vụ người cùng “gu” đến thưởng thức.

“Tới mùa thu hoạch”

Anh Hòa giới thiệu cho chúng tôi biết về từng món đồ được trưng bày trong quán, từ bộ bàn ghế gỗ có trước năm 1975 đã hoen màu cho tới cái máy hát đĩa, máy may hiệu Singer, chiếc dĩa cổ… có tuổi hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm.

Quán Lanzar hàng ngày tiếp rất nhiều lượt khách trong không gian chỉ hơn 10m2 là điều làm anh bất ngờ. Anh Hòa nói: “Thật bất ngờ khi có rất nhiều người thích cách bày trí của quán; có lẽ những vật dụng cũ kỹ như bàn ghế, cái ly, cái chén… gợi lại ký ức cho rất nhiều người. Có nhiều người cũng tò mò giống như tôi, rất thích hỏi nguồn gốc, lịch sử của các món đồ được trưng bày trong quán. Thậm chí còn có người hỏi mua lại, nhưng chơi đồ cổ phải nói tới chuyện “nhân duyên”: Người bán có “duyên” mà người mua cũng phải có “duyên””.

Để đa dạng bộ sưu tập đồ cũ, đồ cổ của quán, anh Hòa thường xuyên trao đổi với những người bạn mê đồ cổ ở Bình Dương và các tỉnh, thành lân cận. Hiện cách chơi “mượn đồ cổ” xoay vòng đang khá thịnh hành đối với người sưu tập đồ cổ nhưng còn hạn chế về vốn. Hàng tháng anh đều bỏ thời gian cùng với nhóm bạn cùng sở thích lân la các tỉnh, thành, dạo các chợ mua bán đồ cũ để tìm những món đồ mà mình ưa thích.

Đến quán cà phê Lanzar chúng tôi cũng khá ngạc nhiên khi đa số khách hàng tới quán có độ tuổi tầm 40 trở xuống. Ngoài những món đồ cổ ấn tượng, hương vị cà phê ở đây cũng được nhiều khách hàng hài lòng. “Đây là điều khích lệ lớn để quán tiếp tục đáp ứng tốt nhu cầu thưởng thức của khách hàng”, anh Hòa chia sẻ.

XUÂN VĨ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=2938
Quay lên trên