Hoan nghênh ngành ngân hàng đã tiếp thu và thực hiện hạ lãi suất cho vay

Cập nhật: 26-07-2012 | 00:00:00

Vấn đề bức thiết nhất và cũng là sự sống còn của cộng đồng DN trong giai đoạn thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát là LS NH liên tục tăng cao, từ 12%/năm lên đến trên 20%/năm. Là nhà quản lý DN ai cũng cần nguồn vốn giá rẻ và luôn mong muốn cắt giảm tối đa mọi chi phí để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Trước khi xảy ra lạm phát, Chính phủ cũng đã có những giải pháp nhằm hỗ trợ DN về LS (2009-2010), đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh... Điều này là rất đáng trân trọng và cần thiết, nhưng cộng đồng DN không ngờ nền kinh tế thế giới lại tiếp tục “khủng hoảng kép” và kéo dài như thế! Do vậy, khi DN sử dụng đồng vốn vay của NH để đầu tư dài hạn như đã nói thì DN phải chấp nhận các yêu cầu, điều kiện mà NH đưa ra như tăng LS; thanh toán hết món vay cũ thì mới tiếp tục được vay mới. Tình trạng này kéo dài, cộng với sự thu hẹp thị trường, hàng hóa tồn kho nhiều đã khiến tình hình “sức khỏe” của nhiều DN trở nên suy kiệt! 

Ông Nghĩa trao tượng trưng số tiền 50 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Bình Dương

Nghị quyết 13 của Chính phủ ra đời rất đúng lúc và hợp lòng dân. Tiếp đó, Thống đốc NH Nhà nước đã nhiều lần khẳng định và chỉ đạo hệ thống NH hạ LS, tái cấp vốn cho DN. Tuy nhiên, yêu cầu này chậm được thực hiện bởi NH có lý do riêng. Tôi đã theo dõi, ghi chép, cập nhật hàng ngày mà không thấy có chuyển biến nên đã quyết định phát biểu, chất vấn ngay tại kỳ họp HĐND vừa qua. Rất mừng là sau đó ngành NH đã tiếp thu ý kiến và thực hiện ngay việc điều chỉnh LS theo yêu cầu của Thống đốc NH Nhà nước. Hiện tại, LS vay mới chỉ còn 13%/năm; các món vay cũ được điều chỉnh giảm xuống còn 15%/năm và tiếp tục xu thế giảm LS ổn định theo yêu cầu của NH Nhà nước. Bước đi này tuy có chậm nhưng vững chắc và mang lại hiệu quả trông thấy. Thay mặt cử tri, cộng đồng DN tôi xin hoan nghênh tinh thần tiếp thu ý kiến, đồng hành cùng DN của ngành NH.

Một vấn đề khác vừa mang tính cấp bách, vừa góp phần bảo vệ nền sản xuất trong nước phát triển ổn định, bền vững là việc quản lý, kiểm soát chặt chẽ DN thành lập mới, trong đó có DN FDI. Do Việt Nam là nước mới phát triển nên được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế quan, ưu đãi về hàng hóa qua biên giới, chưa bị xem xét áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường lớn... Ngược lại DN Việt Nam đang có nhiều bất lợi như năng lực quản lý yếu kém, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế, dẫn đến năng lực cạnh tranh thấp, giá thành sản phẩm cao, đặc biệt lãi vay NH tại Việt Nam cao hàng chục lần so với các nước khác trong khu vực. Vì vậy, các tập đoàn và công ty nước ngoài đã tìm cách “tận dụng lợi thế” để xin thành lập mới DN nhằm được hưởng các ưu đãi đặc biệt này để tránh thuế chống bán phá giá khi xuất khẩu sản phẩm. Nguy hiểm hơn là các DN này đã áp dụng các kỹ xảo nghiệp vụ để “chuyển vốn, chuyển giá” bằng cách chuyển nguồn vốn rẻ từ nước ngoài vào để cạnh tranh với DN trong nước, sau đó xuất sản phẩm ra nước ngoài cho công ty mẹ với giá không bình thường, rồi báo lỗ để không phải chịu thuế TNDN, được hưởng thêm nhiều ưu đãi khác... sau đó bỏ trốn để lại “đàn con” bơ vơ và khối nợ khổng lồ, cùng nhiều hệ lụy khác.

Đây là thực tế đã từng xảy ra và cộng đồng DN đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Để tránh hậu quả đau lòng này, tôi kiến nghị các ngành chức năng, các đơn vị quản lý Nhà nước và các cấp lãnh đạo cần quan tâm hơn nữa đến cộng đồng DN trong nước, tạo “sân chơi” công bằng, bình đẳng và sớm phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận, đầu tư biến tướng bằng cách theo dõi, quản lý chặt chẽ các ngành nghề mà năng lực sản xuất đã đủ đáp ứng nhu cầu thị trường như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng. Có thể tham khảo chính sách quản lý của Indonesia để thấy: Muốn bán được sản phẩm sắt thép vào thị trường này trước tiên phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, giá cả và phải được phép của chính quyền sở tại. Sau đó, nhà DN phải chứng minh bằng văn bản có xác nhận của chính quyền mà sản phẩm đó đã bán tại các thị trường tương tự với giá cả, số lượng... Chỉ một động tác trên Nhà nước sở tại đã tránh được nhiều hệ lụy có thể xảy ra như tránh biến động giá, chất lượng sản phẩm ổn định có lợi cho người tiêu dùng trong nước, qua đó góp phần bảo vệ có hiệu quả nền sản xuất và cộng đồng DN trong nước.

D.CHÍ (ghi)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên