Hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật: 12-01-2024 | 08:20:03

Nhận thức cơ hội đến từ phát triển dịch vụ logistics, Bình Dương nhanh chóng xác định phát triển dịch vụ logistics làm nền tảng để thu hút đầu tư nước ngoài, hội nhập kinh tế quốc tế, phấn đấu trở thành trung tâm logistics khu vực phía Nam.

 Hàng hóa của doanh nghiệp tập kết tại cảng Bình Dương (TP.Dĩ An)

Nhiều cơ hội

Logistics là ngành dịch vụ được ví như mạch máu của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Theo đánh giá của PGS.TS.Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, Việt Nam cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng với nhiều nhà cung cấp cấp độ 2, cấp độ 3, nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp (DN).

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, Bình Dương đã kịp thời thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển các phương thức vận tải xuyên biên giới, khuyến khích ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, triển khai xây dựng đề án phát triển bền vững hệ thống logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch, thực hiện quy hoạch các trung tâm logistics, cảng cạn hình thành khu vực vệ tinh bảo đảm cho sự luân chuyển hàng hóa và hoạt động logistics diễn ra thuận lợi, nhanh chóng.

Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Thị Khánh Duyên, nhấn mạnh: “Con đường phía trước của dịch vụ logistics đầy triển vọng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Sở Công thương đề ra mục tiêu tìm kiếm giải pháp đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics một cách toàn diện, tạo mối liên kết giữa logistics với các DN sản xuất, xuất nhập khẩu; định hình và phát triển logistics theo hệ sinh thái bền vững, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Theo bà Duyên, cần khai thác tối ưu hiệu quả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics để tiết giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh cũng như giảm thiếu tác động đến môi trường. Đây là những nội dung quan trọng, mang tính thời sự, có ý nghĩa tích cực với sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.

Với Bình Dương, PGS-TS. Hồ Thị Thu Hòa đề xuất trong thời gian tới, ngành logistics cần xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu công việc, phù hợp với nhu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong môi trường làm việc quốc tế; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa phương thức quản lý và vận hành, sử dụng hệ thống phần mềm, nền tảng tối ưu hóa logistics nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, Bình Dương cần đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ logistics với DN sản xuất, xuất nhập khẩu nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và cải thiện năng lực.

Xanh hóa chuỗi cung ứng

Trong giai đoạn 2022-2025, Bình Dương ưu tiên mục tiêu quan trọng là nâng cấp 100% trung tâm lớn lên cấp độ trên mức 5PL, thúc đẩy ELogistics - Logistics trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, hệ thống các cảng trên sông Đồng Nai, Sài Gòn và Thị Tính sẽ được hình thành, kết nối với các tuyến đường Vành đai 3 và 4, bao gồm các cảng như An Sơn, An Tây, An Điền. Cảng Bình Dương sẽ được nâng cấp để đáp ứng tiêu chuẩn cảng container cửa khẩu quốc tế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Sơn Hải, Phó Giám đốc phụ trách cảng Bình Dương, cho biết cảng có tổng diện tích 5,2 ha gồm khu hàng nhập, hàng xuất, khu đóng hàng rút ruột, khu chứa container lạnh. Cùng với đó, cảng sở hữu hệ thống 4 cẩu bờ với 125m chiều dài cầu bến và mớn nước 6m, có thể tiếp nhận khai thác đa dạng các loại hàng hóa khác nhau, từ hàng rời, hàng container và cả hàng OOG cho các tàu container với tải trọng lên đến 5.000 DWT.

Được sự quan tâm của tỉnh và sự phối hợp hỗ trợ của Cục Hải quan, cùng định hướng đúng đắn, cảng Bình Dương đã vươn đến những con số đáng mơ ước, sản lượng thông qua của cảng đạt gần 300.000 Teus trong những năm gần đây. Cảng tích cực tìm hiểu, mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, khách hàng, các cơ hội để mở rộng thêm cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất, tăng cường xúc tiến, thu hút các mặt hàng mới tiềm năng, đặc biệt là hàng container. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, cảng Bình Dương cần có sự hợp tác, liên thông với đơn vị cảng vụ, hải quan và các cơ quan liên quan để đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho chủ hàng, chủ tàu tiết kiệm thời gian, giải phóng tàu nhanh, giảm chi phí vận tải và tăng hiệu quả vốn đầu tư.

Bà Phan Thị Khánh Duyên cho biết thêm, thời gian qua, thông qua các hội thảo chuyên đề logictics, Bình Dương lắng nghe các chuyên gia, tổ chức, hiệp hội, DN, cá nhân đóng góp ý kiến, trao đổi, thảo luận, đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc; đồng thời hiến kế, chia sẻ về những ý tưởng, kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong hoạt động dịch vụ logistics, góp phần tạo nên cơ sở hoàn thiện cho bước phát triển của logistics tại Bình Dương.

 Năng lực và thứ hạng Logistics Việt Nam có những bước đột phá và phát triển đáng ghi nhận như duy trì mức tăng trưởng hai con số, vươn lên vị trí top 10 trong bảng xếp hạng chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2023. Hiệu quả Logistics (LPI) trong năm 2023 tăng lên mức 3,3 so với 3,27 điểm năm 2018, thuộc TOP 5 ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng vị trí với Philippines.

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên