Lời tòa soạn: Nguyễn Thị Ngọc Hải, nữ nhà văn có tài viết thể loại ký sự nhân vật đã có những tác phẩm về đề tài chiến tranh, tình báo rất thu hút bạn đọc: “Phạm Xuân Ẩn - Tên người như cuộc đời”, “Trần Quốc Hương - Người thầy của những nhà tình báo huyền thoại”, “Đại tướng Mai Chí Thọ - Tướng con dân”… Mới đây, Nguyễn Thị Ngọc Hải tiếp tục làm say mê độc giả với tác phẩm “Đời người xuyên thế kỷ - Chân dung điệp viên A.13”. Cuốn sách kể về một nhân vật tình báo rất nổi tiếng của cách mạng Việt Nam. Dưới đây, Báo Bình Dương trân trọng đăng lời giới thiệu về cuốn sách này do đồng chí Mai Thế Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương chấp bút.
Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chúng ta tự hào về truyền thống yêu nước nồng nàn của các thế hệ người Việt Nam thuộc mọi tầng lớp xã hội, trong đó đội ngũ giai cấp công nhân luôn luôn giữ vị trí đi đầu và quyết định. Đặc biệt ở miền Nam, phong trào công nhân ở Nhà máy Xe lửa Dĩ An do tổ chức Công hội Đỏ dẫn dắt đã thể hiện đầy sức thuyết phục quá trình đấu tranh cách mạng và những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc ở giai đoạn lịch sử hiện đại của Việt Nam, giai đoạn cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đầu thế kỷ XX, Dĩ An thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định. Thực dân Pháp chọn vùng đất gò (có độ cao 30m so với mặt nước biển), nơi tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang đi qua để xây dựng một nhà máy công nghiệp hiện đại của ngành xe lửa xuyên Đông Dương. Bắt đầu xây dựng năm 1902, nhà máy hoàn thành năm 1912. Trong 10 năm ấy, chúng đã bắt phu từ những người nông dân bần cùng để xây dựng nhà máy và biến họ thành công nhân lao động phụ thợ để sau này trở thành đội ngũ công nhân đầu tiên của Nhà máy Xe lửa Dĩ An. Chính vì thế, tính chất tiên tiến và ý thức giác ngộ giai cấp của lực lượng công nhân nhà máy hình thành khá sớm; vấn đề công nông liên minh ở đây không chỉ trên lý thuyết mà còn là mối quan hệ máu thịt, thể hiện trong thực tiễn đấu tranh, của mỗi công nhân với lực lượng nông dân trong vùng. Từ phong trào công nhân đấu tranh tự phát từ rất sớm (vào đầu những năm 20) cho đến khi có Chi bộ Đảng và Công hội Đỏ vào đầu năm 1930, hoạt động đấu tranh cách mạng của công nhân đã chuyển sang tự giác và trở thành một trong những cái nôi của phong trào công nhân miền Nam lúc bấy giờ. Từ đây, phong trào công nhân phát triển đến Tháp Chàm, Đà Lạt, Nha Trang, Diêu Trì và Đà Nẵng.
Với hành văn mộc mạc, giản dị và nhiều tình tiết hấp dẫn, cuốn sách thực sự là một câu chuyện rất hay. Đầu tháng 9 này, Báo Bình Dương trân trọng trích đăng từng phần về nội dung của cuốn sách. Mời độc giả đón theo dõi. |
Trong đội ngũ đông đảo của những người công nhân cách mạng đáng kính đó, nổi bật lên hình ảnh của đồng chí Hoàng Đạo (nhân vật chính của cuốn sách này), người cán bộ điệp báo của Đảng, mang bí danh A.13 với chiến công vang dội đánh chìm chiến hạm Amyot D’inville của thực dân Pháp. Xuất thân trong một gia đình nông dân và làm thợ từ khi còn rất trẻ ở nhà máy xe lửa Dĩ An (năm 16 tuổi), năm 1931 chàng thanh niên Hoàng Đạo vào làm việc ở một hãng sửa chữa tàu của một công ty người Pháp, tham gia Công hội Đỏ rồi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, tham gia làm báo ở Thành bộ Sài Gòn - Chợ Lớn và rồi con đường cách mạng đã dẫn dắt chàng thanh niên ấy trở thành điệp viên A.13 đấu tranh trong lòng địch trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Nhà máy Xe lửa Dĩ An nay là Công ty Xe lửa Dĩ An, nơi đồng chí Hoàng Đạo vào làm công nhân năm 16 tuổi |
Tuy tham gia cách mạng từ rất sớm, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng, nhưng do tính chất công tác (mật) và địa bàn khá rộng (miền Trung, miền Bắc), nên toàn bộ cuộc đời hoạt động của đồng chí Hoàng Đạo chưa được biết đến một cách đầy đủ; nhất là đối với giới trẻ và đồng bào, đồng chí sinh sống tại chính quê hương ông (Dĩ An - Bình Dương).
Với tấm lòng kính trọng của một người thuộc thế hệ sau đối với một người đã cống hiến gần cả cuộc đời để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, xin trân trọng giới thiệu cuốn sách này cùng bạn đọc xa gần, nhất là bạn đọc ở tỉnh Bình Dương, xem như là một tri ân đối với bậc lão thành cách mạng ở quê hương.
(*) Tựa bài do tòa soạn đặt
MAI THẾ TRUNG
(Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương)