Chiếc xe hiệu Rolls Royce chở Thái tử Charles và Công nương Camilla ngày 9-12 bị những người biểu tình phá hoại tại London, nối dài danh sách các vụ xâm phạm an ninh hoàng gia Anh.
Lẻn vào phòng ngủ nữ hoàng
Người được coi là nổi tiếng nhất với vụ thách thức an ninh hoàng gia Anh là Michael Fagan, kẻ đã cả gan lẻn vào tận khu cấm cung của Nữ hoàng Elizabeth II trong Điện Buckingham vào sáng 9-7-1982, trong khi bà vẫn đang ngự trên giường.
Ông bố thất nghiệp 31 tuổi của 4 đứa con này đã trèo qua các bức tường bao quanh cung điện, rồi chui theo đường ống nước để vào khu dành riêng cho nữ hoàng. Fagan qua mặt tất cả các nhân viên bảo vệ cùng hệ thống báo động điện tử để trèo qua cửa sổ, kéo rèm phòng ngủ của nữ hoàng để gọi bà.
Nữ hoàng Elizabeth II trong một cuộc duyệt binh truyền thống.
Tại đây Fagan đã kịp nói chuyện với người đứng đầu hoàng gia Anh trong suốt 10 phút theo cách chưa từng có tiền lệ. Nữ hoàng chỉ có thể phát tín hiệu báo động khi Fagan hỏi xin một điếu thuốc. Ngay sau đó một người hầu cận xông vào khống chế kẻ đột nhập liều lĩnh cho đến khi cảnh sát có mặt.
Đáng lẽ có một cảnh sát có vũ trang luôn đứng bảo vệ ngay bên ngoài cửa phòng ngủ của nữ hoàng. Nhưng vào thời điểm Fagan đột nhập, người này vừa bước ra để đổi gác, trong khi người thay thế anh lại đang dắt chó đi dạo nên chưa đến thay kịp, tạo một kẽ hổng đúng thời điểm kẻ liều lĩnh lọt vào phòng ngủ nữ hoàng.
Đây là một trong những sự kiện đáng quên nhất của lực lượng an ninh Anh. Vụ việc nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Nội vụ khi đó là William Whitelaw, người chịu trách nhiệm bảo vệ hoàng gia Anh, đã đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Margaret Thatcher để nhận trách nhiệm, nhưng không được chấp thuận.
Kỳ quái và nguy hiểm
Ngoài vụ Fagan đã quá nổi tiếng còn có hàng loạt hàng động khác nhằm vào hoàng gia Anh ở các mức độ từ kỳ quái đến nguy hiểm thực sự. Theo Telegraph, tất cả những vụ này đều có điểm chung là làm gia tăng mối lo ngại về mức độ bảo vệ hợp lý cho nữ hoàng và gia đình của bà.
Năm 1974, Công chúa Anne trở thành mục tiếp trong âm mưu bắt cóc của một người đàn ông mắc bệnh tâm thần có tên Ian Ball, khi cô đang có mặt trên đại lộ The Mall nổi tiếng gần Điện Buckingham. Cô sau đó bình an vô sự, nhưng vệ sĩ riêng là Jim Beaton bị thương với 3 phát đạn khi thủ phạm Ball nổ súng.
Tới năm 1981 lại xảy ra sự kiện dở khóc dở cười về an ninh, khi 3 du khách đến từ Đức hồn nhiên dựng lều và cắm trại ngay trên khu đất thuộc Điện Buckingham, vì nghĩ rằng đây là một phần của Công viên Hyde Park rộng lớn nằm ngay cạnh đó. Cùng trong năm này, khi nữ hoàng đang cưỡi ngựa trong lễ duyệt binh truyền thống thì vang lên 6 tiếng súng không có đạn từ đám đông gây báo động.
Tháng 6-1982, một kẻ xâm nhập mang theo con dao xông vào tận khu đất phía trước Điện Buckingham mới bị cảnh sát chặn lại. Tới năm 1994, đến lượt Thái tử Charles gặp nguy hiểm và lần này tại Australia, khi một sinh viên địa phương có tên David Kang tấn công ông bằng một khẩu súng chuyên dùng để bắn pháo hiệu.
Đúng 5 năm sau, một lần nữa Thái tử Charles lâm vào tình huống nguy hiểm và phải sử dụng đến thiết bị gắn trong chiếc đồng hồ đeo tay của mình để báo động với nhân viên an ninh, khi ông bị đe doạ bằng một khẩu súng bắn tên.
Năm 2003, cảnh sát Anh cũng bị chỉ trích sau vụ thất bại về an ninh khi để diễn viên hài Aaron Barschak lọt vào bữa tiệc sinh nhật lần thứ 21 của Hoàng tử William dù không được mời. Điều tra sau đó phát hiện Barschak đã từng 7 lần khiến chuông báo động vang lên và bị ghi hình trên các camera theo dõi 5 lần, nhưng cảnh sát vẫn không có bất cứ hành động ngăn chặn nào.
Trước vụ tấn công xe chở Thái tử Charles và Công nương Camilla tại London hôm 9-12, vụ vi phạm an ninh hoàng gia mới nhất xảy ra hồi đầu năm nay khi chỉ huy cận vệ của nữ hoàng là Ian Boyes bị đình chỉ công tác, khi anh này vô tình để súng cướp cò khi đang lau chùi và bắn một phát đạn bên trong Điện Holyroodhouse, hành cung của nữ hoàng tại Edinburgh, Scotland. Hiện vẫn không rõ nữ hoàng có mặt trong cung điện này khi xảy ra vụ cướp cò hay không.
Theo VNE