Hoạt động hợp tác xã: Chuyển đổi số để phát triển bền vững, hiệu quả

Cập nhật: 13-05-2022 | 08:27:48

Kỳ 1: Xu hướng tất yếu

LTS: Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ trên các lĩnh vực hiện nay, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt là công nghệ tin học, công nghệ truyền thông trong hoạt động là xu thế mà các hợp tác xã (HTX) cần chú trọng thực hiện. Chuyển đổi số trong hoạt động chính là yêu cầu và cũng là nhu cầu của các HTX để phát triển bền vững, hiệu quả và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế quốc tế.

 Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu để các HTX phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả. Để “rộng cửa” quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình, các HTX đã sử dụng mạng xã hội, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng website... Tuy nhiên, để các HTX có thể ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và quản lý vẫn cần phải có nhiều giải pháp.

 Với việc ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) vào nông nghiệp, toàn bộ quá trình trồng ổi tại HTX đều được quản lý bằng ứng dụng trên điện thoại di động

Đòn bẩy kinh doanh hiệu quả

HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên (ấp Bố Lá, xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo) được biết đến là HTX tiên phong xuất khẩu ổi sang thị trường nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh áp dụng quy trình hữu cơ trong sản xuất nhằm cho ra sản phẩm chất lượng và an toàn, tất cả các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đều được áp dụng công nghệ cao để theo dõi. Với việc ứng dụng công nghệ IoT (Internet vạn vật) vào nông nghiệp, toàn bộ quá trình trồng ổi tại HTX đều được quản lý bằng ứng dụng trên điện thoại di động, như: Hệ thống tự động chăm sóc cây trồng tưới tiêu thông minh, giám sát điều kiện môi trường cây trồng từ xa và quản lý, điều khiển thông qua Smart phone.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Kiên, Giám Đốc HTX Nông nghiệp ổi Thanh Kiên, từ trước tới nay người nông dân canh tác gần như chỉ phụ thuộc vào kinh nghiệm để nhận biết về đặc tính cây trồng và thời tiết. Chính vì vậy, năng suất và hiệu quả canh tác cũng mang tính “may rủi”. Nhờ ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh, những giá trị về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng... sẽ được các thiết bị cảm ứng thu lại và đẩy dữ liệu lên hệ thống để chọn giải pháp tưới tiêu phù hợp. Lượng nước, nhiệt độ, độ ẩm... cho cây ổi được tính toán và thiết lập phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây. Như vậy, công nghệ giúp người nông dân chủ động được việc chăm sóc, thu hoạch. Do đất trồng ổi của gia đình ông Kiên là đất cát, nước thấm rất nhanh, nên vào mùa nắng gia đình sử dụng hệ thống tưới nước bằng hệ thống cơ, mùa mưa sẽ lắp lại hệ thống IoT để tưới. Năng suất và chất lượng sản phẩm luôn bảo đảm, trung bình 1 tháng xuất đi 5 - 6 container, tương đương 40 tấn ổi/1 xe.

Đối với HTX trong lĩnh vực vận tải, việc ứng dụng giải pháp camera trong hoạt động kinh doanh vận tải sẽ giúp cho công tác quản lý các đầu xe trở nên thuận lợi. Anh Mai Quốc Phong, Giám đốc HTX Vận tải Bàu Bàng (thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng), cho biết: HTX hiện có 20 đầu xe lớn nhỏ, được lắp hệ thống camera tại khoang tài xế và khoang hành khách. Như vậy, những phát sinh trên đường đi, theo dõi lộ trình, hoạt động của lái xe, hành khách trở nên dễ dàng thông qua kiểm soát hình ảnh. Ứng dụng này sẽ rất hiệu quả đối với các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải đường dài.

Có thể thấy, việc chuyển đổi số sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp các HTX tối ưu hóa nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí, phát triển sản xuất và tiếp cận thị trường nhanh chóng, dễ dàng hơn. Nhận thức được điều đó, nhiều HTX đã chủ động ứng dụng internet và sử dụng dịch vụ internet để cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh... Đặc biệt, thời điểm dịch bệnh Covid-19 vừa qua, việc áp dụng chuyển đổi số trong quảng bá sản phẩm đã giúp không ít HTX, nhất là HTX nông nghiệp tránh được tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất, giúp nhiều nông dân “thoát” tình trạng ứ đọng hàng. Để thích nghi với tình hình, các thành viên trong các HTX đã tích cực sử dụng website, Facebook, Zalo, fanpage... tham gia các hoạt động kinh doanh, quảng cáo trực tuyến nhằm mở rộng kênh tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Cơ, xã viên HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (ấp 2, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên), chia sẻ HTX chủ yếu trồng bưởi, chuối... Trong thời điểm dịch bệnh, các thành viên may mắn được HTX bao tiêu sản phẩm, HTX nỗ lực quảng bá hàng trên các trang mạng xã hội; qua đó, nhiều khách hàng biết đến để đặt mua.

 Theo Liên minh HTX tỉnh, nhằm hỗ trợ các thành phần kinh tế tập thể tỉnh phát triển theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0, Liên minh HTX tỉnh phối hợp cùng Viễn thông Bình Dương ký kết Chương trình hợp tác toàn diện giữa hai cơ quan về ứng dụng viễn thông - công nghệ thông tin trong phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2021-2025. Chương trình hợp tác sẽ hỗ trợ các HTX và Quỹ Tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh từng bước tiếp cận những ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin hoạt động sản xuất, kinh doanh, ứng dụng, quản lý, điều hành, tiếp nhận xử lý thông tin và số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành của đơn vị theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0.

Phải phù hợp thực tiễn

Hiện nay, chuyển đổi số đã và đang tham dự vào mọi công đoạn của sản xuất. Qua thực tiễn cho thấy sự cần thiết của các giải pháp số, góp phần đem lại nguồn lợi kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, để tăng cường ứng dụng công nghệ và đặc biệt là chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm với nhiều HTX vẫn còn là bài toán khó. Theo đó, chuyển đổi số cần phải phù hợp với từng HTX (trình độ nhân lực, cơ sở hạ tầng, loại hình sản xuất, kinh doanh...) chứ không phải chạy theo sự áp đặt của công nghệ, sự chênh lệch giữa công nghệ và khả năng vận dụng của người dùng.

 Thông qua việc sử dụng mạng xã hội, tham gia vào các sàn giao dịch thương mại điện tử, xây dựng website... các HTX quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm của mình. Trong ảnh: Quảng cáo bằng website của HTX Thép Toàn Lực (thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) giúp cắt giảm chi phí đầu tư so với quảng cáo truyền thống

Ông Đặng Văn Tuấn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng chia sẻ, trên địa bàn có HTX dưa lưới mới thành lập, các xã viên tay nghề còn mới, giám đốc HTX đã lớn tuổi nên gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh. Hay như HTX Nông nghiệp Mười Thúy (thị trấn Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên) trước đó là chi hội nghề nghiệp trồng nấm. Mặc dù trong sản xuất, chi hội đã áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc nấm, tuy nhiên quy định báo cáo thuế khi trở thành HTX khiến HTX lúng túng, các phần mềm kế toán, hóa đơn điện tử còn chưa quen.

Như vậy, chuyển đổi số có thể đơn giản là số hóa, có IoT, website, thương mại điện tử hoặc đơn thuần là chuyển từ lao động tay chân sang tự động hóa, chuyển từ giấy bút sang phần mềm. Tức là phải phù hợp với thực tiễn, năng lực tiếp nhận để không quá gây áp lực cho HTX khi tiếp nhận. Cụ thể, đối với HTX nông nghiệp, quan trọng nhất là thay đổi tư duy làm nông nghiệp thuần túy sang làm nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng giải pháp IoT... Còn đối với HTX vận tải, ứng dụng giải pháp camera vận tải theo quy định và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô hay giải pháp tin nhắn thương hiệu - SMS Brandname được ứng dụng tại Quỹ Tín dụng nhân dân và thành viên Liên minh HTX tỉnh là giải pháp phù hợp...(còn tiếp)

 TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=702
Quay lên trên